Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để tấn công phía đông Đài Loan?

10/01/2013 09:53
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Bài viết nhận định như vậy khi bàn về chương trình chế tạo tàu sân bay của các nước lớn, trong đó có Trung Quốc, Nga, Mỹ...
Tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ.

Trang mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga vừa có bài viết dẫn lời Khramchikhin, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phân tích chính trị và quân sự Nga phân tích về tiềm năng lực lượng hàng không hải quân của các nước lớn trên thế giới và chương trình chế tạo tàu sân bay.

Bài viết cho rằng, ngay từ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã chứng minh tàu chiến quan trọng nhất là tàu sân bay, chứ không phải là tàu chiến đấu. Nhưng, bản thân tàu sân bay không có bất cứ giá trị tác chiến nào, trái lại trở thành một mục tiêu di động khổng lồ, giá trị của nó là ở lực lượng hàng không mang theo.

Mỹ chiếm vị thế dẫn trước trong lĩnh vực tàu sân bay là điều không có gì phải nghi ngờ, trong tương lai Trung Quốc ít nhiều cũng có thể tạo ra thách thức cho họ. Tuy phạm vi sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh tương đối rộng rãi, thậm chí có thể tham gia chiến đấu thực tế, nhưng nó sẽ không trở thành hàng mẫu cho tàu sân bay mới của Trung Quốc.

Khramchikhin chỉ ra, sau khi chứng minh tàu chiến quan trọng nhất là tàu sân bay, Mỹ luôn đứng vững ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Hiện nay, trong hàng ngũ chiến đấu của Hải quân Mỹ đã không còn bóng dáng của tàu sân bay động cơ thông thường, toàn bộ 7 tàu sân bay động cơ diesel hiện đã nghỉ hưu, cũng giống như tàu sân bay động cơ hạt nhân đầu tiên USS Enterprise, chuyển sang làm lực lượng dự bị.

Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ

Chiếc đầu tiên trong 10 tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz hiện có cũng có thể sẽ chuyển sang lực lượng dự bị vào năm 2018. Tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động.

Rõ ràng, bản thân tàu sân bay không chỉ không có bất cứ giá trị tác chiến nào, hơn nữa còn là mục tiêu di động khổng lồ, cần có sự hộ vệ của tất cả các loại tàu chiến khác. Giá trị của tàu sân bay là nó mang theo lực lượng hàng không.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, 4 loại máy bay chiến đấu hải quân trong biên chế lực lượng chiến đấu hàng không Hải quân Mỹ cũng nghỉ hưu, lần lượt là máy bay chiến đấu F-14, máy bay cường kích A-6 và A-7, máy bay săn ngầm S-3, thậm chí S-3 sau này đã không có sản phẩm nào thay thế (trừ trực thăng). Về hình thức, F-14, A-6 và A-7 đã được máy bay tiêm kích, cường kích F/A-18 thay thế.

Vào thập niên 70, loại máy bay này từng bị F-16 đánh bại trong cạnh tranh, chưa được trang bị cho Không quân Mỹ.

Nhưng, trong tương lai, nó hoàn toàn có thể chiến thắng đối thủ cũ, trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có thời gian hoạt động lâu nhất của quân Mỹ, hơn nữa phiên bản cải tiến F/A-18E/F còn tiếp tục sản xuất, hoàn toàn có thể giúp lực lượng hàng không của Hải quân Mỹ tránh bị chi phối bởi các vấn đề của F-35. Điều đặc biệt quan trọng là, giá cả F/A-18E/F ít ra cũng rẻ hơn một nửa so với F-35.

Biên đội máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.
Biên đội máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trong mấy năm tới, số lượng máy bay F/A-18E/F sẽ tăng đến 515 chiếc, số lượng máy bay tác chiến điện tử EA-18G sẽ tăng tới 114 chiếc. Ngoài ra, còn có hơn 500 máy bay F/A-18A/B/C/D phiên bản trước đây. Đồng thời, việc nghiên cứu chế tạo máy bay tác chiến không người lái hải quân X-47B của quân Mỹ có tiến triển tương đối thuận lợi, có bán kính tác chiến 2.000 km, tải trọng chiến đấu 2 tấn.

Chuyên gia Nga cho rằng, trong tương lai, số lượng tàu sân bay có sức chiến đấu của quân Mỹ có thể sẽ từ 11 chiếc giảm xuống còn 9-10 chiếc, tuy sẽ không ảnh hưởng tới khả năng phát động chiến tranh có giới hạn của Mỹ, nhưng sẽ tiếp tục làm giảm khả năng Mỹ tham gia các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.

Nếu không thể sản xuất thành công F-35B, không thể thay thế máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier (chưa đến 150 chiếc, được coi là nền tảng của lực lượng hàng không Hải quân Mỹ), thì sẽ xuất hiện một số vấn đề.

Nhưng đây không phải là điều cốt tử, bởi vì loại máy bay này chưa từng đóng vai trò mang tính quyết định, kể cả trong các hành động của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Hơn nữa, việc mua linh kiện của Anh cho 72 máy bay Harrier của quân Mỹ còn có thể kéo dài rất lớn tuổi thọ của chúng.

Mỹ sẽ trang bị máy bay chiến đấu không người lái X-47B cho tàu sân bay.
Mỹ sẽ trang bị máy bay chiến đấu không người lái X-47B cho tàu sân bay.

Các nước khác cơ bản không có khả năng chống lại Mỹ, nước sở hữu 10-11 tàu sân bay động cơ hạt nhân, nhưng gần đây Trung Quốc đang tận dụng thời cơ Mỹ gặp khó khăn về kinh tế để hành động, ít ra là họ đã biên chế chính thức tàu sân bay Liêu Ninh và nó hiện diện ở vùng biển Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Liêu Ninh vốn là tàu Varyag do Liên Xô cũ chế tạo, được thiết kế theo tư tưởng đặc biệt. Nó thiếu máy phóng nên khả năng tác chiến giảm mạnh, vì vậy tàu sân bay Liêu Ninh không thể trở thành hàng mẫu để Trung Quốc tiếp tục chế tạo tàu sân bay mới.

Do khả năng tự thân có hạn, khi nó đối đầu với quân đội Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí Mỹ, có thể chỉ được dùng để hiệp đồng với lực lượng hàng không trên bờ, thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở vùng biển cách xa lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nó không có khả năng đơn độc đối đầu với không quân và hải quân các nước nêu trên, nhưng nó hoàn toàn có thể phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khẳng định sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc.

Khramchikhin cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh có thể dùng để ứng phó với vấn đề eo biển Đài Loan. Nếu Trung Quốc quyết định “thu hồi” Đài Loan, tàu sân bay này sẽ hành động ở vùng biển phía đông và phía nam Đài Loan, bảo đảm cho Quân đội Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu chiến mặt nước và tàu ngầm phong tỏa từ xa.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Lực lượng chiến đấu phong tỏa tầm xa được trang bị tàu sân bay sẽ thực sự tăng độ khó cho các hành động đối kháng của không quân và hải quân Đài Loan, giúp cho Quân đội Trung Quốc phong tỏa chặt chẽ hơn đối với Đài Loan. Mặc dù khả năng tấn công Đài Loan của tàu sân bay Liêu Ninh có hạn, nhưng phương án này cũng khả thi.

Điều có khả năng nhất là, trong chiến dịch đầu tiên tác chiến đổ bộ ở eo biển Đài Loan, sử dụng cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành tấn công Đài Loan từ phía đông, thu hút hỏa lực của không quân và hải quân Đài Loan, giảm mật độ tấn công của họ đối với lực lượng đổ bộ của Quân đội Trung Quốc.


Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)