Trung Quốc liên tiếp tổ chức diễn đàn an ninh, có liên quan Biển Đông

05/12/2014 10:14
Đông Bình
(GDVN) - Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông 2014, Đối thoại Bắc Các, Diễn đàn Hương Sơn được Trung Quốc liên tiếp tổ chức tập trung thảo luận an ninh khu vực, gồm Biển Đông.

Đại học Nam Kinh Trung Quốc tổ chức diễn đàn nghiên cứu Biển Đông 2014

Tân Hoa xã ngày 3 tháng 12 đưa tin, vào ngày 3 tháng 12, Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông năm 2014 đã được tổ chức tại Đại học Nam Kinh.

Phương án mở rộng trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc
Phương án mở rộng trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc

Tại diễn đàn, gần 100 chuyên gia, học giả đến từ 43 đơn vị trong đó có Bộ Ngoại giao, Cục hải dương quốc gia và các viện nghiên cứu khoa học của các trường đại học lớn Trung Quốc đã tiến hành thảo luận học thuật về các vấn đề như ngoại giao Biển Đông và hợp tác xung quanh, quyền lợi biển và luật biển quốc tế, hoạt động trên biển ở Đông Á thời cổ đại và con đường tơ lụa trên biển.

Khi phát biển dẫn đề tại diễn đàn, ông Hà Á Phi cho hay, giải quyết vấn đề Biển Đông cuối cùng dựa vào 4 con đường: tăng cường ý thức biển hiện đại, xây dựng quan niệm biển hiện đại; tăng cường hợp tác khu vực trên mọi phương hướng (toàn phương vị), xây dựng chỗ dựa chiến lược, cải thiện môi trường địa-chính trị, kinh tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông; tăng cường thực lực, bảo vệ quyền lợi biển; tăng cường nghiên cứu và vận dụng luật biển quốc tế.

Theo bài báo: “Các học giả tham dự cho rằng, (cái gọi là) bảo vệ chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc (trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam) đã bị thách thức bởi các loại nhân tố địa-chính trị và địa-kinh tế, trong ứng phó tranh chấp cần thông qua các phương thức như tăng cường xây dựng năng lực, nâng cao ý thức biển và mở rộng hợp tác quốc tế để quản lý, kiểm soát tranh chấp Biển Đông, để Biển Đông thực sự trở thành ‘biển hòa bình, biển hợp tác, biển phồn vinh’”.

Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông 2014 Trung Quốc do Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc của Đại học Nam Kinh đứng ra tổ chức.

Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc

Đối thoại Bắc Các: mối lo ngại Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự ở Biển Đông, Hoa Đông

Các tờ báo điện tử Trung Quốc ngày 3 tháng 12 đưa tin, từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 12 năm 2014, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh đứng ra tổ chức hội nghị thường niên “Đối thoại Bắc Các” ở Bắc Kinh, hội nghị này có sự hợp tác của Hội ngoại giao nhân dân Trung Quốc.

Tham dự đối thoại đáng chú ý có các cựu chính khách, nhà chiến lược của 11 quốc gia như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Zoellick, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Menon, cùng với người phụ trách một số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia, học giả Trung Quốc. Cựu ủy viên quốc vụ, viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã tham dự hội nghị.

Ngoài tổ chức hội nghị kín, ban tổ chức còn tổ chức giao lưu với các học giả trẻ Trung Quốc…

Hội nghị có chủ đề là “Tình hình an ninh quốc tế và Trung Quốc”, đã tập trung thảo luận về tình hình an ninh toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đồng thời trao đổi ý kiến sâu sắc về cách thức Trung Quốc phát huy “vai trò mang tính xây dựng” tích cực hơn trong an ninh quốc tế và quản lý toàn cầu.

Đối thoại Bắc Các 2014
Đối thoại Bắc Các 2014

Đáng chú ý, tại hội nghị, vấn đề quan hệ Trung-Nhật đã trở thành một trong những vấn đề nóng của diễn đàn. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Masahiro Akiyama cho rằng, đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản đối mặt với 2 mối đe dọa, trong ngắn hạn là vấn đề hạt nhân và bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản rất quan ngại đối với vấn đề này.

Tiếp theo, Masahiro Akiyama cho rằng, Trung Quốc trỗi dậy là một vấn đề lâu dài đối với Nhật Bản. Sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra sức ép rất lớn, loại sức ép này không chỉ đến từ chính trị, có lúc Trung Quốc sẽ sử dụng năng lực “bán quân sự” ứng phó tranh chấp đảo đá, bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo Masahiro Akiyama, trong 10 - 20 năm tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một nước lớn, Nhật Bản sẽ lo ngại đối với vấn đề này, nhưng Nhật Bản thực sự hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một nước lớn có trách nhiệm, trở thành một bên có lợi ích liên quan có trách nhiệm, nếu không mối lo ngại đối với Trung Quốc của Nhật Bản rất khó bị mất đi. Quan hệ Nhật-Trung cần được khôi phục và cải thiện.

Hội nghị cũng đã thảo luận về xây dựng các cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trung Quốc, cung cấp rất nhiều kiến nghị có giá trị. Trung Quốc đã tìm cách bố trí cho các đại biểu tham dự đối thoại “tìm hiểu tốt hơn về tình hình thực tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, ban tổ chức còn tổ chức “2 bữa cơm trưa”…

Trung Quốc vừa tổ chức Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5
Trung Quốc vừa tổ chức Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5

Ngoài các hội nghị, đối thoại trên, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 cũng đã được Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 2014 với chủ đề là “Hợp tác và cùng thắng, xây dựng cộng đồng vận mệnh châu Á”, chủ yếu thảo luận về các vấn đề như cấu trúc an ninh khu vực, an ninh biển và chống khủng bố.

Năm nay, Trung Quốc đã nâng cấp Diễn đàn Hương Sơn lên thành Diễn đàn an ninh và quốc phòng cao cấp châu Á, tức là lần đầu tiên mời các quan chức quốc phòng, an ninh các nước tham dự. Hội nghị năm nay có đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng hoặc Quân đội của 47 quốc gia, đại diện 4 tổ chức quốc tế và khoảng 300 chuyên gia học giả Trung Quốc và các nước tham dự.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc nâng cấp Diễn đàn Hương Sơn là để cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La tổ chức thường niên ở Singapore, thể hiện tư thế tự tin, ý đồ tuyên truyền hình tượng “hòa bình”, tỏ ra minh bạch hóa của Trung Quốc, ngoài ra, Trung Quốc thông qua diễn đàn này nhằm phát huy vai trò lãnh đạo trong xây dựng cấu trúc an ninh khu vực, thiết lập trật tự có lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là hiện nay, nhiều vấn đề an ninh đang nổi cộm, liên quan đến Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Một vấn đề đáng chú ý tại Diễn đàn Hương Sơn lần này là vấn đề Biển Đông cũng đã làm nóng diễn đàn, thể hiện qua phát biểu của lãnh đạo Quân đội Philippines và sự vặn vẹo “chơi chữ” của học giả Trung Quốc, nhất là vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế và vấn đề đặt tên, gọi tên của Biển Đông. Qua đây, thể hiện thế yếu pháp lý rõ ràng trong yêu sách “đường lưỡi bò” vẽ bậy của Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức, La Viện vặn vẹo Phó Tổng tham mưu trưởng Philippines về vấn đề Biển Đông.
Tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức, La Viện vặn vẹo Phó Tổng tham mưu trưởng Philippines về vấn đề Biển Đông.
Đông Bình