Trung Quốc cho máy bay gào thét ở Biển Đông, sáng tác bài hát "Nam Sa ca"

04/10/2015 08:07
Đông Bình
(GDVN) - Ngoài ra, chính ủy Hạm đội Nam Hải đưa ra các tuyên bố ngang ngược, tàu hộ vệ Hạm đội Đông Hải cũng đến Biển Đông tập trận làm quen môi trường tác chiến.

Máy bay chiến đấu Hạm đội Nam Hải "gào thét" ở Biển Đông

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 3 tháng 10 đưa tin, sáng sớm ngày 1 tháng 10, hai máy bay chiến đấu trực ban sẵn sàng chiến đấu trong thời gian nghỉ lễ (Quốc khánh Trung Quốc ngày 1 tháng 10) đã nhanh chóng trượt trên đường băng, lắp đạn cất cánh, leo cao, gào thét bay sâu vào Biển Đông.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc được minh họa trên tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Trung Quốc được minh họa trên tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc

Theo giới thiệu của bài báo, trong ngày Quốc khánh, một sư đoàn không quân của Hạm đội Nam Hải đã tổ chức cho lực lượng trực ban tiến hành diễn tập sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn trên biển, trên không trong thời gian nghỉ lễ.

Sư đoàn này hàng năm thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu 24/24. Trong thời gian nghỉ lễ, sư đoàn này thành lập ban chỉ huy tác chiến gồm các sĩ quan chủ yếu 2 cấp sư đoàn-trung đoàn, nhân viên hậu cần trên không và mặt đất phụ trách trực ban sẵn sàng chiến đấu phải ăn ở bên ngoài, duy trì trạng thái đợi lệnh 24/24.

Máy bay trực chiến được lắp đầy đủ đạn dược và nhiên liệu, chờ sẵn, bảo đảm khi có lệnh là có thể cất cánh tác chiến.

Theo giới thiệu của bài viết, trong cuộc diễn tập lần này, nhiều phân đội ứng phó khẩn cấp như cảnh vệ, cứu hộ, tên lửa đã tổng hợp các loại bối cảnh chiến thuật phức tạp, tiến hành diễn tập sẵn sàng chiến đấu.

Sư đoàn trưởng Điền Tuấn Thanh cho biết, để nâng cao năng lực ứng phó với nhiều loại tình huống bất ngờ, căn cứ vào đặc điểm thực hiện nhiệm vụ khác nhau trên các hướng khác nhau, tăng cường nghiên cứu và diễn tập có đối tượng cụ thể,

đồng thời dựa vào nguyên tắc "một điểm có nhiều tình huống, một tình huống có nhiều phương án, một phương án có nhiều giải pháp", đã xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án xử trí tình huống và hành động sẵn sàng chiến đấu.

Theo bài báo, mục đích của chuẩn bị chiến đấu là ở chỗ tác chiến. Sư đoàn này lấy trực ban sẵn sàng chiến đấu thường xuyên làm định hướng, xác lập vững chắc tư tưởng sẵn sàng chiến đấu "toàn bộ binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, toàn bộ trang bị tham gia, đánh địch trong toàn bộ thời gian".

Bài báo cho biết, 90% phi công của sư đoàn này từng thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, có khả năng cất cánh chiến đấu khẩn cấp trong điều kiện khí hậu phức tạp, tác chiến ở khu vực mới lạ, một khi gặp tình huống trên không khẩn cấp, có thể cất cánh thực hiện nhiệm vụ tác chiến bất cứ lúc nào.

Máy bay ném bom H-6K Không quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)
Máy bay ném bom H-6K Không quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)

Máy bay ném bom H-6K tập không kích ở Biển Đông

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 30 tháng 9 đưa tin, vừa qua, vài máy bay chiến đấu của đơn vị H-6K thuộc lực lượng đường không, Đại quân khu Quảng Châu cất cánh từ một sân bay ở Hoa Nam xuyên đêm, liên tục bay vài nghìn km, "đã tiến hành tấn công chính xác thành công đối với nhiều mục tiêu".

Bào báo dẫn lời chỉ huy cơ quan huấn luyện chỉ đạo hiện trường cho biết, năm 2015, đơn vị này còn nhiều lần vượt qua chuỗi đảo thứ nhất trên 1.000 km, đến Tây Thái Bình Dương triển khai huấn luyện biển xa, hoàn thành "xuất sắc" nhiệm vụ.

Ông này cho biết, một loạt thành quả đánh dấu lực lượng H-6K đã có năng lực tấn công chính xác tầm xa trong mọi khu vực "lãnh thổ" (cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam), trong mọi điều kiện thời tiết.

Theo bài báo, H-6K là máy bay ném bom chiến lược thế hệ thứ nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, còn được gọi là "thần chiến". Lực lượng đường không Đại quân khu Quảng Châu là đơn vị đầu tiên được trang bị loại máy bay này.

Bài báo cho biết, thực hiện theo chủ trương "chuẩn bị đấu tranh quân sự" (sẵn sàng cho chiến tranh), đơn vị này ra sức triển khai huấn luyện sát chiến đấu thực tế, không ngừng mở rộng khoa mục huấn luyện tới mọi khu vực "lãnh thổ", trong mọi điều kiện thời tiến,

"đã từng bước thực hiện đột phá trên nhiều phương diện trong lĩnh vực tác chiến như từ khí tượng đơn giản sang khí tượng phức tạp, từ biển gần đến biển xa, từ ban ngày đến ban đêm, trở thành một sư đoàn sấm sét bảo vệ Trường Thành trời xanh của quốc gia" (lưu ý yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò”).

Theo phóng viên báo này, sau khi cụm máy bay ném bom cất cánh không lâu, liền thực hiện bay lặng im vô tuyến điện, đồng thời vận dụng tổng hợp các thủ đoạn, ứng phó với điều kiện khí tượng phức tạp và phong tỏa điện tử của "địch".

Trải qua bay cự ly dài ở tầng trời thấp, cụm máy bay đã “đột phá thành công phòng tuyến biển của địch, chiếm lĩnh trận địa bắn, vài quả tên lửa từ cánh gào thét, bắn trúng mục tiêu xa xôi”.

Bài báo viết: trận thế nào thì luyện đánh thế đó. Để nâng cao năng lực tác chiến trên mọi vùng "lãnh thổ" và trong mọi điều kiện thời tiết, đơn vị này coi mỗi lần lên đường thực hiện nhiệm vụ là thời cơ có lợi để luyện binh:

Trong chuyển trận địa chiến đấu, tận dụng đặc điểm thời tiết luôn thay đổi, khu vực mới lạ, tổ chức cho lực lượng tiến hành diễn tập tấn công chính xác trong môi trường lạ;

trong đối kháng hệ thống, tích cực triển khai diễn tập liên hợp với các quân binh chủng khác; trong huấn luyện ở cao nguyên, sử dụng đặc điểm ít vật chuẩn của sa mạc, tổ chức huấn luyện tìm kiếm mục tiêu lạ...

Bài báo cho biết, sau khi biên chế máy bay ném bom H-6K không lâu, đơn vị này đã giành được nhiều "thành tích đáng phấn khởi", thể hiện trong các hoạt động huấn luyện, diễn tập, duyệt binh (như ngày 3 tháng 9 năm 2015).

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)

Tàu hộ vệ Type 054A Hạm đội Nam Hải chạy đến Biển Đông tuần tra, huấn luyện

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 24 tháng 9 đưa tin, vào trung tuần tháng 9, tàu hộ vệ tên lửa Từ Châu Type 054A của một chi đội tàu khu trục, Hạm đội Đông Hải đã "hoàn thành nhiệm vụ tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông" trong 2 tháng, quay trở về một quân cảng ở Chu Sơn.

Trong thời gian triển khai hành động này của tàu hộ vệ Từ Châu, chỉ huy tàu này kết hợp các tình hình trên biển và trên không, vừa tiến hành tuần tra vừa tiến hành huấn luyện, đồng thời kết hợp huấn luyện các khoa mục cơ bản với nhiệm vụ tuần tra.

Trong thời gian đó, còn liên tục tiến hành các khoa mục huấn luyện sát chiến đấu thực tế như hoạt động "chiến đấu" của thuyền nhỏ, tiếp tế trong tình hình biển phức tạp, săn ngầm liên hợp giữa tàu chiến và máy bay, tấn công đối hải liên hợp.

Trong thời gian tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông lần này, tàu hộ vệ Từ Châu không mang theo tàu tiếp tế, dựa vào tàu tiếp tế của hạm đội "anh em" (Hạm đội Nam Hải) để tiến hành tiếp tế trên biển, được cho là hiệu quả huấn luyện tiếp tục được nâng lên.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc ở vịnh Á Long, Tam Á, đảo Hải Nam.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc ở vịnh Á Long, Tam Á, đảo Hải Nam.

Trao thưởng cho đội tàu 41 Hạm đội Nam Hải

Mạng quân sự Trung Quốc ngày 30 tháng 9 còn cho biết, sáng ngày 29 tháng 9, lễ chúc mừng "chiến công hạng nhất" cho đội tàu 41 thuộc căn cứ tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc do Quân ủy Trung ương Trung Quốc trao tặng đã được tổ chức ở Tam Á, đảo Hải Nam.

Tại buổi lễ, Chính ủy Hạm đội Nam Hải, chuẩn đô đốc Lưu Minh Lợi đã đọc lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trao giấy khen "chiến công hạng nhất" cho các binh sĩ đội tàu này.

Đội tàu 41 là đội tàu đầu tiên trang bị tàu ngầm mới, đã hoàn thành các loại “nhiệm vụ quan trọng”, lập được hơn 10 kỷ lục mới về tàu ngầm. Những năm gần đây, đơn vị này được xây dựng thành "điển hình", được khen thưởng nhiều, cho rằng, nó đã có "đóng góp nổi bật cho xây dựng lực lượng chiến lược trên biển tương xứng với vị thế nước lớn".

Theo chính ủy Lưu Minh Lợi, đội tàu 41 này là đại diện tiên tiến của binh sĩ căn cứ này, là tấm gương điển hình trong xây dựng của Hạm đội Nam Hải.

Ông yêu cầu họ phải ghi nhớ lời của Tập Cận Bình, quán triệt tinh thần hội nghị công tác cơ sở của hải quân, tăng cường lòng trung thành, đề cao pháp trị, "bám chặt lấy Biển Đông, bảo vệ Biển Đông, lập công ở Biển Đông, tiếp tục lập công mới cho xây dựng hải quân mạnh".

Ngoài ra, theo tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 3 tháng 10, để chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đã đưa ra ca khúc “Nam Sa ca” (Ca hát về Nam Sa, ở đây Nam Sa chính là quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Bài viết đã đăng toàn bộ nội dung bài hát này. Đây là một hành động ngang ngược tiếp theo của Hải quân Trung Quốc, của Chính phủ Trung Quốc nhằm tuyên truyền, nhồi sọ tinh thần “bành trướng” của giới cầm quyền nước này cho binh sĩ của họ, mục tiêu là biến Biển Đông của các nước thành “ao nhà” của Trung Quốc – PV.

Như vậy, trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc tiếp tục tăng cường khoe cơ bắp ở Biển Đông, mục đích đe dọa vũ lực rất rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế - PV.

Những hành động này cùng với tuyên bố ngang nhiên nêu trên của chuẩn đô đốc Lưu Minh Lợi – chính ủy Hạm đội Nam Hải cho thấy, Trung Quốc sẽ không từ bỏ, mà ngày càng ra sức thúc đẩy thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông - PV.

Ngoài ra, chính Tập Cận Bình đại diện cao nhất của giới cầm quyền Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và muốn “bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông trong chuyến thăm Mỹ vừa qua. Tất cả những điều đó tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho các nước ven Biển Đông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. - PV.

Đông Bình