Trung Quốc có thực sự tin ông Rodrigo Duterte?

21/05/2018 07:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Mặc dù ông Rodrigo Duterte đang ra sức "xoay trục" qua Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn có thái độ hoài nghi, dò xét với nhà lãnh đạo này.

South China Mornig Post ngày 20/5 đặt câu hỏi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn làm bạn với Trung Quốc, tại sao Bắc Kinh vẫn không "bắt bóng"?

Cách tiếp cận nhẹ nhàng của ông Rodrigo Duterte tương phản với sự oán giận của người dân Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh đã liên tục mở rộng 7 đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc nhảy vào tranh chấp), biến ít nhất 3 trong số đó thành các căn cứ quân sự và đã triển khai tên lửa, ra đa.

Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K, hình minh họa: Queensland Times.
Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K, hình minh họa: Queensland Times.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines, Roilo Golez, bình luận: 

"Tổng thống nói rằng ông ấy sẽ nêu vấn đề xây dựng đảo nhân tạo với Trung Quốc sau này, nhưng là lúc nào? Ông ấy nói vũ khí Trung Quốc không nhằm vào chúng tôi, vậy họ nhắm vào ai?...

Manila nên phản đối. Người Trung Quốc sẽ triển khai máy bay chiến đấu xuống Trường Sa tới đây, đó sẽ là giai đoạn leo thang kế tiếp."

Thứ Sáu tuần trước truyền thông nhà nước Trung Quốc đã loan báo, không quân nước này vừa tập trận, cất hạ cánh máy bay ném bom tầm xa H-6K trên căn cứ thuộc 1 hòn đảo ở Biển Đông.

Ông Rodrigo Duterte thì mải tập trung vào việc tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc bằng cách hạ thấp các tranh chấp trên biển và tách Philippines khỏi Hoa Kỳ.

Tuy nhiên mối quan hệ lâu dài giữa Mỹ với thuộc địa cũ, đặc biệt là với quân đội, cảnh sát cũng như thiện chí và quyền lực mềm của Hoa Kỳ tại Philippines khiến ông Rodrigo Duterte không dễ lái quốc gia mình khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Và Trung Quốc chẳng giúp đỡ gì ông. Họ trả lời Rodrigo Duterte về kêu gọi đầu tư, nhưng từ chối cho phép Philippines củng cố các vùng biển của mình.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: ABS CBN News.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: ABS CBN News.

Walden Bello, một chính trị gia cánh tả Philippines nhận định:

"Trung Quốc là một cường quốc hiện tại có mục tiêu khuếch trương quyền lực ở Tây Thái Bình Dương, tạo ra lá chắn phòng thủ chống lại quyền lực của Mỹ.

Philippines nằm trong phạm vi những gì Bắc Kinh coi là phạm vi phòng thủ của họ.

Bắc Kinh có thể linh hoạt với Rodrigo Duterte khi nói đến viện trợ kinh tế và đầu tư, nhưng sẽ không linh hoạt khi nói đến mục tiêu địa chính trị của nó."

Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm mục đích khôi phục vị thế cường quyền khu vực, làm thay đổi vị thế truyền thống của Mỹ trong khu vực này.

Việc theo đuổi (cái gọi là) lợi ích cốt lõi của nó trong vùng biển bao phủ bởi đường lưỡi bò, cho thấy tuyên bố của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông và tham vọng, năng lực quân sự.

Nhưng quân đội Trung Quốc hiện diện càng nhiều, càng khiến Rodrigo Duterte bị ràng buộc, khiến việc tiếp cận Trung Quốc của ông trông giống như một sự bán tháo bất lực, hơn là đối tác kinh tế thực dụng mà ông muốn.

Vấn đề còn phức tạp hơn với Rodrigo Duterte khi Bắc Kinh không hoàn toàn bị thuyết phục với chính sách "xoay trục qua Trung Quốc" mà Rodrigo Duterte tuyên bố.

Trung Quốc có thực sự tin ông Rodrigo Duterte? ảnh 3

"Trung Quốc có thể sắp áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông"

Zha Daojiong, một giáo sư nghiên cứu quốc tế, Đại học Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc không bao giờ ảo tưởng Philippines sẽ đào hố ngăn cách quan hệ với Hoa Kỳ bất luận trường hợp nào.

"Chúng tôi chưa bao giờ cảm nhận được tính toán 'Mỹ hay Trung Quốc' trong chính sách của Rodrigo Duterte", Zha Daojiong bình luận.

Theo Walden Bello, thách thức lớn nhất của Rodrigo Duterte là khi phe đối lập và quân đội gây áp lực buộc phải chống lại đe dọa từ Bắc Kinh.

Trung Quốc giờ đây có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống và ông Rodrigo Duterte có rất ít không gian cơ động. Nếu Bắc Kinh hung hăng quá, Manila có thể tìm đến sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, liệu Mỹ có sẵn sàng mạo hiểm một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của Philippines hay không? [1]

Politics.com.ph ngày 20/5 dẫn lời nghị sĩ đối lập Philippines, Gary Alejano bình luận, việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom có khả năng tấn công xuống "đảo nhân tạo ở Biển Đông" nên là một sự báo động với Philippines.

"Rõ ràng là Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa Biển Đông, họ đã triển khai một máy bay ném bom H-6K sau khi bố trí hệ thống tên lửa trong tháng trước.

Bán kính tác chiến của máy bay ném bom này thực tế bao phủ toàn bộ lãnh thổ Philippines và chắc chắn sẽ gây ra báo động.

Tôi lên án những hành vi gần đây của Trung Quốc, vì điều này làm xói mòn hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc có thực sự tin ông Rodrigo Duterte? ảnh 4

Kế hoạch Trung Quốc dùng quân sự kiểm soát Biển Đông đã rõ

Chúng ta đang thấy một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện thực.

Chính quyền Rodrigo Duterte sẽ giữ im lặng về vấn đề này trong bao lâu?

Vấn đề quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông không còn là mối quan tâm của một quốc gia, mà là mối quan tâm toàn cầu. 

Ngay bây giờ, chính phủ Philippines đang hành động một cách ích kỷ và dại dột bằng cách không quan tâm gì đến hoạt động Trung Quốc lắp đặt vũ khí quân sự.

Với sự im lặng của chính phủ Philippines với Trung Quốc, chúng ta đang gây nguy hiểm nghiêm trọng không chỉ cho đất nước mình, mà còn với các nước láng giềng.

Chúng tôi thất vọng khi có một Tổng thống chỉ nghĩ đến việc bảo vệ quyền lực của mình, thay vì bảo vệ người dân." [2]

Trong một động thái khác có liên quan, CNN ngày 20/5 dẫn lời các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Washington, Hoa Kỳ, cho biết:

Video máy bay H-6K Trung Quốc cất hạ cánh trên một hòn đảo ở Biển Đông mà Lầu Bát Nhất công bố thứ Sáu tuần trước, nhiều khả năng diễn ra trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam; quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).

Tuy nhiên, sớm muộn gì Trung Quốc cũng triển khai chiến đấu cơ xuống 3 đường băng trên đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), hoạt động tại Phú Lâm như một bước tập dượt chuẩn bị cho các hoạt động leo thang.

Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, nhận định:

"Người Trung Quốc không sợ việc họ đang gây ra một cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc có nhiều công cụ có thể sử dụng chống lại các nước láng giềng trong thời bình trong khi Hoa Kỳ không có đủ năng lực định hình các sự kiện.

Trung Quốc có lợi thế trong vùng xám. Miễn là Trung Quốc không sử dụng các lực lượng quân sự trong khi phát triển chúng, Mỹ không có lý do để sử dụng vũ lực."

Các học giả Mỹ tin rằng Trung Quốc đang liên tục thực hiện các bước nhỏ để phục vụ một kế hoạch lớn hơn (nhằm độc chiếm Biển Đông), và các cuộc tập trận ở Biển Đông sẽ không thể tránh khỏi. [3]

Nguồn:

[1]http://www.scmp.com/week-asia/geopolitics/article/2146843/philippines-rodrigo-duterte-wants-be-friends-why-isnt-china

[2]http://politics.com.ph/sotto-unlike-pimentel-will-be-more-assertive-as-senate-president-drilon/

[3]https://edition.cnn.com/2018/05/20/asia/south-china-sea-bombers-islands-intl/index.html

Hồng Thủy