Trung Quốc muốn cải cách quân đội, xây dựng hải quân ứng phó nguy cơ biển

05/09/2015 06:15
Đông Bình (nguồn VOA Mỹ)
(GDVN) - Phương án cải cách mới sẽ tăng cường chỉ huy thống nhất đối với quân đội, tập trung quyền lực vào Tập Cận Bình và Quân ủy Trung ương.

Hãng tin VOA Mỹ ngày 4 tháng 9 đưa tin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tuyên bố phương án cải cách quân đội quy mô lớn. Một Đô đốc nghỉ hưu Mỹ cho rằng, hành động này của ông Bình nhằm tăng cường tính linh hoạt của Quân đội Trung Quốc ở trên biển để chống lại Hải quân Mỹ.

Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc ngày 26 tháng 11 năm 2013
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc ngày 26 tháng 11 năm 2013

Có học giả quân sự cho rằng, cải cách quân đội của Tập Cận Bình là để tăng cường sức mạnh quân sự, ứng phó với các sự kiện bất ngờ mà cấp cao lo ngại nhất.

Cũng có chuyên gia cho rằng, nếu Tập Cận Bình thực hiện phương án tăng cường sức mạnh quân sự, có khả năng đẩy Trung Quốc vào một cuộc chạy đua quân sự với Mỹ, từ đó làm mất đi môi trường bên ngoài có lợi cho phát triển kinh tế.

Theo bài báo, Tập Cận Bình sẽ tuyên bố phương án cải cách quân đội quy mô lớn nhất 30 năm qua của Trung Quốc. Phương án này đặt lục, hải, không quân, lực lượng tên lửa chiến lược hiện nay dưới cùng một hệ thống chỉ huy quân sự;

Sẽ thống nhất 7 đại quân khu thành 4 đại quân khu; cắt giảm lực lượng mặt đất truyền thống, tăng cường hải quân, không quân, nhất là hải quân; xây dựng lực lượng vũ trụ - quân chủng thứ năm kiểm soát thông tin.

Đô đốc James Lyons, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, kế hoạch cải cách quân đội này của Tập Cận Bình về cơ bản là muốn thoát khỏi nền tảng xây dựng Quân đội Trung Quốc - chiến lược và cơ cấu quân sự Liên Xô cũ.

Hải quân Trung Quốc ưu tiên triển khai vũ khí trang bị tiên tiến ở Biển Đông
Hải quân Trung Quốc ưu tiên triển khai vũ khí trang bị tiên tiến ở Biển Đông

Cải cách để tăng cường tính linh hoạt của quân đội

Đô đốc James Lyons nói: "Tập Cận Bình cố gắng đưa ra kế hoạch cải cách quân đội là muốn để Quân đội Trung Quốc được cơ động hơn, làm cho hải, không quân phối hợp tốt hơn với lục quân, chứ không phải phục vụ cho lục quân; thông qua cải cách quân đội để làm cho Quân đội Trung Quốc có tính linh hoạt hơn".

Theo James Lyons, ở đây, tính linh hoạt là "Quân đội Trung Quốc có thể cung cấp nguồn lực quân sự ở khoảng cách lớn hơn trên thế giới để thúc đẩy mục tiêu chính trị của họ".

Ông cho rằng: "Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự nhằm chống lại Hải quân Mỹ". Bởi vì Trung Quốc đã áp dụng hành động khiêu khích nhằm vào đồng minh của Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp), từ chối tiến hành đàm phán về lãnh thổ.

James Lyons cho rằng: "Mỹ luôn tìm cách cung cấp tự do hàng hải, môi trường ổn định phát triển kinh tế và chính trị cho thế giới. Tôi không nhìn thấy, Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực trong bất cứ lĩnh vực nào này". Ông không cho rằng, kế hoạch cải cách quân đội của Tập Cận Bình sẽ "có bất cứ ý nghĩa tích cực nào đối với sự ổn định của thế giới".

Nhưng James Lyons cho rằng, cần quan sát sự phát triển của kế hoạch cải cách quân đội này, "nó sẽ không xảy ra trong một đêm, cần quan sát nó cung cấp tính linh hoạt này cho sử dụng sức mạnh quân sự như thế nào trong các hành động khiêu khích của Trung Quốc".

Tháng 5 năm 2015, chi đội tàu khu trục thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận phòng không, săn ngầm
Tháng 5 năm 2015, chi đội tàu khu trục thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận phòng không, săn ngầm

Chống tham nhũng giúp Tập có được khả năng cải cách quân đội

Phó giáo sư Lý Nam, khoa nghiên cứu chiến lược, Học viện chiến tranh hải quân Mỹ từng xuất bản nhiều loại sách liên quan đến chính sách an ninh và quân sự của Trung Quốc, ông cũng là thành viên của Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của học viện này.

Ông cho rằng, Tập Cận Bình thông qua cuộc chiến chống tham nhũng đã thể hiện năng lực áp đặt ý chí cho Quân đội Trung Quốc, trong khi đó, người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào hoàn toàn "thiếu" năng lực này, còn ông Giang Trạch Dân không thể quán xuyến hết.

Ông cho rằng, Tập Cận Bình có một ý tưởng cải cách quân đội rõ ràng, đầy tham vọng, đồng thời sẵn sàng áp dụng các biện pháp tạm thời không được hoan nghênh để thực hiện, chẳng hạn, loại bỏ những quan chức quân sự cấp cao mà ông cho là gây trở ngại cho cải cách.

Bước tiếp theo, các biện pháp chủ yếu mà ông có thể áp dụng là tiếp tục cắt giảm lực lượng mặt đất, làm cho nó lệ thuộc vào Bộ tư lệnh Lục quân, đồng thời mở rộng hải quân và không quân.

Lý Nam cho rằng, hải quân sẽ là kẻ giành chiến thắng lớn nhất của cuộc cải cách quân đội này. Tăng cường hải quân sẽ có lợi cho cho hệ thống lãnh đạo chỉ huy, cơ cấu lực lượng được chia đều cho các quân chủng, hỗ trợ cho tác chiến liên hợp thống nhất.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận săn ngầm (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận săn ngầm (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)

Tăng cường hải quân để ứng phó “nguy cơ trên biển”

Theo Lý Nam, hiện nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhất tới những sự kiện bất ngờ quan trọng, căn cứ vào phán đoán, những sự kiện này có khả năng nhất xảy ra bất ngờ, hơn nữa có khả năng nhất đe dọa tới “lợi ích quốc gia quan trọng”.

Trong khi đó, cải cách quân đội chính là muốn để cho quân đội khi cần thiết có năng lực ứng phó với “khủng hoảng lâm thời trên biển” và “đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa”.

Người sáng lập tập đoàn xuất bản tin tức "Tấm gương" có trụ sở ở New York, Hà Tần cho rằng, kế hoạch cải cách quân đội của Trung Quốc phải là một sự thay đổi đối với hệ thống chỉ huy quân sự, "cải cách quan trọng nhất chính là đem cơ cấu chỉ huy mô hình Liên Xô truyền thống đổi thành cơ cấu chỉ huy kiểu Mỹ".

“Quân đội nghe Đảng chỉ huy”

Nhưng, Lý Nam nghi ngờ kế hoạch công bố cuối cùng phải chăng sẽ tiến hành cải cách về căn bản đối với Quân đội Trung Quốc. "Bởi vì, vấn đề của Quân đội Trung Quốc về căn bản là vấn đề định vị, đó là quân đội của Đảng hay quân đội của nhà nước. Tất cả sự điều chỉnh chỉ là điều chỉnh mang tính kỹ thuật".

Hà Tần cho rằng, sự điều chỉnh này "chủ yếu là làm thay đổi cơ cấu lực lượng quân sự lấy lục quân làm chủ thể thời kỳ chiến tranh truyền thống. Nó sẽ phần lớn hướng theo hợp thành, chính là, lấy bộ tư lệnh đứng đầu là Tổng tham mưu trưởng để thống lĩnh quân đội".

Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn và tàu đệm khí, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Biển Đông
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn và tàu đệm khí, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Biển Đông

Ông cho rằng, bất kể cắt giảm đại quân khu hay thống nhất 7 đại quân khu thành 4 đại quân khu, "đều sẽ là hệ thống quân sự dọc do Quân ủy Trung ương trực tiếp lãnh đạo, do tổng bộ lục quân trực tiếp chỉ huy tập đoàn quân, quân khu chỉ là hệ thống thực hiện chứ không phải hệ thống chỉ huy; Bộ Tổng tham mưu điều phối các binh chủng, binh quyền tiếp tục tập trung vào Quân ủy Trung ương".

Mặc dù Tổng bộ Trang bị và Tổng bộ Hậu cần trong 4 tổng bộ hiện có của Quân ủy Trung ương không sáp nhập thì cũng sẽ giảm thành một bộ cấp 2 mang tính chi viện trong Bộ Tổng tham mưu.

Ông nói: "Tổng bộ Chính trị sẽ bị bỏ đi hay không là nghi ngờ rất lớn", bởi vì, hệ thống chính ủy chỉ huy quân đội (Đảng lãnh đạo) sẽ không thay đổi.

Phát triển hải quân còn lâu mới đáp ứng được tham vọng

Hà Tần cho rằng, trọng điểm trong kế hoạch cải cách quân đội của Tập Cận Bình là tăng cường hải quân, cũng chính là từ nhấn mạnh tàu ngầm răn đe chiến lược của hải quân trước đây quá độ sang phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước, bởi vì "lực lượng tàu chiến mặt nước mới là công cụ vận chuyển và chiến đấu chủ yếu để tiến hành các hành động quân sự toàn cầu".

Năm 2014, lượng lớn tàu chiến máy bay Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đến vùng biển chủ quyền của Việt Nam để đe dọa vũ lực đối với Việt Nam
Năm 2014, lượng lớn tàu chiến máy bay Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đến vùng biển chủ quyền của Việt Nam để đe dọa vũ lực đối với Việt Nam

Nhưng, theo Hà Tần, phát triển hải quân có khoảng cách rất xa so với tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là do vấn đề tham nhũng nổi cộm.

Tại lễ duyệt binh ngày 3 tháng 9 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân, nhưng theo Hà Tần, việc cắt giảm này không có ý nghĩa gì, "chi tiêu quân sự hoàn toàn không vì cắt giảm quân số mà bị cắt giảm. Nếu một mặt cắt giảm biên chế, mặt khác tăng cường chi tiêu quân sự thì cho thấy đầu tư quân sự của họ sẽ nhiều hơn".

Tăng cường quân sự có thể trở thành tai họa của Trung Quốc

Hà Tần tổng kết cho rằng, kế hoạch cải cách quân đội của Tập Cận Bình một mặt muốn biến Quân đội Trung Quốc thành một đội quân hiện đại phù hợp tiêu chuẩn Mỹ, nhưng mặt khác, nếu họ thực sự làm theo tiêu chuẩn này, về lâu dài sẽ tạo ra mối đe dọa quân sự đối với Mỹ, rất có thể buộc rất nhiều nước phương Tây phải sẵn sàng chiến đấu, từ đó làm cho Trung Quốc mất đi môi trường có lợi cho phát triển kinh tế trước đây.

Ông cho rằng: "Chỉ cần Trung Quốc thực sự có thành tựu về quân sự, tai họa của Trung Quốc sẽ đến, phiền phức sẽ nhiều hơn, khắp nơi đều sẽ là kẻ thù của họ. Hơn nữa kẻ thù này sẽ trở nên ngày càng hiện thực".

"Do môi trường hòa bình toàn thế giới hiện nay đã không cho phép tồn tại lực lượng quân sự thứ hai thách thức Mỹ, trong khi đó, sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại không bị kiềm chế, không minh bạch. Nếu đã xuất hiện thì chắc chắn sẽ tiến hành chạy đua quân sự với Mỹ. Một khi cuộc chạy đua này bắt đầu, toàn bộ môi trường kinh tế của Trung Quốc sẽ bị tấn công mang tính hủy diệt".

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Bản chất là để củng cố quyền lực

Nhưng, Hà Tần cho rằng, kế hoạch cải cách quân đội của Tập Cận Bình về bản chất vẫn là phục vụ thành nhu cầu củng cố quyền lực của ông Bình. "Sự điều chỉnh quân sự lần này giống như Đặng Tiểu Bình lãnh đạo cuộc chiến xâm lược Việt  Nam trước đây, sẽ tiến hành một cuộc điều chỉnh mang tính đảo lộn đối với nhân sự của toàn bộ hệ thống chỉ huy quân sự, thoát khỏi hệ thống vốn có của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào".

Đáng chú ý, theo Hà Tần: "Đội quân như vậy thì tướng không biết lính, lính không biết tướng, từ đó không thể đánh trận. Song, đối với nhà lãnh đạo tối cao, quân đội như vậy sẽ không có khả năng đe dọa địch, cũng không thể đe dọa mình. Đây là cách đối phó với tướng lĩnh trong thời bình".

Trên đây là những nội dung chính của bài viết trên báo Mỹ, song chỉ có tính chất tham khảo, Trung Quốc cải cách quân đội như thế nào cần quan sát kỹ mới thấu hiểu. Mặc dù có đấu đá lợi ích nội bộ, song Quân đội Trung Quốc đang thể hiện một diện mạo mới với việc thống nhất hơn về tổ chức chỉ huy cũng như đang tăng cường huấn luyện chiến đấu thực tế - PV.

Đông Bình (nguồn VOA Mỹ)