Trung Quốc bán tàu hộ vệ, nâng cấp tên lửa cho Bangladesh

26/01/2014 07:39
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
(GDVN) - Tàu chiến thải loại của Trung Quốc chủ yếu bán cho một số nước mua tàu chiến rẻ, sức chiến đấu trên biển khá yếu như ở Đông Nam Á và Nam Á.
Tàu hộ vệ 053H2, đánh số F-17 chạy trên biển (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu hộ vệ 053H2, đánh số F-17 chạy trên biển (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Tờ "Nhân Dân nhật báo" Trung Quốc ngày 24 tháng 1 đưa tin, gần đây, trên mạng xuất hiện các hình ảnh về 2 tàu hộ vệ lớp Giang Hồ thải loại Trung Quốc bán cho Bangladesh chạy thử trên biển. Nhìn vào các hình ảnh thấy, 2 tàu chiến này đã qua cải tạo, đã thay thiết bị điện tử mới, phương thức phóng tên lửa chống hạm cũng từ 4 bệ (giá) 2 nòng cải tạo thành 2 bệ 4 nòng. Theo phỏng đoán của truyền thông, tên lửa chống hạm này cũng từ Ưng Kích-81 đổi sang C-802. Như vậy, sau khi cải tạo, tính năng 2 tàu chiến này được tăng cường như thế nào?

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, 2 tàu chiến này được Trung Quốc chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước, radar, thiết bị thông tin, hệ thống kiểm soát chỉ huy, khả năng chống gây nhiễu đã không thể đáp ứng nhu cầu tác chiến trên biển hiện nay. Vì vậy, việc nâng cấp, cải tạo chủ yếu tiến hành đối với các phương diện này.

Đồng thời ông Kiệt dự đoán, hệ thống động lực của tàu cũng sẽ tiến hành một số cải tiến, chủ yếu tiến hành nâng cấp về công suất, từ đó làm cho động cơ của tàu chiến mạnh hơn.

Tên lửa hạm đối hạm C-802 Trung Quốc
Tên lửa hạm đối hạm C-802 Trung Quốc

Điều đáng chú ý là, phương thức phóng tên lửa của 2 tàu chiến này sẽ từ 4 bệ 2 nòng cải tạo thành 2 bệ 4 nòng. Điều này chủ yếu tính toán từ góc độ lửa phun ra từ đuôi khi phóng, trước đây khi chưa cải tạo, lửa phun ra từ đuôi tên lửa khi phóng sẽ làm mòn boong tàu, nhưng sau khi cải tạo sẽ có thể tránh hoặc giảm tình hình này. Đồng thời có người dự đoán, tên lửa chống hạm cũng đổi sang sử dụng C-802. Nếu đúng như vậy thì khả năng tác chiến của 2 tàu chiến này sẽ tiếp tục cải thiện.

Hai tàu hộ vệ này thuộc thế hệ thứ hai do Trung Quốc tự sản xuất. Theo Lý Kiệt, 2 tàu hộ vệ này vốn là một loại tàu chiến có khả năng chống hạm nổi bật, trên tàu lắp 8 quả tên lửa chống hạm Ưng Kích-81 có tính năng tương đối tiên tiến, loại tên lửa này có tầm bắn tương đối xa, khả năng tác chiến cũng tương đối mạnh.

Đương nhiên, khả năng phòng không, săn ngầm của tàu này yếu hơn, nguyên nhân là khi đó những chiếc tàu này chủ yếu dùng để tác chiến ở các vùng biển gần, không tính toán nhiều đến khả năng phòng không tự thân của tàu chiến, vì vậy có tên lửa phòng không trên bờ và lực lượng hàng không Hải quân có thể cung cấp phòng không tương đối tốt cho tàu chiến.

Trung Quốc sản xuất máy bay chiến đấu F-7BGI cho Bangladesh (ảnh minh họa)
Trung Quốc sản xuất máy bay chiến đấu F-7BGI cho Bangladesh (ảnh minh họa)

Mặt khác, do 2 tàu hộ vệ này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển gần nên cũng không cần tính nhiều đến khả năng săn ngầm, đây cũng là nguyên nhân khi đó khả năng săn ngầm của Hải quân Trung Quốc tương đối yếu ớt. Nói chung, tính năng tổng hợp của loại tàu chiến này có điểm nổi bật so với một số tàu hộ vệ của một số nước tiên tiến trước đây.

Về nguyên nhân Bangladesh mua loại tàu chiến này, Lý Kiệt cho rằng, trước hết "Trung Quốc và Bangladesh có tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đã thúc đẩy hợp tác quân sự hai nước"

Thứ hai, Bangladesh trước đây cũng đã mua vũ khí trang bị của Trung Quốc, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 053H1 vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau khi trang bị, Bangladesh cảm thấy tính năng tương đối hài lòng, cũng cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến và hoạt động trên biển của họ.

Thứ ba, giá cả tàu chiến của Trung Quốc tương đối rẻ, không đắt như giá tàu chiến các nước phương Tây. Mua tàu chiến thải loại và tiến hành nâng cấp, cải tạo có thể đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu ứng phó khẩn cấp của khách hàng.

Tàu hộ vệ 053H1 của Hải quân Myanmar, mua của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu hộ vệ 053H1 của Hải quân Myanmar, mua của Trung Quốc (ảnh minh họa)

Cuối cùng, về chi phí, nếu mua tàu chiến thải loại tiên tiến hơn của các nước phương Tây thì chi phí quá đắt. Đối với Bangladesh, chi tiêu quân sự của họ không nhiều, kinh phí cấp cho hải quân càng ít. Hơn nữa, tàu chiến Trung Quốc không chỉ giá rẻ, mà 2 tàu chiến này sau khi cải tạo cũng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của Hải quân Bangladesh.

Về việc hướng xử lý những tàu chiến thải loại của các nước, Lý Kiệt cho rằng, trước hết, phương thức xử lý của các nước không giống nhau. Chẳng hạn, Mỹ lắm tiền nhiều của cho rằng một số tàu chiến hết hạn phục vụ có giá trị giữ lại thì cố gắng giữ lại, có một số tàu chiến sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ bán cho đồng minh.

Thứ hai, đối với tàu chiến động cơ hạt nhân, chẳng hạn một bộ phận tàu sân bay động cơ hạt nhân hoặc tàu ngầm hạt nhân, một phương pháp là dỡ bỏ động cơ hạt nhân, cải tạo thành viện bảo tàng, cung cấp cho du khách xem, có loại thậm chí được cải tạo thành sòng bạc.

Xe tăng MBT-2000 của Myanmar, do Trung Quốc chế tạo
Xe tăng MBT-2000 của Myanmar, do Trung Quốc chế tạo

Một phương pháp khác là niêm phong cất vào kho ở căn cứ, cảng, do nhiên liệu hạt nhân hiện nay còn chưa có biện pháp xử lý tốt lắm, về cơ bản loại tàu chiến này sau khi nghỉ hưu chỉ có thể niêm phong cất vào kho hoặc để ở một số căn cứ, quân cảng, đợi sau này công nghệ tiên tiến, hoàn thiện, tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp xử lý.

Tiếp theo, dùng làm tàu "bia ngắm", chẳng hạn, vào năm 2006, Mỹ áp dụng phương thức gắn thuốc nổ trên tàu sân bay America  tiến hành "bắn phá điên cuồng" 25 ngày, cuối cùng nhấn chìm nó trong Đại Tây Dương.

Cuối cùng, trực tiếp tháo dỡ. Tháo dỡ cũng cần phân thành có tình nguyện hay không tình nguyện, chẳng hạn tàu sân bay Ulyanovsk của Liên Xô, lượng giãn nước tối đa trên 80.000 tấn, tính năng tương đối tốt, nhưng do Liên Xô giải thể, lại bị các nước phương Tây như Mỹ tác động, cuối cùng bị tháo dỡ thành sắt vụn để bán. Một công ty sắt thép của Mỹ đồng ý thu mua với giá 500 USD 1 tấn, kết quả chỉ bán với giá 100 USD 1 tấn.

Còn các nước khác, trong đó Trung Quốc thường xử lý tàu chiến thải loại không ngoài những cách thức nêu trên, đương nhiên còn có một số tàu chiến được cải tạo để chuyển giao cho các bộ phận như Cảnh sát biển, Ngư chính, Hải giám sử dụng.

Năm 2013, Trung Quốc bàn giao 12 máy bay trực thăng Z-9 cho Campuchia (ảnh minh họa)
Năm 2013, Trung Quốc bàn giao 12 máy bay trực thăng Z-9 cho Campuchia (ảnh minh họa)

Về việc khách hàng tàu chiến thải loại của Trung Quốc, Lý Kiệt cho rằng, Bắc Kinh chủ yếu bán cho một số nước mua tàu chiến rẻ, sức chiến đấu trên biển khá yếu, thường là các nước Đông Nam Á và Nam Á. Hải quân những nước này phần lớn đều là mang tính chất phòng thủ biển gần, không có kẻ địch quá mạnh, cho nên không cần theo đuổi tàu chiến có tính năng quá tốt. Tóm lại, "giết gà không cần phải dùng dao mổ trâu".

Về tác dụng của 2 tàu hộ vệ bán cho Bangladesh, Lý Kiệt cho rằng, 2 tàu hộ vệ trang bị tên lửa chống hạm mới này chắc chắn sẽ cải thiện rõ rệt khả năng tác chiến cho Hải quân Bangladesh. Mặc dù 2 tàu chiến này chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng được coi là tàu chiến tương đối tiên tiến ở một số nước Đông Nam Á và Nam Á.

Chẳng hạn, những nước như Philippines, hải quân hầu như không có một tàu chiến trang bị tên lửa, đến cả tàu chiến lớp Hamilton mua của Mỹ, trước khi bàn giao, Mỹ cũng dỡ bỏ thiết bị phóng tên lửa, chỉ giữ lại pháo, vì vậy, khả năng tác chiến rất có hạn.

Tàu chiến Hải quân Indonesia trang bị tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu chiến Hải quân Indonesia trang bị tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc (ảnh minh họa)
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)