Triều Tiên sẽ bắn pháo hoa mừng tên lửa, Mỹ - Trung lo đối sách tại G-20

06/07/2017 16:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Triều Tiên dám liều là bởi đã có những phép thử để xác định khả năng phản ứng của Mỹ, cũng như hiệu quả thực sự trong chính sách của ông Donald Trump.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News ngày 6/7 đưa tin, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tối nay để ăn mừng vụ phóng thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-14 ngày 4/7.

Pháo hoa sẽ được bắn tại tháp Juche dọc bờ sông Taedong ở thủ đô để ăn mừng sự kiện Triều Tiên mô tả là một dấu mốc lịch sử, bước ngoặt thời đại. [1]

Ông Donald Trump "bối rối" ép Trung Quốc

The Guardian, Anh quốc ngày 6/7 dẫn lời một số chuyên gia nhận định, sau "tuần trăng mật" ngắn ngủi và bất thường, quan hệ giữa ông Donald Trump với ông Tập Cận Bình đang đối mặt với những hòn đá tảng.

Bởi lẽ hai nhà lãnh đạo này đã thất bại trong việc tìm tiếng nói chung về cách thức kiềm chế Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Björn Conrad, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin cho rằng:

Trước đó để tìm kiếm giúp đỡ của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên, Nhà Trắng đã tạm hoãn chiến dịch chống thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, ảnh: Times.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, ảnh: Times.

Nhưng giờ đây trọng tâm của chính quyền Donald Trump sẽ quay trở lại vấn đề thương mại, sau khi Trung Quốc "thất bại" trong việc kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Chu Phong, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Nam Kinh, đồng ý rằng:

Quan hệ Mỹ - Trung lại bước vào giai đoạn mới không chắc chắn. Tương lai quan hệ Bắc Kinh - Washington là đáng lo ngại.

Trước thềm G-20, ông Donald Trump đã gợi ý về "một cơ hội cuối cùng" với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Orville Schell, nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ từ Trung tâm Xã hội châu Á ở New York, bình luận:

"Tôi nghĩ trên thực tế Tập Cận Bình đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời.

Nếu ông phối hợp với Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, tôi nghĩ ông sẽ được rất nhiều thứ, từ thương mại cho đến Biển Đông, Hoa Đông.

Nhưng có vẻ ông ta không sẵn sàng hoặc không thực sự ủng hộ Mỹ trong vấn đề Bắc Triều Tiên.

Có điều tôi sẽ không nói rằng, đó là một sai lầm của Tập Cận Bình vì không chấp nhận đề nghị của Trump, để đổi lấy 'hòa bình trên mặt trận thương mại'.".

Triều Tiên sẽ bắn pháo hoa mừng tên lửa, Mỹ - Trung lo đối sách tại G-20 ảnh 2

Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa, Trung Quốc không "cứu" Donald Trump

Orville Schell dự đoán ông Donald Trump sẽ có "đường chuyền cuối cùng" với nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Hamburg, Đức.

Tuy nhiên khả năng ông Tập Cận Bình đón nhận "đường chuyền cuối" này không cao. [2]

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 6/7 cũng dẫn lời các chuyên gia nhận định:

Khủng hoảng Triều Tiên không chỉ sẽ "cướp diễn đàn" hội nghị thượng đỉnh G-20, mà còn có thể đẩy Mỹ - Trung vào một cuộc đối đầu.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOSA tại London, Anh quốc nói với South China Morning Post:

"Ông Tập Cận Bình sẽ cho ông Donald Trump và những người khác thấy, chế ngự Kim Jong-un khó khăn như thế nào, với vài đòn bẩy mà ông có.

Vì vậy ông cần thêm thời gian và sự thông cảm, để nhà lãnh đạo Kim Jong-un 'biết cư xử tốt hơn'. Tôi nghi ngờ rằng điều này sẽ diễn ra thuận lợi.".

Jonathan Sullivan, Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham cho biết:

"Tôi nghĩ rằng, Donald Trump đã có ý tưởng rất sai lầm về những gì ông có thể đạt được trên cơ sở một cuộc họp với Tập Cận Bình.

Trung Quốc đã 'thất bại', cho dù họ có tận tình hay không. Đó là minh chứng rằng, suy nghĩ của Donald Trump quá đơn giản.". [3]

Ông Tập Cận Bình sẽ "né" đòn của Washington, tranh thủ lấp khoảng trống của Mỹ ở châu Âu

The New York Times ngày 5/7 nhận định, hầu hết dư luận quốc tế sẽ tập trung chú ý vào cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin bên lề G-20 này. [4]

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có mặt ở Hamburg, Đức.

Nhà lãnh đạo này đã lặng lẽ chen vào khoảng trống ngày càng lớn giữa ông Donald Trump với các đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Âu.

Ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó có một cuộc họp song phương và ăn tối ở Berlin với Thủ tướng Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Berlin hôm thứ Ba 4/7, ảnh: The New York Times.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Berlin hôm thứ Ba 4/7, ảnh: The New York Times.

Chủ tịch Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với bà Angela Merkel, người phụ nữ quyền lực nhấn châu Âu và đã từng công khai sự khác biệt giữa mình với ông Donald Trump.

Angela Stanzel, một học giả nghiên cứu châu Á tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại tại Berlin nói rằng:

Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện mục tiêu của họ ở châu Âu.

Tháng Giêng năm nay, ông Tập Cận Bình đã tận dụng lợi thế từ việc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ của ông Donald Trump để công bố:

Trung Quốc là một nhà vô địch của thương mại tự do toàn cầu. Ông thể hiện điều này trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ.

Đức là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, đã chia sẻ quan điểm của Trung Quốc.

Bà Angela Merkel bảo vệ tự do thương mại, Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris.

Ông Donald Trump lại rút Mỹ khỏi cả hai lĩnh vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Đức chỉ sau hơn 1 tháng kể từ chuyến thăm chính thức nước Đức của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các hoạt động ngoại giao từ Bắc Kinh đến Berlin được thúc đẩy trong bối cảnh, bà Angela Merkel muốn tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng Chín tới.

Triều Tiên sẽ bắn pháo hoa mừng tên lửa, Mỹ - Trung lo đối sách tại G-20 ảnh 4

"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc?

Thủ tướng Đức đã công khai tuyên bố rằng, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã không còn là một đồng minh gần gũi và đáng tin cậy. 

Châu Âu phải thực sự chịu trách nhiệm cho số phận của chính mình. [5]

Trong khi đó, có rất ít căng thẳng giữa Đức hay châu Âu với Trung Quốc. Vấn đề chủ yếu là về thương mại và tiếp cận thị trường.

Robin Niblett, giám đốc Chatham House - một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, nhận định rằng, ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ "tránh thể hiện" ở Hamburg.

Niblett cho rằng:

"Trong khi Trung Quốc đang muốn dần dần thực hiện ý tưởng vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, sẽ tốt hơn nếu (ông Tập Cận Bình) để dư luận tập trung chú ý vào Trump và Putin, cũng như hậu quả của Brexit tại Hamburg.

Lúc này chưa phải thời cơ cho Tập Cận Bình.". [4]

Trước khi sang Đức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đi Moscow và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Quan điểm của Bắc Kinh và Moscow về vấn đề Triều Tiên đang tỏ ra khá nhất quán.

Phải chăng đó cũng là tính toán của Bắc Kinh trong việc "giảm xóc" áp lực từ chủ nhân Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên khi mặt đối mặt với ông Tập Cận Bình bên lề G-20?

Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/7 cho biết, ngoài Triều Tiên là vấn đề hàng đầu trong cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình bên lề G-20, hai ông dự kiến sẽ thảo luận về Biển Đông và Đài Loan. [6]

Lãnh đạo Mỹ - Trung đang bị ông Kim Jong-un "dẫn dắt"?

Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc nói với South China Morning Post:

"Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đồng ý siết chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, chẳng hạn như cắt nguồn cung cấp dầu khí và đình chỉ thương mại song phương, không có gì đảm bảo điều đó sẽ khuất phục được Kim Jong-un.

Trong khi đó, nếu Trung Quốc cạn kiệt các tùy chọn đối với Bắc Triều Tiên, nó sẽ đẩy Bắc Kinh vào thế mất thể diện và dễ bị tổn thương.".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước những lựa chọn khó khăn? Ảnh: Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước những lựa chọn khó khăn? Ảnh: Times.

Gal Luft, đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh toàn cầu tại Washington được South China Morning Post dẫn lời cho rằng:

"Đã quá lâu rồi, Bắc Triều Tiên trở thành chất keo duy nhất gắn kết Mỹ với Trung Quốc.

Nhưng chất keo này luôn luôn quá giòn để có thể giữ mối quan hệ này ổn định.

Nghịch lý thay, ông Kim Jong-un đã cho bắn một quả tên lửa đạn đạo ngay trước hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình bên lề G-20.

Bằng cách này, ông Kim Jong-un đã buộc 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung phải tìm cách mở rộng quan hệ, theo đuổi lợi ích chung mới.

Điều quan trọng hiện nay là không được để ông Kim Jong-un cảm thấy rằng, trò chơi tinh quái của mình có thể gây rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nó sẽ chỉ khiến ông Kim Jong-un thêm quyết tâm theo đuổi ảo tưởng vĩ đại của mình.". [4]

Cá nhân người viết cho rằng, trên bàn cờ chiến lược bán đảo Triều Tiên, Mỹ - Trung - Nga đang tìm cách phân chia lợi ích.

Ông Kim Jong-un đã nắm được sự khác biệt trong toan tính, ý đồ của 3 siêu cường này với nhau và với Bình Nhưỡng, nên đã liên tục tung đòn thách thức ý chí của Nhà Trắng, Điện Kremlin lẫn Trung Nam Hải.

Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng không phải dễ bắt nạt. 

Tuy nhiên, lựa chọn này có thực sự là lợi ích lâu dài cho dân chúng Triều Tiên và tương lai bán đảo cùng chung dòng máu hay không, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau.

Tính toán, lựa chọn của Bình Nhưỡng trong bàn cờ chiến lược này như thế nào, chỉ có họ mới biết.

Triều Tiên dám "liều" là bởi đã có những phép thử để xác định khả năng phản ứng của Mỹ, cũng như hiệu quả thực sự trong chính sách của ông Donald Trump.

Tuy nhiên nếu cứ tiếp tục "liều", tiếp tục thử sức chịu đựng của người Mỹ, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, bởi áp lực từ Quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ lên vị Tổng thống doanh nhân này cũng đang ngày càng lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/07/06/31/0401000000AEN20170706008700315F.html

[2]https://www.theguardian.com/world/2017/jul/06/trump-china-xi-romance-cooled-ass-kicking-could-lie-ahead

[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2101457/where-did-bromance-go-between-xi-jinping-and-donald

[4]https://www.nytimes.com/2017/07/05/world/europe/xi-merkel-trump-china-germany.html

[5]https://www.nytimes.com/2017/05/28/world/europe/angela-merkel-trump-alliances-g7-leaders.html

[6]http://www.globaltimes.cn/content/1055103.shtml

Hồng Thủy