Trung Quốc không thể ngăn chặn hệ thống tên lửa của Ấn Độ

31/10/2012 06:20
Đông Bình (nguồn Thời báo châu Á)
(GDVN) - Ấn Độ đang đạt được tiến triển mang tính thực chất trong xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng, và tăng cường khả năng chống vệ tinh...
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Cách đây không lâu, trang mạng tờ “Thời báo châu Á” đã đăng bài “Trung Quốc không thể ngăn chặn hệ thống tên lửa của Ấn Độ” (China can’t stop India’s missile system) của tác giả Peter J Brown.

Bài viết cho rằng, tên lửa phòng không HQ-9, của Trung Quốc sắp bán cho Pakistan, sẽ thúc đẩy Ấn Độ khẩn trương phát triển hệ thống tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra, đầu năm 2007, việc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc cũng đã đem lại gợi ý rất lớn cho việc phòng thủ tên lửa của Ấn Độ - Ấn Độ sẽ tham khảo Trung Quốc tăng cường khả năng sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa tấn công vệ tinh.

Theo bài viết, Ấn Độ cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa mới của họ là hoàn toàn cần thiết. Pakistan đang trở nên ngày càng đáng lo ngại, lợi ích chiến lược lâu dài của Bắc Kinh tại khu vực và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 mà Trung Quốc sắp bán cho Pakistan cũng làm cho Ấn Độ tăng cường phát triển hệ thống tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa của họ, đồng thời điều này cũng phù hợp với sách lược bao vây Trung Quốc của Mỹ.

Mỹ lấy vấn đề CHDCND Triều Tiên như một lý do hợp lệ đầu tiên để thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á.

Cách đây không lâu, quan chức kỳ cựu của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), Sarawat cho biết, tên lửa Agni-5 của Ấn Độ có thể phóng cơ động trên đường bộ, hơn nữa có độ chính xác cao hơn, nó có thể được lập trình để cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu khác nhau (tên lửa trang bị nhiều đầu đạn tấn công độc lập), làm giảm mạnh hiệu suất đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo; tầm phóng của tên lửa Agni-5 có thể bao trùm toàn bộ Trung Quốc.

Ấn Độ phóng tên lửa liên lục địa Agni-5, có tầm phóng bao trùm Trung Quốc
Ấn Độ phóng tên lửa liên lục địa Agni-5, có tầm phóng bao trùm Trung Quốc

Quả tên lửa lớp 3 này đã trang bị con quay hồi laser vòng tiên tiến, động cơ tên lửa ghép và hệ thống dẫn đường vệ tinh chính xác cao, đã tiếp cận công nghệ tên lửa mũi nhọn của Mỹ.

Sarawat còn cho biết, từ năm 2009 Ấn Độ bắt đầu tiến hành thử toàn diện hệ thống phòng thủ tên lửa của họ, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ cùng khai thác công nghệ radar theo dõi và kiểm soát hỏa lực, đồng thời đã tiến hành hợp tác với Israel và Pháp.

Bài viết dẫn lời Subrata Ghoshroy, một nhà nghiên cứu phụ trách thúc đẩy chương trình ổn định hạt nhân ở Nam Á của Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, Ấn Độ đã chứng minh rằng họ có khả năng theo dõi tên lửa và tiến hành đánh chặn tương đối chính xác, cũng có khả năng tiến hành xử lý dữ liệu trên máy bay trước khi thông tin cập nhật được xử lý trên mặt đất.

Eric Hagt, chủ nhiệm chương trình Trung Quốc, Viện nghiên cứu an ninh thế giới, có trụ sở tại Washington DC, Mỹ, cho rằng: “Ấn Độ thử nghiệm hệ thống hai tầng trong điều kiện nghiêm ngặt hơn đều đã đạt thành công, những thử nghiệm thành công này đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là, Ấn Độ tập trung vào sở hữu một hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng, đồng thời đang đạt được tiến triển mang tính thực chất về mục tiêu này”.

Tên lửa đánh chặn của Ấn Độ đang được nhân viên kiểm tra
Tên lửa đánh chặn của Ấn Độ đang được nhân viên kiểm tra

Ngoài ra, 2 hệ thống phòng thủ tên lửa mới này, hệ thống có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đều đang trong giai đoạn phát triển. “Những tên lửa này, AD-1 và AD-2, được phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm phóng từ 5.000 km trở lên.

Việc thử nghiệm những hệ thống này dự kiến sẽ giành được tiến triển mang tính đột phá trong 2 năm tới”. Sau khi Trung Quốc tiến hành phóng thử tên lửa chống vệ tinh (ASAT) gây tranh cãi vào năm 2007, Ấn Độ lập tức đã tỉnh giấc.

Chuyên gia quân sự nổi tiếng Ấn Độ Singh cho biết, kinh nghiệm chống vệ tinh và khả năng liên tục được tăng cường của Trung Quốc có thể làm suy giảm đáng kể khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.

Ông cũng cảnh báo về mối đe dọa tiềm tàng do Trung Quốc ngày càng tăng cường hợp tác với Pakistan trong phát triển vệ tinh đa năng, tăng cường khả năng theo dõi cho Pakistan, thậm chí vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc có thể làm cho hệ thống theo dõi trong không gian của Ấn Độ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

“Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng, cùng với việc Trung Quốc tăng cường các khả năng không gian nhằm chống lại sự thống trị không gian của Mỹ, thì khả năng ngày càng tăng này của Bắc Kinh cũng có thể dễ dàng được sử dụng để chống lại Ấn Độ trong các cuộc đối đầu trong tương lai”.

Tên lửa đánh chặn do Ấn Độ tự sản xuất
Tên lửa đánh chặn do Ấn Độ tự sản xuất

Victoria Samson, nhà phân tích cấp cao, Trung tâm Thông tin Quốc phòng, có trụ sở tại Washington DC, cho rằng: “Mỹ muốn bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (PAC)-3 cho Ấn Độ, nhưng người Ấn Độ quan tâm hơn tới việc xây dựng hệ thống của họ, họ đã tiến hành một số thử nghiệm và đã xây dựng được hệ thống phòng không của họ”.

Đầu tháng này, các báo cáo về bất kỳ sự hợp tác phòng thủ tên lửa nào giữa Mỹ-Ấn đã nhanh chóng bị Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ.

Ấn Độ cũng được lợi từ việc nghiên cứu các con đường hợp tác khác nhau với bên ngoài, chẳng hạn các vệ tinh của Israel đã rất được chào đón tại nhà máy phóng vệ tinh ISRO trên bờ biển phía tây nam của Ấn Độ.

Eric Hagt cho rằng, mặc dù Ấn Độ đã rất cố gắng để có được tên lửa Arrow II của Israel, nhưng không thành công, tuy nhiên hệ thống radar kèm theo đã được bán cho Ấn Độ.

Một nguồn tin cho biết, New Delhi đã đồng ý bỏ ra 2,5 tỷ USD để cùng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa với Israel. Chương trình hình dung ra một hệ thống có thể đánh chặn tên lửa, máy bay, máy bay không người lái.

Ấn Độ và Israel trở thành những đối tác hết sức tự nhiên, bởi vì Ấn Độ cần tên lửa cùng hệ thống phòng không-thứ mà Israel có thế mạnh, trong khi đó Israel lại hạn chế về khả năng phóng vào không gian và đây lại là ưu thế của Ấn Độ.

Tên lửa không đối không Astra do Ấn Độ tự sản xuất
Tên lửa không đối không Astra do Ấn Độ tự sản xuất

Rick Fisher, chuyên gia nghiên cứu và đánh giá quốc tế của Washington DC cho rằng, ưu tiên hiện nay của Ấn Độ là tìm cách sở hữu, hấp thu được công nghệ để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, và cho đến nay, dường như Ấn Độ ưu tiên hợp tác với Israel, thậm chí với Pháp.

5 năm trước, chính quyền George W Bush đã bắt đầu nỗ lực bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ấn Độ, nhưng ngay từ đầu họ đã vấp phải khó khăn.

Trung Quốc  chắc chắn lo ngại, coi những nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ sẽ gây ra mất ổn định. Trung Quốc lo ngại Pakistan sẽ có phản ứng bằng cách thay đổi thế trận triển khai vũ khí hạt nhân, tức di chuyển chúng đến gần biên giới Ấn Độ để có khả năng triển khai nhanh hơn, khó bị đánh chặn hơn, từ đó gây bất ổn lớn hơn.

Hơn nữa, Trung Quốc nghi ngờ rằng, Ấn Độ sẽ trở thành một người chơi chiếm ưu thế ở Ấn Độ Dương, thậm chí ở các vùng biển xa hơn như Trung Đông và Đông Nam Á, nơi kiểm soát các tuyến đường vận chuyển năng lượng.

Ấn Độ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hạt nhân là nhằm vào lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Thực tế là Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa vượt quá nhu cầu an ninh trước “mối đe dọa” Pakistan.

Ngoài ra, bất cứ sự hợp tác nào của Ấn Độ với hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, cho dù có liên quan đến tên lửa đánh chặn hay xây dựng cơ sở do thám, đều sẽ tác động ảnh hưởng sâu sắc tới an ninh của Trung Quốc.

Ấn Độ thử nghiệm phòng thủ tên lửa
Ấn Độ thử nghiệm phòng thủ tên lửa

Trung Quốc xem đây là một phần trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ. Điều này đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc kể từ khi Mỹ triển khai hệ thống radar ở hướng đông bắc và tây bắc Trung Quốc. Trung Quốc lo sợ rằng, lợi thế chiều sâu chiến lược của họ ngày càng bị suy giảm.

Cho dù Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) muốn duy trì khoảng cách với đội ngũ của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nhưng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào cũng đều ăn khớp với các mục tiêu không gian đầy tham vọng của Ấn Độ.

Eric Hagt cho rằng, cuộc thử nghiệm chống vệ tinh (ASAT) tiến hành đầu năm 2007 của Trung Quốc đã đem lại gợi ý rất lớn cho Ấn Độ. Bởi vì, hệ thống phòng thủ tên lửa vừa có thể sử dụng để phòng thủ tên lửa, vừa có thể sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh, như Mỹ sử dụng tên lửa 193 NRO bắn rơi vệ tinh là một minh chứng tốt nhất. Ấn Độ cũng đang không ngừng tăng cường khả năng chống vệ tinh của họ.

Ấn Độ phóng tên lửa đánh chặn
Ấn Độ phóng tên lửa đánh chặn
Đông Bình (nguồn Thời báo châu Á)