Trung Quốc có thể chịu đựng Bắc Triều Tiên đến bao giờ?

10/02/2016 08:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Thái độ khăng khăng bao che cho Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến những bất ổn trên bán đảo mà chính Trung Quốc cũng không muốn nhìn thấy.

News Week ngày 9/2 bình luận, vụ phóng tên lửa tầm xa Bắc Triều Tiên tiến hành vừa qua đã làm leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn buộc Bình Nhưỡng phải dừng chương trình hạt nhân của mình.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang khiến không ít nhà lãnh đạo trên thế giới đau đầu, bao gồm cả Trung Quốc. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang khiến không ít nhà lãnh đạo trên thế giới đau đầu, bao gồm cả Trung Quốc. Ảnh: KCNA.

Trong khi đó Bắc Triều Tiên tiếp tục phớt lờ yêu cầu khẩn thiết của Trung Quốc trong vụ thử "bom nhiệt hạch" hôm 6/1 cũng như vụ thử tên lửa hôm 7/2. Điều này cho thấy một sự thiếu tôn trọng rõ rệt của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh, đồng minh và cũng là nhà viện trợ chủ yếu.

Vụ thử tên lửa đạn đạo một lần nữa làm dấy lên câu hỏi quan trọng, liệu có giới hạn nào trong sức chịu đựng của Trung Quốc đối với hành vi của CHDCND Triều Tiên hay không?

Triều Tiên đã trở thành quốc gia duy nhất trong thế kỷ 21 thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Những vụ việc này xảy ra ngay cả khi Bắc Kinh tỏ ra thiện chí, nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Nghiêm trọng hơn, lần thử "bom nhiệt hạch" hôm 6/1, lần đầu tiên Triều Tiên thử hạt nhân mà không thông báo trước cho Trung Quốc.

Lo lắng một vụ phóng tên lửa lại sắp xảy ra, ông Tập Cận Bình cử nhà đàm phán Vũ Đại Vĩ cấp tốc đi Bình Nhưỡng khuyên nhủ.

Như một cái tát vào mặt khách, Bình Nhưỡng phóng tên lửa khi ông Vũ Đại Vĩ đang hiện diện tại Triều Tiên. Ngay từ khi ông khi đặt chân đến Bình Nhưỡng, chủ nhà chào đón ông bằng thông báo chính thức sẽ phóng tên lửa đầu tháng 2.

Với vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên, hành động của Bình Nhưỡng cho thấy sự coi thường nước láng giềng viện trợ khổng lồ cho mình.

Đi theo sau những hành động của Bình Nhưỡng, Trung Quốc còn phải đối mặt với một hệ quả tất yếu là sự tăng cường tái cân bằng, bố trí lực lượng của Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á, củng cố liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.

Bắc Kinh gây áp lực rất lớn cho Seoul rằng không được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THADD. Yêu cầu này được người Hàn Quốc coi như một sự xúc phạm và giới chức Seoul đã lập tức tăng tốc đàm phán vấn đề triển khai THADD.

Đáng lo ngại hơn là bóng ma của cuộc chạy đua hạt nhân bắt đầu lấp ló ở Đông Bắc Á khi các chính trị gia Hàn Quốc kêu gọi Seoul cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ.

Quan hệ Trung - Mỹ vốn đang căng thẳng bởi mâu thuẫn gay gắt trên Biển Đông, vấn đề an ninh mạng, giá đồng nhân dân tệ và nhân quyền, nay lại thêm Bắc Triều Tiên thử hạt nhân càng làm gia tăng nguồn cơn căng thẳng trong khu vực.

Bắc Kinh đã phản đối những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Cuối cùng, thái độ khăng khăng bao che cho Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến những bất ổn trên bán đảo mà chính Trung Quốc cũng không muốn nhìn thấy.

Hồng Thủy