Trung Quốc muốn gì? Hãy nhìn họ làm!

28/04/2013 07:50
Hồng Chuyên (thực hiện)/infonet
Việc công bố “bản đồ nước CHND Trung Hoa” và “quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12” đã cho thấy sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động, thậm chí mâu thuẫn ngay giữa các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc…

Đề có cái nhìn đầy đủ về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ.

Thưa tiến sĩ, xin ông cho biết nội dung bản đồ và “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương” mà Trung Quốc vừa ban bố?

TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ
Bản đồ nước CHND Trung Hoa và “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12” chi tiết như thế nào đến nay chưa được thấy rõ. Tuy nhiên, qua những thông tin mà Trung Quốc đã công bố công khai trên báo chí trong và ngoài nước, thì chúng ta có thể thấy đây là bản đồ kèm theo Quy hoạch phát triển hải dương do Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, một cơ quan quản lý biển cấp bộ của nhà nước Trung Quốc, ban hành. 
Rõ ràng đây là quy hoạch mang tầm cỡ quốc gia. Nếu nội dung quy hoạch đúng như thông tin do các cơ quan truyền thông Trung Quốc công bố thì các vùng biển  nằm trong quy hoạch này chủ yếu là khu vực Biển Đông nằm trong đường biên giới biển theo yêu sách của Trung Quốc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bao trùm lên phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các nước ven bờ Biển Đông được xác định theo các tiêu chuẩn  Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 . 
Rõ ràng bản đồ và quy hoạch này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và của một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đúng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Lương Thanh Nghị, đã khẳng định trong tuyên bố của mình ngày 25 tháng 4 vừa qua khi được hỏi về  việc Trung Quốc đã công bố bản đồ và quy hoạch này. Để thấy rõ hơn tính chất và mức độ của vi phạm đó, theo tôi chúng ta cũng nên cùng nhau phân tích một số nội dung cụ thể của quy hoạch này.

Thứ nhất, quy hoạch này đã vạch ra kế hoạch và biện pháp triển khai mọi hoạt động  thăm dò, khai thác tài nguyên của các khu vực biển, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu khí, nguồn lợi hải sản, nước biển, giao thông vận tải biển…Có thể nói đây là một bước tiến mới trong quyết tâm tranh giành “lợi ích cốt lõi”  trong Biển Đông mà Trung Quốc  đã từng công khai tuyên bố và từng bước tổ chức thực hiện, chủ yếu là nhằm vào các khu vực biển, đảo  hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước khác.

Thứ hai, quy hoạch này đã  đưa ra những  giải pháp pháp lý, kỹ thuật  nhằm tăng cường giám sát, kiểm soát, khống chế việc đi lại của tàu thuyền theo những tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông, như  kế hoạch  xây dựng hệ thống phao tiêu, cứu hộ ở phạm vi vùng  biển  cách bờ 100 hải lý…và với phạm vi đó cho dù tính từ bờ biển đất liền hay hải đảo thì đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước có liên quan, một vùng biển mà theo quy định của Công ước Luật Biển năm1982, tàu thuyền các nước đều có quyền tự do hàng hải. Như vậy, với nội dung này người ta càng thấy rõ Trung Quốc đang muốn làm gì đối với tuyến đường hàng hải huyết mạch này của khu vực và quốc tế…

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị bác bỏ cái gọi là bản đồ CHND Trung Hoa và quy hoach phát triển sự nghiệp Biển. Anh internet
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị bác bỏ cái gọi là bản đồ CHND Trung Hoa và quy hoach phát triển sự nghiệp Biển. Anh internet

Theo ông, những công bố này vi phạm như thế nào đến chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế?

Một điều hiển nhiên, việc ban bố quy hoạch phát triển hải dương của bất kỳ một nước nào, nếu họ có quyền chính đáng với khu vực mà họ quy hoạch, thì cũng là chuyện bình thường và đáng làm . Nhưng, quy hoạch của Trung Quốc lại bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa  là  sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng bao trùm lên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven bờ  Biển Đông, trong đó có Việt Nam, là sự vi phạm nghiêm trọng  quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển trong khu vực. Rồi việc tăng cường giám sat, kiểm tra, kiểm soát hoạt đông hàng hải của tàu thuyền trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cũng là sự vi phạm, bất chấp các quy định của Công ước về LB năm 1982 của LHQ…

Điều này có trái với “mong muốn” đàm phán với ASEAN mà Trung Quốc đã từng tuyên bố không, thưa ông?

Rõ ràng, tiếp theo một loạt những hoạt động, như chúng ta đã biết, từ đầu năm đến bây giờ trên Biển Đông, Trung Quốc đã nâng cấp các hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông . Đây là hành động đi ngược lại với cam kết của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết cách đây 10 năm; càng đi ngược lại với tuyên bố gần đây nhất của họ rằng họ muốn cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Châu Á, xúc tiến mạnh mẽ đàm phán COC (Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông)…  
Điều đáng nói là, trong thời gian rất ngắn, những tuyên bố ngoại giao trái chiều rất khó hiểu: Tại Hội nghị tham vấn Bắc Kinh mới đây, Trung Quốc chủ động đề xuất  xúc tiến  hơn nữa quá trình  đàm phán COC, trong thời gian diễn ra  Hội nghị ASEAN ở Brunei vừa rồi,  Trung Quốc cung chủ động đề xuất  tiến hành cuộc họp đặc biệt giữa TQ và ASEAN để  thúc đẩy đàm phán COC. Thế nhưng, mới đây thôi, Trung Quốc lại tuyên bố hiện tại chưa phải “thời điểm thích hợp” để Trung Quốc đàm phán COC với các nước ASEAN… Vì lẽ đó khiến cho người ta buộc phải nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc. 

Trung Quốc vẫn dùng những tàu hải giám quấy đục Biên Đông, vi phạm chủ quyền Việt Nam
Trung Quốc vẫn dùng những tàu hải giám quấy đục Biên Đông, vi phạm chủ quyền Việt Nam


Mới đây, Ngoại trưởng Indonesia có phát biểu: “Mọi trở ngại, mọi sự cản trở quá trình đàm phán COC mà 10 nước ASEAN đã thống nhất  là xuất phát từ phía Trung Quốc”. Đây là nhận xét sát thực và thẳng thắn. Bởi vì, những hành động của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với tuyên bố DOC, ngược với tuyên bố của chính họ trong thời gian qua. Không chỉ có Ngoại trưởng Indonesia mà còn nhiều quan chức trong hội nghị lần này đều  lên tiếng phê phán, phản đối. Dư luận thế giới cũng thấy rất rõ điều đó. 
Tiến trình đàm phán COC có được khởi động hay không tôi cho rằng hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc, chưa nói đến việc bàn thảo các nội dung có liên quan đến yêu sách phi lý của Trung Quốc trong Biển Đông.

Theo ông, đây có phải là hành động có dụng ý bên lề “Hội nghị Trung Quốc và ASEAN” đang diễn ra?

Tôi cho rằng, mọi động thái của Trung Quốc đều có dụng ý, nhằm vào mục tiêu cụ thể, có tính toán của Trung Quốc. Những động thái đó rơi vào thời điểm nào đều có sự tính toán, đều có mối liên quan hỗ trợ nhau. Một mặt, họ nói sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán COC, mặt khác họ hành động  ngược lại. Tôi cho rằng, để có thể khởi động cho tiến trình  đàm phán  COC, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh mọi hoạt đông, áp dụng mọi phương cách  để  buộc các nước trong khu vực cập nhận đường biên giới chiếm 80% Biển Đông trở thành một yêu sách nhằm tạo ra vùng chồng lấn có lợi cho họ. Khi mà Trung Quốc cảm thấy yêu sách của họ còn bị các nước phản đối, bị quốc tế lên án, bác bỏ thì khó có thể khởi động được quá trình đàm phán này.

Phải chăng, theo ông Trung Quốc thật sự không có “thiện chí” đàm phán COC với các nước ASEAN?

Tôi cho rằng, với tất cả những động thái mà Trung Quốc đã triển khai vừa qua, rõ ràng là thời điểm để khởi động tiến trình đàm phán COC vẫn còn là một ẩn số. Nói rằng Trung Quốc có thiện chí hay không thiện chí thì xin  hãy nhìn vào những việc họ đã làm để có được câu trả lời chuẩn xác nhất.

Hồng Chuyên (thực hiện)/infonet