Trung Quốc chi 2,5 tỷ nhân dân tệ đóng mới 9 tàu công vụ cỡ lớn

18/01/2013 07:59
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Trung Quốc lại tìm cách mở rộng quy mô đội tàu chấp pháp cỡ lớn để hiện thực hóa các chủ trương chủ quyền ở các vùng biển xung quanh.
Tàu Hải giám-50 Trung Quốc
Tàu Hải giám-50 Trung Quốc

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho biết, tại Bắc Kinh, Công ty TNHH công nghiệp nặng tàu thủy Vũ Xương (thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc) đã ký hợp đồng chế tạo 9 tàu chấp pháp công vụ, trị giá 2,5 tỷ nhân dân tệ.

Lô tàu công vụ này gồm 5 tàu công vụ lớp 3.000 tấn và 4 tàu công vụ lớp 5.000 tấn, lần lượt lấy tàu Hải giám-50 (lớp 3.000 tấn) và tàu Hải tuần-01 (lớp 5.000 tấn) của công ty Vũ Xương làm tàu mẫu.

Trước đó, tàu Hải giám-50 được công ty đóng tàu Vũ Xương bàn giao năm 2010, trở thành tàu chấp pháp hải giám có trọng tải lớn nhất hiện nay, từng nhiều lần đến các vùng biển như đảo Senkaku để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra chấp pháp bảo vệ chủ quyền”.

Tàu Hải giám-50 có lượng giãn nước tối đa khoảng 3.980 tấn, được thiết kế cho phép máy bay trực thăng cất/hạ cánh.

Tàu Hải tuần-01 được hạ thủy vào tháng 7/2012 tại Công ty TNHH công nghiệp nặng tàu thủy Vũ Xương, lượng giãn nước thiết kế khoảng 5.418 tấn, có khả năng cất/hạ cánh máy bay trực thăng.

Tàu Hải tuần-01 của Cục Hải sự Trung Quốc, có lượng giãn nước 5.418 tấn, dài 128.6 m, tốc độ 20 hải lý/giờ, hạ thủy ngày 28/7/2012
Tàu Hải tuần-01 của Cục Hải sự Trung Quốc, có lượng giãn nước 5.418 tấn, dài 128.6 m, tốc độ 20 hải lý/giờ, hạ thủy ngày 28/7/2012

Sau khi chế tạo xong 9 tàu chấp pháp này, Trung Quốc sẽ đưa chúng tới các vùng biển của họ để “chấp pháp bảo vệ chủ quyền”, chủ yếu là tuần tra ở “thềm lục địa” và “vùng đặc quyền kinh tế”, “bảo vệ quyền lợi biển” mà Trung Quốc chủ trương  và đã tuyên bố.

Được biết, các cơ quan trung ương có liên quan của Trung Quốc đang nghiên cứu đưa ra kế hoạch hành động cho công nghiệp đóng tàu của họ trong 3 năm cuối của “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” (2013-2015), họ muốn ưu tiên chính sách cho các doanh nghiệp đóng tàu trọng điểm, tạo sự hỗ trợ cần thiết về tài chính, thu thuế.

Có nhà phân tích cho rằng, do ngành đóng tàu có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và quốc phòng, việc đưa ra kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả, năng suất của ngành đóng tàu, thúc đẩy các doanh nghiệp có uy tín đẩy nhanh phát triển công nghệ, sẽ đem lại lợi ích cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc.

Tàu Hải giám-83 có lượng giãn nước 3.980 tấn, hoạt động ở biển Đông.
Tàu Hải giám-83 có lượng giãn nước 3.980 tấn, hoạt động ở biển Đông.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)