Trung Quốc không đủ khả năng để can thiệp vào Syria, Trung Đông

31/08/2013 12:26
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Trung Quốc vẫn tập trung cho Thái Bình Dương và chưa thể vươn tới khu vực xa hơn như Trung Đông - nơi cung cấp dầu mỏ chủ yếu của TQ.
Tàu chiến Quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống, đến Ả rập Xê út (ảnh tư liệu)
Tàu chiến Quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống, đến Ả rập Xê út (ảnh tư liệu)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, cuộc xung đột Syria diễn biến xấu đi đã làm bộc lộ một sự thực khó xử đằng sau chính sách không can thiệp của Trung Quốc: Cho dù sẵn sàng, Bắc Kinh cũng không có vai trò ảnh hưởng nhiều đối với tình hình.

Theo bài báo, Quân đội Trung Quốc không đủ mạnh và chưa từng trải qua chiến đấu thực tế, vẫn không thể điều động lực lượng đến Trung Đông. Trong tình hình này, Trung Quốc chỉ có thể đóng vai trò kín tiếng tại một khu vực rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của họ.

Đến nay, Mỹ và đồng minh chuẩn bị phát động tấn công quân sự đối với Syria, sự lo ngại đối với bất ổn khu vực theo đó tăng lên, còn Trung Quốc vẫn đứng ngoài - mặc dù lợi ích bị đe dọa của họ lớn hơn nhiều một số nước lớn khác. Trung Đông là nguồn dầu mỏ lớn nhất của nước này. Không có Trung Đông, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chấm dứt hoạt động.

Trung Quốc tuy không có nhiều lợi ích kinh tế ở Syria, nhưng cho rằng bảo đảm sự ổn định của Trung Đông và bảo vệ nguồn năng lượng quan trọng là vấn đề có tính cấp thiết về chiến lược và ngoại giao. Nhưng, cho dù Bắc Kinh có sẵn sàng đi ngược lại nguyên tắc của mình, tiến hành can thiệp vào công việc của nước khác, thì quân đội của họ cũng còn lâu mới làm được, mà họ chỉ có thể điều động lực lượng quân sự mang tính tượng trưng ở khu vực cách xa lãnh thổ.

Biên đội hộ tống của Hải quân Trung Quốc trên vịnh Aden (ảnh tư liệu)
Biên đội hộ tống của Hải quân Trung Quốc trên vịnh Aden (ảnh tư liệu)

Nhà phân tích Rose Babbage của Canberra cho rằng: "Nói đến tích cực can thiệp - làm những việc mà Mỹ và đồng minh định làm mấy ngày tới, Quân đội Trung Quốc hiện không có năng lực này".

Mặc dù Quân đội Trung Quốc có tiến bộ nhanh chóng trên các phương diện như công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình và sở hữu tàu sân bay đầu tiên, nhưng về cơ bản chưa trải qua thử thách chiến đấu thực tế. Tàu chiến Trung Quốc tham gia tuần tra chống cướp biển Somalia, nhưng khi rút người Hoa từ Libya, buộc phải chủ yếu dựa vào thuê tàu và máy bay.

Babbage cho rằng, trọng tâm hiện nay của Quân đội Trung Quốc là ở Thái Bình Dương. "Tiến hành tác chiến như chúng ta bàn... Họ còn chưa chuẩn bị tốt". Bất kể là về quân sự hay về ngoại giao, Bắc Kinh xem ra đều không muốn can thiệp sâu vào Trung Đông - ở đó, không giống như Mỹ, Nga, Anh và Pháp, Trung Quốc thiếu kinh nghiệm khu vực.

Theo một chuyên gia vấn đề chính sách Trung Đông của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Trung Quốc cho rằng trách nhiệm an ninh ở đó không phải là việc của họ, bởi vì họ không thể can thiệp có hiệu quả, "sự ổn định của Trung Đông là việc tốt đối với Trung Quốc, Trung Đông bất ổn là việc xấu đối với Trung Quốc. Nhưng, Trung Quốc không có năng lực bảo vệ sự ổn định ở đó".

Quân đội Trung Quốc hiện đang tập trung vào tranh chấp lãnh thổ biển đảo với các nước láng giềng ở châu Á-Thái Bình Dương, đáng chú ý là các hoạt động tập trận với nhiều khoa mục có tính chất răn đe vũ lực đối với láng giềng.
Quân đội Trung Quốc hiện đang tập trung vào tranh chấp lãnh thổ biển đảo với các nước láng giềng ở châu Á-Thái Bình Dương, đáng chú ý là các hoạt động tập trận với nhiều khoa mục có tính chất răn đe vũ lực đối với láng giềng.

Tuy nhiên, những trang mạng có sự góp mặt của những nhân vật phe diều hâu Quân đội Trung Quốc thường xuyên bàn về khả năng Trung Quốc can thiệp tích cực hơn vào Trung Đông, cho rằng phải chăng thời cơ đã đến, cần điều chỉnh trọng tâm của quân đội, tích cực can thiệp Trung Đông. Nhưng, đây chỉ là những thảo luận ngoài lề.

Trên thực tế, Trung Quốc dựa chắc vào quân đồn trú của Mỹ tại khu vực này, bảo đảm ổn định và sự thông suốt của các tuyến đường dầu mỏ, đặc biệt là đi qua eo biển Hormuz. Iran từng tuyên bố, khi nổ ra chiến tranh sẽ phong tỏa eo biển này.

Một nguồn tin hiểu rõ chính sách Trung Đông của Bắc Kinh cho rằng, tình hình này có thể làm cho người Trung Quốc ngày càng bất an, từ đó thúc đẩy họ tiến hành đánh giá lại chiến lược, "đến lúc nào đó, Trung Quốc sẽ nói, dựa vào cái gì để Mỹ bảo vệ dầu mỏ của chúng ta?".

Trung Quốc ưu tiên biên chế tàu chiến mới cho Hạm đội Nam Hải. Trong hình là lực lượng tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải tập trận đổ bộ.
Trung Quốc ưu tiên biên chế tàu chiến mới cho Hạm đội Nam Hải. Trong hình là lực lượng tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải tập trận đổ bộ.
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)