Trung Quốc đặt vũ khí (trái phép) ở Trường Sa là một đòn thử Donald Trump?

16/12/2016 08:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Quân sự hóa Biển Đông là những hành động đã rõ như ban ngày, nhưng không phải Trung Quốc thích là triển khai, mà luôn đợi thời cơ hay một cái cớ thích hợp.

The New York Times ngày 15/12 nhận định, hôm thứ Năm Trung Quốc đã thừa nhận việc đặt hệ thống vũ khí (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ngoài Biển Đông, làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đã căng thẳng với Hoa Kỳ khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng, bố trí vũ khí (bất hợp pháp) ở đảo nhân tạo ngoài Trường Sa là "hợp lý và hợp pháp".

Còn theo The New York Times, đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã tự phá hủy cam kết của ông Tập Cận Bình năm ngoái: không quân sự hóa các đảo nhân tạo đã bồi lấp (trái phép) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Lầu Bát Nhất còn ví von những vũ khí này như khẩu "súng cao su" để phản ứng với Hoa Kỳ. Hiện chưa có bình luận nào từ Donald Trump hay cộng sự của ông trong nhóm chuyển giao.

Ảnh chụp đá Chữ Thập ngày 29/11 vừa qua, 4 vị trí đánh dấu bằng ô vuông là nơi Trung Quốc xây dựng ụ súng phòng không, ảnh: The New York Times.
Ảnh chụp đá Chữ Thập ngày 29/11 vừa qua, 4 vị trí đánh dấu bằng ô vuông là nơi Trung Quốc xây dựng ụ súng phòng không, ảnh: The New York Times.

The New York Times nhận định: Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với một khoản ngân sách quân sự phình to mỗi năm, đã thiết lập được một sự thống trị đáng sợ trên khắp Biển Đông.

Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, CSIS đã có báo cáo đánh giá, động thái mới nhất này cho thấy Bắc Kinh rất nghiêm túc trong việc quân sự hóa đảo nhân tạo và tính đến trường hợp xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Mục đích của họ là chống lại các tên lửa hành trình của Hoa Kỳ, và sớm muộn các căn cứ không quân (xây dựng trái phép ở Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn) sẽ đi vào hoạt động.

Cần phải lưu ý rằng, những căn cứ này Trung Quốc đã xây dựng từ trước khi ông Donald Trump có những phát biểu về Biển Đông khá lâu, còn chính quyền Barack Obama cho đến nay vẫn tìm cách giảm nhẹ đánh giá những hình ảnh này và phản ứng từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết, những hình ảnh mới nhất khẳng định một điều đã trở thành sự thật hiển nhiên từ lâu:

"Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục nói dối về thực tế, Bắc Kinh đang ít phải trả giá, hoặc chưa bị trả giá vì những hành vi (phi pháp) của mình".

Một số quan chức quân sự Mỹ tin rằng, hệ thống phòng không Trung Quốc lắp đặt (trái phép) ở Trường Sa không đơn thuần mang tính chất phòng thủ.

Một ngày nào đó, Bắc Kinh có thể lắp đặt hệ thống tên lửa tiên tiến hơn, có tầm bắn hàng trăm dặm từ đảo nhân tạo.

Nhiều thành viên nòng cốt của đảng Cộng hòa có thể chưa chắc đã đồng ý với Trump về chính sách thương mại với Trung Quốc, nhưng hầu hết đều đồng ý với đánh giá và nhận định của Tổng thống đắc cử Mỹ về Biển Đông. [1]

Nikkei Asian Review ngày 16/12 bình luận, những động thái nêu trên của Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đang có những bước di chuyển để thăm dò chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Trung Quốc đang rất tò mò muốn biết ông Donald Trump sẽ thực hiện những tuyên bố hùng hồn của mình như thế nào trong chính sách kinh tế đối ngoại cũng như an ninh ở Biển Đông và Hoa Đông.

Những phát biểu của ông Donald Trump gần đây đã khiến Trung Nam Hải lo lắng. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại, trên đường đi Mexico đã dừng lại ở New York hôm Chủ Nhật vừa qua để gặp Michael Flynn, người được Trump chọn là Cố vấn An ninh quốc gia. 

Người viết cho rằng, động thái lắp đặt vũ khí bất hợp pháp ra đảo nhân tạo ở Trường Sa không phải là để thăm dò, mà họ làm thật khi có một cái cớ để vin vào, đó là những phát biểu của ông Donald Trump.

Quân sự hóa Biển Đông là những hành động đã rõ như ban ngày, nhưng không phải Trung Quốc thích là triển khai, mà luôn đợi thời cơ hay một cái cớ thích hợp.

Đó là cách tạo ra "trạng thái bình thường mới" từng bước một, chưa đủ gây sốc hay xung đột, đối đầu, nhưng cũng đủ tăng thế kiểm soát của họ ngoài thực địa.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nytimes.com/2016/12/15/world/asia/china-spratly-islands.html?_r=0

[2]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/China-already-moving-to-test-Trump

Hồng Thủy