Trung Quốc sẽ thảm bại nếu lấy J-31 cạnh tranh với F-35 của Mỹ

12/09/2013 10:58
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo tự ca ngợi máy bay TQ, coi vũ khí công nghệ cao đại diện là máy bay chiến đấu tàng hình đang trở thành công cụ để Mỹ-Trung "đánh cờ" chiến lược.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc bay thử vào sáng ngày 18 tháng 8 năm 2013
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc bay thử vào sáng ngày 18 tháng 8 năm 2013

Tờ "Nhật báo Hồ Bắc" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, sáng ngày 18 tháng 8, có dân mạng đã nhìn thấy máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai J-31 Cốt Ưng do Trung Quốc tự sản xuất tiếp tục bay thử.

Từ đầu tháng 8 đến nay, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư J-31 Cốt Ưng do Trung Quốc tự chế tạo đã tiến hành bay thử ba lần trở lên, tần suất bay thử gia tăng.

Có phân tích cho rằng, thị phần máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Mỹ đã có sự trượt dốc, tính năng tốt của J-31 sẽ làm cho nó trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường máy bay thế hệ thứ tư.

J-31 có thể sánh ngang F-35?

Tuy cùng là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư, thiết kế bố cục khí động học tổng thể của J-31 lại hoàn toàn không tương đồng với máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Bài báo cho rằng, có nhiều người thích so sánh mối quan hệ giữa J-20 và J-31 của Trung Quốc với quan hệ giữa máy bay F-22 và F-35 của Không quân Mỹ.

J-31 giống với F-35 áp dụng thiết kế cửa nạp DSI (diverterless supersonic inlet), điểm khác là F-35 sử dụng 1 động cơ, còn J-31 được thiết kế dùng 2 động cơ. Ngoài ra, hiện nay J-31 tạm thời chưa có chức năng cất/hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn như F-35.

J-31 bay thử
J-31 bay thử

Trước đây có tin cho biết, J-31 sử dụng 2 động cơ RD-93 do Nga chế tạo, tin này đã được Công ty cổ phần máy bay MiG Nga xác nhận. Sử dụng loại động cơ này còn có máy bay chiến đấu hạng nhẹ Kiêu Long do Trung Quốc và Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Lấy tiêu chuẩn máy bay thế hệ thứ tư để phán đoán, động cơ RD-93 rõ ràng đã khá lỗi thời, nhưng trong quá trình máy bay mẫu bay thử, sử dụng một động cơ có tính năng ổn định, công nghệ hoàn thiện là cách làm an toàn nhất.

Bài báo cho rằng, sau khi J-31 định hình, tương lai có khả năng sử dụng động cơ WS-13 do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, động cơ này được nâng cấp rõ rệt so với RD-93.

Về công nghệ tàng hình, chuyên gia bay thử Không quân Trung Quốc Từ Dũng Lăng cho rằng, thiết kế khí động học tàng hình, thiết kế động cơ tàng hình, thiết kế lớp sơn tàng hình của J-31 đều đã đạt trình độ tiên tiến quốc tế. Theo Từ Dũng Lăng, J-31 còn có năng lực tải đạn dược tương đối.

Có phân tích cho rằng, do J-31 áp dụng thiết kế 2 động cơ, phân bố cửa nạp ở hai bên thân máy bay. Vì vậy, dung lượng bên trong khoang đạn phải rộng hơn một chút so với F-35 sử dụng một động cơ.

Ngoài ra, Từ Dũng Lăng cho rằng, Trung Quốc còn có tính toán riêng trong nghiên cứu chế tạo, vừa quan tâm đến nhu cầu tàng hình, vừa cân nhắc đến việc mang theo các loại vũ khí không đối đất và không đối không. Điều này có nghĩa là, về lượng tải đạn, J-31 sẽ chiếm "ưu thế" so với F-35.

J-31 bay thử
J-31 bay thử

J-31 có thể không gia nhập Không quân

Ngày 31 tháng 10 năm 2012, máy bay chiến đấu J-31 Cốt Ưng bay thử lần đầu tiên thành công, Công ty TNHH Tập đoàn máy bay Thẩm Dương cuối cùng đã không còn được gắn cái mác là chuyên sao chép máy bay chiến đấu Sukhoi Nga để tồn tại. Còn máy bay chiến đấu J-15 đã hoàn thành cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, tiếp tục gây sự chú ý cho dư luận về Công ty Thẩm Dương.

Dư luận Trung Quốc rất trông đợi máy bay chiến đấu Cốt Ưng đi vào hoạt động, nhưng điều gây thất vọng là, có lẽ máy bay chiến đấu Cốt Ứng vĩnh viễn sẽ không được biên chế cho Không quân Trung Quốc, bởi vì máy bay chiến đấu J-31 Cốt Ưng hoàn toàn không phải là chương trình quốc gia.

Nói cách khác, đây là chương trình doanh nghiệp của Công ty máy bay Thẩm Dương và Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc, tương tự với máy bay chiến đấu Kiêu Long (JF-17 Thunder) dùng để xuất khẩu. Nhà nước không lập dự án và đầu tư, vì vậy cũng không nhất thiết phải mua, tất cả rủi ro thị trường sẽ do Công ty máy bay Thẩm Dương và Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc gánh chịu.

Căn cứ vào tác phẩm của cá nhân Viện sĩ Lý Thiên của Viện 601 (Viện nghiên cứu máy bay Thẩm Dương), lai lịch của máy bay chiến đấu Cốt Ưng được giải thích là rất rõ ràng. "Cuối tháng 10 năm 2007, Tổng bộ Trang bị PLA chính thức ra tuyên bố phương án của Viện 611 (Viện nghiên cứu máy bay Thành Đô) giành chiến thắng, và lấy Viện 611 làm chính, Viện 601 tham gia, cùng thành lập đội ngũ cấp nhà nước tiến hành hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới (J-20)".

Máy bay chiến đấu J-31 bay thử
Máy bay chiến đấu J-31 bay thử

Viện sĩ Lý Thiên cho rằng, khi đó, lãnh đạo Viện này cân nhắc không thể vì vậy mà dừng công tác nghiên cứu đối với máy bay mới. Cho nên quyết định tự bỏ vốn phát triển một chương trình mới (máy bay chiến đấu J-31 Cốt Ưng).

Trên thực tế, doanh nghiệp tự bỏ vốn nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu đang trở thành một hiện tượng thường thấy của công nghiệp hàng không Trung Quốc, ngoài Cốt Ưng và Kiêu Long, máy bay huấn luyện cao cấp L-15 cũng do doanh nghiệp tự bỏ vốn nghiên cứu chế tạo. Những điều này cho thấy, các doanh nghiệp hàng không Trung Quốc đã có vốn và thực lực nghiên cứu phát triển tương đối.

Có khả năng tìm cách xuất khẩu

Tờ "Nhật báo Tinh Đảo" Hồng Kông cho rằng: "Hiện nay, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia cơ bản đã mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, nhưng máy bay chiến đấu F-35 đã liên tiếp xuất hiện sự cố và vấn đề công nghệ khi bay thử đã làm cho những nước mua sắm này lo ngại, không hài lòng". Trong khi đó, đơn giá của F-35 từ sau năm 2001 đã tăng mạnh lên 75%, điều này cũng làm cho các nước phát triển chương trình này mất đi nhiệt tình ban đầu.

Máy bay chiến đấu tàng hình, với tính chất là máy bay có ý nghĩa cột mốc trong lịch sử hàng không quân sự thế giới, không chỉ sẽ tác động to lớn tới hình thức đối với chiến tranh, đồng thời cũng sẽ gây ảnh hưởng to lớn đối với quan hệ quốc tế và tình hình địa-chiến lược của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

"Máy bay chiến đấu J-31 có thể trang bị cho Hải quân Trung Quốc và xuất khẩu"
"Máy bay chiến đấu J-31 có thể trang bị cho Hải quân Trung Quốc và xuất khẩu"

Máy bay chiến đấu tàng hình đã vượt qua cấp độ của một loại vũ khí trang bị, đằng sau bóng dáng của nó ẩn chứa hoạt động "chơi cờ" và tính toán chiến lược của các nước.

Có thể nói, vũ khí công nghệ cao lấy máy bay chiến đấu tàng hình làm đại diện đang trở thành một đại lượng biến đổi mới của hoạt động "đánh cờ" chiến lược giữa Trung-Mỹ.

Một số truyền thông quân sự từng tổng kết hành động quân sự của Mỹ như này: "Không có không quân, người Mỹ sẽ không đánh trận". Tuy nhiên, sự phát triển của máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc trong tương lai sẽ làm "suy yếu nghiêm trọng" năng lực tiến hành tấn công tầm xa và chi viện trên không của quân Mỹ.

Không có quyền kiểm soát trên không, ưu thế tác chiến "đánh khắp thiên hạ không có đối thủ" của quân Mỹ sẽ không còn nữa. Một khi quân Mỹ không thể ung dung giành thắng lợi trong chiến tranh hoặc xung đột, lợi ích chiến lược của họ sẽ bị thách thức nghiêm trọng, chiến lược địa-chính trị của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ xuất hiện cục diện bị động.

Chuyên gia trong ngành dự kiến, trong tương lai J-31 chắc chắn phải tìm cách hướng ra thị trường quốc tế, tác động tới sự nổi trội của F-35. Có thể nói, máy bay thế hệ thứ tư của Trung Quốc đã trở thành một sự lựa chọn mới cho những nước vẫn chưa quyết định mua máy bay F-35, còn đối với những quốc gia bị Mỹ gạt ra khỏi danh sách xuất khẩu vũ khí, máy bay thế hệ thứ tư của Trung Quốc rõ ràng sẽ thu hút.

Phần đầu của máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc
Phần đầu của máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc

Tóm lại, máy bay J-31 lấy xuất khẩu làm chính khiến cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ càng lo ngại. Trang mạng "Nhật báo Phố Wall" Mỹ từng cho rằng: "Trong 10 năm tới, khả năng J-20 và J-31 trở thành máy bay chiến đấu tấn công chủ yếu của Trung Quốc chắc chắn tác động đến kế hoạch quốc phòng của các bên trong khu vực này và thị trường xuất khẩu máy bay chiến thuật".

J-31 có khả năng trang bị cho tàu sân bay

Đầu năm nay, kiến trúc sư trưởng máy bay J-31 Tôn Thông từng tiết lộ, hy vọng phiên bản cải tiến của J-31 có thể trở thành máy bay hải quân thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.

Có phân tích cho rằng, J-31 hoàn toàn có khả năng trở thành máy bay hải quân, trong đó một luận cứ rất quan trọng chính là thiết kế bánh đáp trước của J-31 đã áp dụng 2 bánh (máy bay nặng gấp đôi J-20 chỉ có một bánh đáp), giúp cho J-31 có thể chịu được lực tác động lớn hơn khi cất/hạ cánh trên tàu sân bay.

Ngoài ra, có tin cho biết, Trung Quốc bắt đầu khởi công chế tạo tàu sân bay, trong tương lai sẽ trang bị loại máy bay nào trở thành mối quan tâm mới của dư luận. Hiện nay, máy bay chiến đấu J-15 Phi Sa đã bay thử liên tiếp trên tàu sân bay Liêu Ninh, vốn là sản phẩm sao chép của máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba Su-33 Liên Xô.

Trình độ tính năng của J-15 khó mà đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Quân đội Trung Quốc trong tương lai, xu thế nghiên cứu phát triển máy bay hải quân thế hệ thứ hai chắc chắn sẽ xuất hiện.

Ở góc độ này, nếu máy bay J-31 được triển khai cho tàu sân bay, có thể tạo thành đội ngũ chiến đấu phối hợp "hạng nặng-hạng nhẹ" với máy bay J-15. Nếu đụng độ với máy bay F-18 và F-35 của Mỹ trong tương lai, cũng sẽ "không ở thế yếu".

So sánh máy bay chiến đấu J-31 của Trung Quốc (dưới) và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ (trên).
So sánh máy bay chiến đấu J-31 của Trung Quốc (dưới) và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ (trên).
Đông Bình