Trung Quốc: biên chế tàu hộ vệ Type 056, phóng thử hàng loạt tên lửa

10/08/2014 10:15
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc vừa biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Tuyền Châu cho Hạm đội Đông Hải, bắn thử 1 loạt tên lửa như Đông Phong-31A, SC-19...

Trung Quốc biên chế tàu hộ vệ Type 056 mới cho Hạm đội Đông Hải

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 8 tháng 8 đưa tin, sáng ngày 8 tháng 8, buổi lễ đặt tên, biên chế cho tàu hộ vệ tên lửa mới Tuyền Châu đã được tổ chức ở một khu thủy cảnh, Hạm đội Đông Hải, tại một quân cảng ở Hạ Môn, Trung Quốc.

Ngày 8 tháng 8 năm 2014, Trung Quốc biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Tuyền Châu số hiệu 588 Type 056 cho Hạm đội Đông Hải.
Ngày 8 tháng 8 năm 2014, Trung Quốc biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Tuyền Châu số hiệu 588 Type 056 cho Hạm đội Đông Hải.

Theo bài báo, tàu hộ vệ Tuyền Châu có số hiệu 588, là tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo; chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra cảnh giới, hộ tống ngư dân, tác chiến săn ngầm, tác chiến đối hải.

Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Tuyền Châu Type 056 trang bị nhiều loại vũ khí trang bị, có các đặc điểm như tính năng tàng hình tốt, tính tương thích điện từ mạnh, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến.

Trong buổi lễ, chính ủy Vương Hoa Dũng, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc đã trao cờ cho Lý Thanh Ấn, thuyền trưởng tàu hộ vệ hạng nhẹ Tuyền Châu.

Ông Vương Hoa Dũng cổ vũ cho các binh sĩ tàu này là "bảo vệ quyền lợi biển quốc gia", "trung thành với Đảng, chiến đấu vì đất nước", "luôn luôn sẵn sàng chiến đấu", "dám đánh, không sợ hy sinh", không sợ khổ và rủi ro.

Phó Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến, ông Trần Vinh Khải và các lãnh đạo thành phố Hạ Môn, thành phố Tuyền Châu đã tham gia buổi lễ này.

 Đông Phong-31A và Đông Phong-5

Tờ  "Thời báo Washington" Mỹ ngày 7 tháng 8 đưa tin, tuần trước Trung Quốc đã bắn thử 2 quả tên lửa xuyên lục địa khác nhau, trong đó một quả là tên lửa đạn đạo Đông Phong-31A/DF-31A kiểu cơ động đường bộ mới.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A Trung Quốc

Bài báo do học giả nghiên cứu tên lửa chiến lược Trung Quốc của Mỹ, Beale Gertz viết, dẫn nguồn tin từ Quân đội Mỹ. Theo bài viết, căn cứ vào xác nhận của vệ tinh do thám và trạm tình báo thiết lập ở châu Á khác của Mỹ, 2 lần bắn tên lửa này lần lượt là tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-31A và tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-5 (trong giếng bắn gia cố).

2 lần bắn thử tên lửa xuyên lục địa này cũng được tiến hành bí mật như trước đây. Trước đó mấy ngày, Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố tiến hành một cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa vào ngày 23 tháng 7.

Một bản báo cáo công bố gần đây nhất của Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ cho rằng: "Trung Quốc là quốc gia nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo tích cực và sâu nhất hiện nay trên toàn thế giới".

Báo cáo cho rằng lực lượng tên lửa Trung Quốc đang đồng thời mở rộng về số lượng và loại cỡ tên lửa, "Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm tên lửa mang tính tấn công, thành lập lực lượng tên lửa mới, nâng cấp hệ thống tên lửa và nghiên cứu phát triển các biện pháp đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa".

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu cũ Đông Phong-5 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu cũ Đông Phong-5 Trung Quốc

Báo cáo cho rằng, tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-31A đã bắt đầu triển khai và "trong tương lai có thể dùng nhiều đầu đạn độc lập". Trong 15 năm tới, số lượng đầu đạn hạt nhân Trung Quốc có thể tấn công nước Mỹ sẽ lên tới trên 100 quả.

Tài liệu của Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ cho biết, tầm bắn của tên lửa Đông Phong-31A trên 11.000 km, còn tầm bắn của tên lửa Đông Phong-5 trên 12.000 km. Hai loại tên lửa này đều có thể lắp 1 đầu đạn hạt nhân. Đây là lần bắn thử thứ tư của tên lửa Đông Phong-31A kể từ khi biết đến nó.

Tên lửa SC-19 Trung Quốc

Trang mạng tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 3 tháng 8 đưa tin, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc, Viện nghiên cứu chương trình 2049 Mỹ, Mark Stokes cho rằng: “Cuộc thử nghiệm đánh chặn không gian mới nhất cho thấy, Quân đội Trung Quốc có thể hy vọng hạn chế tự do bay trên không, trong không gian của Mỹ”.

Theo bài báo, Trung Quốc đã tiến hành 2 lần bắn thử tên lửa chống vệ tinh lần lượt vào năm 2007 và năm 2010, đó là tên lửa SC-19. Mặc dù 2 lần bắn thử trước đều sử dụng tên lửa SC-19, nhưng chỉ có năm 2007 là bắn thử vệ tinh, còn năm 2010 và ngày 23 tháng 7 năm 2014 là bắn thử 1 quả tên lửa đạn đạo.

Tên lửa SC-19 Trung Quốc
Tên lửa SC-19 Trung Quốc

Theo chuyên gia Richard Fischer, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và đánh giá quốc tế Mỹ, sau cuộc thử nghiệm năm 2007, Quân đội Trung Quốc có lẽ đang nỗ lực để dư luận có ấn tượng họ còn đang thử nghiệm một loại khả năng phòng thủ tên lửa có độ cao tương đối thấp, từ đó che giấu chương trình chống vệ tinh của họ. “Cũng có thể là, tên lửa SC-19 đồng thời có khả năng chống vệ tinh và chống tên lửa đạn đạo”.

Bài báo cho rằng, không phải tất cả mọi người đều tin Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Chủ nhiệm Hans Christensen, chương trình nghiên cứu thông tin hạt nhân, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ là một trong số đó.

Ông Christensen nói: “Luận điểm thứ nhất là, xem xét tới Mỹ và Nga gặp phải thách thức to lớn trong một số hoạt động nhiều năm qua, buộc phải đầu tư kinh phí khổng lồ, nhưng chỉ đạt được một phần thành công.

Trung Quốc tại sao muốn đầu tư các nguồn lực nghiên cứu phát triển một loại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo?”. Ông nói, kỹ sư Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những thách thức này trong bất ngờ - triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có hiệu quả hầu như là thực sự không thể.

Theo Hans Christensen, luận điểm thứ hai của ông là, quyết định nghiên cứu phát triển và triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hầu như mâu thuẫn với thái độ phản đối của Trung Quốc đối với kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Ông cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc không thể đối phó lực lượng tên lửa hạt nhân tiên tiến và khổng lồ của Mỹ, Nga.

Trung Quốc bắn tên lửa phòng không (ảnh nguồn Đa chiều)
Trung Quốc bắn tên lửa phòng không (ảnh nguồn Đa chiều)

Richard Fischer cho rằng, Trung Quốc đang đồng thời thực hiện kế hoạch chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa. Cũng có khả năng là tên lửa SC-19 đồng thời có khả năng chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa đạn đạo, được thể hiện ở nơi thử nghiệm vào năm 2007 và năm 2010.

Theo Fischer, hệ thống HQ-19 và HQ-26 có thể có khả năng tương tự hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối của Mỹ. Còn có tin Bắc Kinh muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Hans Christensen cho rằng, Trung Quốc có đủ tiền, hầu như đã phê chuẩn thực hiện kế hoạch công nghệ cao rất nhiều rủi ro. “Vấn đề đáng quan tâm là, Trung Quốc nghiên cứu phát triển công nhệ phòng thủ tên lửa đạn đạo là để triển khai hệ thống phòng thủ của họ hay để tìm hiểu tốt hơn và đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa tiềm tàng của đối thủ”.

Theo ông Richard Fischer, vấn đề lớn hơn có thể ở chỗ, đồng thời với việc không ngừng “lớn tiếng răn dạy” kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ trong gần 30 năm qua, Trung Quốc lại luôn nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ. 

Richard Fischer nói: “Hiện nay, chúng ta biết, kế hoạch chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa đạn đạo lần hai của Trung Quốc bắt đầu từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Điều đó đã làm giảm độ tin cậy trong bất cứ phát biểu nào của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân chiến lược, ngoài ra, Washington đến nay còn buộc phải đối mặt với sự thực: Trong thập niên 20 của thế kỷ 21, Mỹ sẽ đối mặt với một lực lượng tên lửa hạt nhân trong đó có lực lượng phòng thủ tên lửa tích cực của Trung Quốc có quy mô lớn hơn, khả năng mạnh hơn”.

Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiên S-400 của Nga
Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiên S-400 của Nga

Tầm bắn tên lửa JL-2 Trung Quốc đạt 8.000 km, còn chế tạo tên lửa mới tầm bắn cao hơn

Trên tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 8 tháng 8 còn dẫn Quỹ Jamestown Mỹ cho rằng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới JL-2 trang bị cho tàu ngầm của Trung Quốc vào cuối năm 2012 đã kết thúc thử nghiệm nghiên cứu phát triển dài mười mấy năm, cuối cùng định hình, gần đây bắt đầu đưa vào trực ban sẵn sàng chiến đấu. Gần đây đài truyền hình trung ương Trung Quốc còn có chương trình lần đầu tiên tiết lộ quá trình phát triển khó khăn của nó.

Đáng chú ý, theo bài báo, Trung Quốc đã trải qua 17 năm chế tạo tên lửa JL-1 trang bị cho tàu ngầm, nó được bắn thử lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 10 năm 1982. 6 năm sau, nó được nâng cấp và hoàn thiện, cuối cùng đã bắn thử thành công ở tàu ngầm hạt nhân Type 092. Tên lửa JL-1 có tầm bắn đạt 2.700 km, có thể chọc thủng sự phong tỏa của “chuỗi đảo thứ nhất”.

Sau đó, Trung Quốc muốn phát triển tên lửa JL-2 để tiếp tục đối phó với chiến lược “3 chuỗi đảo” phong tỏa Trung Quốc của Mỹ. Theo báo Hồng Kông, một báo cáo của Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ cho biết, đầu năm 2014, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc đã mang theo tên lửa JL-2 tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa JL-2 có tầm bắn đạt khoảng 8.000 km, có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập. Việc biên chế tên lửa JL-2 đã giúp cho Trung Quốc thực sự có lực lượng tấn công hạt nhân “tam vị nhất thể”, nó có ảnh hưởng sâu xa đối với Trung Quốc trỗi dậy cả về chính trị, quân sự và khoa học công nghệ.

Tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094, Hải quân Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094, Hải quân Trung Quốc

Gần đây, Trung Quốc cũng để lộ 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 ở Tam Á. Theo suy đoán, Trung Quốc có ít nhất 4 tàu ngầm Type 094, còn có 1 chiếc có thể đang chế tạo. Chế tạo hàng loạt tàu ngầm Type 094 cho thấy Trung Quốc đặt kỳ vọng vào kết hợp giữa loại tàu ngầm này và tên lửa JL-2, trong một thời gian dài, đây sẽ là lực lượng đáp trả hạt nhân dưới nước quan trọng của Trung Quốc.

Theo bài báo, Trung Quốc thực hiện chính sách “phòng thủ tích cực”, mặc dù vậy, JL-2 không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của chiến lược hạt nhân Trung Quốc, tầm bắn 8.000 km là không đủ, vì nếu bắn từ Biển Đông thì phải có tầm bắn 12.000 km mới có thể vươn tới Bắc Mỹ.

Trong thế kỷ mới, Trung Quốc đã có đột phá về công nghệ như mồi nhử của tên lửa đạn đạo. Để nâng cao khả năng “phòng thủ”, phương án giải quyết căn bản nhất là nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba trang bị cho tàu ngầm.

Đông Bình