Trung Quốc có thể sớm vô hiệu hóa tên lửa đối phương bằng laser cực nhanh?

22/09/2015 15:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Các máy phát laser cực nhanh cỡ lớn được dùng để vô hiệu hóa tên lửa đối phương gắn trên tàu chiến hiện nay có thể được thu nhỏ bằng chiếc vali.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận chung với Nga trên biển Nhật Bản, ảnh: AP.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận chung với Nga trên biển Nhật Bản, ảnh: AP.

South China Morning Post ngày 22/9 đưa tin, một bước đột phá mới trong công nghệ laser có thể giúp quân đội Trung Quốc vô hiệu hóa bộ phận cảm biến tầm nhiệt trên tên lửa đối phương bằng một thiết bị cầm tay có kích thước bằng 1 chiếc vali, thay vì cả cố máy to như container thường thấy trên tàu chiến.

Một nhóm nghiên cứu do giáo sư Li Zhiyuan thuộc Viện Khoa học vật lý Trung Quốc báo cáo rằng, họ đã làm giảm tối đa cơ chế tạo ra tia laser tần số cao từ một mảnh tinh thể duy nhất. Điều này có nghĩa là các máy phát laser cực nhanh cỡ lớn được dùng để vô hiệu hóa tên lửa đối phương gắn trên tàu chiến hiện nay có thể được thu nhỏ bằng chiếc vali, và có thể gắn trên bất kỳ thiết bị quân sự nào như máy bay, xe tăng, thậm chí là bộ binh mang vác.

Liu Qiang, một giáo sư vật lý quang học từ đại học Thanh Hoa cho rằng đây là một "thành tựu đột phá". Ông không tham gia nhóm nghiên cứu này, nhưng quả quyết rằng: "Không ai có thể tạo ra tia laser tần số cao trên một mảnh tinh thể duy nhất trước đó. Công nghệ của họ sẽ đơn giản hóa đáng kể quá trình sản xuất tia laser cực nhanh và giảm kích thước của các thiết bị liên quan".

Một phần của công trình nghiên cứu này được công bố trên số mới nhất của tạp chí Physical Review Letters thuộc Hội Vật lý Hoa Kỳ. Kể từ khi phát minh ra công nghệ laser, các nhà khoa học đã cố gắng để tăng tần số của chùm tia laser bằng cách giảm bước sóng của chúng.

Một thiết bị tia laser cực nhanh điển hình có thể tạo ra các sóng xung ngắn trong một phần triệu tỉ của một giây, nhiều thập kỷ qua việc sử dụng chúng chủ yếu giới hạn trong các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu và công nghệ phẫu thuật mắt vì tính phức tạp cũng như giá thành đắt đỏ.

Tuy nhiên nhiều nước đã bước vào cuộc đua phát triển công nghệ laser cho các ứng dụng quân sự. Ví dụ như hải quân Mỹ năm 2012 đã phát triển một hệ thống laser cực nhanh để vô hiệu hóa hệ thống cảm biến tên lửa, có thể xuyên qua lớp vỏ dày của tên lửa.

Ngoài ra công nghệ laser cực nhanh cũng có thể sử dụng vào mục đích phát hiện máy bay tàng hình, xử lý các thông tin được mã hóa. Chỉ có điều các mẫu ứng dụng trong quân sự quá cồng kềnh và nặng nề.

Nghiên cứu của nhóm giáo sư Li Zhiyuan dường như đã giải quyết được vấn đề này. Họ đã phát triển được một tinh thể đặc biệt với lithium và niobium có thể chuyển đổi một chùm tia laser bình thường thành các sóng tần số cao với bước sóng ngắn 350 nanomet, nhanh hơn so với các hệ thống laser cực nhanh hiện có 3 lần.

Nghiên cứu này gợi ý về một phương tiện rất có triển vọng để mở rộng đáng kể sức mạnh của công nghệ laser, một thành viên nhóm nghiên cứu nói. Tuy nhiên Liu Qiang cho rằng thách thức lớn nhất của công nghệ mới này là sự mất mát năng lượng trong quá trình chuyển đổi tần số.

Hiệu suất chuyển đổi tần số của tinh thể mà nhóm nghiên cứu nào tạo ra là 18%, có nghĩa là 82% năng lượng sẽ bị hạo hụt. Liu Qiang nói rằng, như vậy tỉ lệ hiệu quả vẫn còn "rất cao" so với hệ thống laser cực nhanh hiện có.

Hồng Thủy