Trung Quốc sẽ cắm giàn khoan 981 trị giá 1 tỷ USD ở biển Đông

26/06/2012 20:47
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Sở hữu công nghệ giàn khoan mới, lợi dụng “tinh thần dân tộc”, rất có thể Trung Quốc sẽ cắm giàn khoan 981 ở khu vực giữa và nam biển Đông.
Giàn khoan 981 Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò ở biển Đông vào tháng 5/2012.
Giàn khoan 981 Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò ở biển Đông vào tháng 5/2012.

Ngày 20/6, hãng Reuters Anh có bài viết nhan đề “Trung Quốc dùng gian khoan 1 tỷ USD để khảo sát biển Đông”. Theo bài viết, Trung Quốc đã chi gần 1 tỷ USD để chế tạo ra chiếc giàn khoan nước sâu này, họ muốn đưa giàn khoan ra biển Đông để tiến hành thăm dò.

Đây cũng là một trong những khu vực điểm nóng bất ổn nhất của châu Á. Trong khi đó, Mỹ cũng đang tăng cường quan hệ với các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực này.

Giàn khoan “Dầu khí Hải dương 981” thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, hiện đang tiến hành thăm dò ở vùng biển phía nam Hồng Kông.

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh cuối cùng có thể sẽ đưa giàn khoan này di chuyển xuống phía nam, đến vùng biển có tài nguyên dầu khí phong phú hơn ở biển Đông, một khu vực còn tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia.

“Cùng với việc cải thiện công nghệ giàn khoan biển xa của Trung Quốc, giàn khoan Trung Quốc xâm nhập khu vực trung tâm và phía nam biển Đông chỉ là một vấn đề thời gian” – Lưu Phong, nhà nghiên cứu cấp cao, Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc nói.

Trong khi đó, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại từ chối bình luận về vấn đề này, mặc dù Công ty này từng gọi giàn khoan 981 là “lãnh thổ quốc gia di động” khi nó bắt đầu hoạt động thăm dò ở vùng biển cách Hồng Kông 320 km về phía nam vào tháng 5/2012.

Điều đáng lo ngại là, với ý đồ thúc đẩy phát triển và tìm kiếm dầu khí cho phát triển kinh tế trong nước, Trung Quốc có thể sẽ xâm nhập khu vực tranh chấp trên biển Đông, có thể gây ra xung đột tiềm tàng với các nước đòi hỏi chủ quyền khác.

Bài báo cho biết, Việt Nam đã từng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế khi tiến hành hoạt động thăm dò trên biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Hoạt động của các nước trên biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời không xâm phạm chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của nước khác”.

Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, hơn một nửa nhu cầu dầu mỏ của họ đã phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với việc sản lượng dầu mỏ ở biển gần từng bước suy giảm, trong một thời gian rất dài, Trung Quốc luôn muốn mở rộng hoạt động khoan thăm dò nước sâu ở biển Đông.

Hiện nay, hoạt động khoan thăm dò biển xa của CNOOC và 2 trùm dầu mỏ quốc doanh khác của Trung Quốc là CNPC, Sinopec phần lớn đều ở các vùng biển nằm ở dọc tuyến hoặc lân cận thềm lục địa Trung Quốc. Nhưng việc triển khai giàn khoan 981 cùng với một số tuyên bố chế tạo thiết bị khoan thăm dò đồng bộ đã phần nào cho thấy, hoạt động khoan thăm dò của Trung Quốc có thể sẽ được đẩy xuống phía nam.

Bài báo cho rằng: “Bất cứ quyết định nào đi vào khu vực tranh chấp để khai thác dầu khí đều sẽ do các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh đưa ra, chứ không phải là CNOOC”. Một số nhà quan sát trong ngành cho rằng, trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở khu vực này vẫn rất cao, bất cứ hoạt động khoan thăm dò nào đều không có nhiều khả năng xuất hiện ở khu vực tranh chấp.

Giàn khoan 981 rất có thể được Trung Quốc đưa ra khu vực trung tâm và phía nam biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước khác.
Giàn khoan 981 rất có thể được Trung Quốc đưa ra khu vực trung tâm và phía nam biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước khác.

Nhưng mặc dù như vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng, CNOOC, một công ty luôn cố gắng có tăng trưởng về sản lượng, có thể sẽ muốn tận dụng cơ hội “tinh thần dân tộc lên cao” cố gắng tranh thủ Chính phủ Trung Quốc ủng hộ kế hoạch thăm dò dầu khí biển sâu của họ.

“Các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc hầu như đều rất hưng phấn với giàn khoan và công nghệ này” – Trợ lý giáo sư, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore, chuyên gia vấn đề Trung Quốc, Li Minjiang nói. “Thông qua con bài chủ nghĩa dân tộc, nó có thể giúp CNOOC giành được sự ủng hộ chính sách nhiều hơn và đầu tư nhiều hơn từ nhà nước”.

Bài báo cho rằng, một rủi ro lớn mà CNOOC phải đối mặt là, không có ai biết rõ tình hình phân bố dự trữ hydrocarbon ở toàn bộ đáy biển Đông rốt cuộc như thế nào.

Những năm gần đây, những phát hiện ở khu vực bờ biển các nước Đông Nam Á đều là khí đốt, điều này cũng làm cho các nhà địa chất học và khoan thăm dò tin hơn rằng, số lượng khí đốt ở biển Đông có thể nhiều hơn dầu mỏ.

“Ngoài rủi ro địa-chính trị, vấn đề lớn hơn là giàn khoan 981 có thể phát hiện ra cái gì, đó là dầu mỏ hay khí đốt?” – Powell, một nhà phân tích chứng khoán Lyon nói. “Nếu họ phát hiện ra khí đốt ở vùng nước sâu 1 hoặc 2 km, thì rất có thể sẽ bị mắc kẹt vào khí đốt. Nói cách khác, điều này là không kinh tế”.

Trung Quốc mời thầu tại thềm lục địa của Việt Nam là việc làm phi pháp

Liên quan đến sự việc ngày 23/6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 26/06/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp."
Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). (theo Vietnamplus/BNG)

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)