Trung Quốc sẽ tiếp tục điều tàu chiến mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương

02/02/2015 09:58
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc tìm cách mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương để triệt tiêu những ràng buộc chính trị và quân sự ở khu vực Thái Bình Dương do yêu sách lãnh thổ gây ra.
Tháng 1 năm 2015, biên đội hộ tống tốp thứ 18 thăm châu Âu
Tháng 1 năm 2015, biên đội hộ tống tốp thứ 18 thăm châu Âu

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 1 tháng 2 đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 29 tháng 1, một sĩ quan cao cấp cho biết, trong tương lai Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai một loạt tàu chiến ở Ấn Độ Dương.

Bài báo dẫn tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 30 tháng 1 cho rằng, bối cảnh ông Dương Vũ Quân - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra phát biểu trên là, từ khi Trung Quốc lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển Somalia vào năm 2008 đến nay, Hải quân Trung Quốc không ngừng mở rộng triển khai tại khu vực này. Bắt đầu từ năm 2008, Hải quân Trung Quốc từng bước mở rộng chủng loại và tần suất triển khai tàu chiến ở Ấn Độ Dương, hiện nay đã có tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ tại khu vực này.

Dương Vũ Quân nói với phóng viên: "Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc sẽ căn cứ vào sự thay đổi của tình hình hộ tống và nhu cầu nhiệm vụ, điều các loại tàu chiến đến vùng biển liên quan thực hiện nhiệm vụ hộ tống".

Dương Vũ Quân đã đưa ra phản ứng đối với câu hỏi liên quan đến tàu ngầm Hải quân Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương, cho biết, kế hoạch triển khai của Trung Quốc "đều thuộc hoạt động bình thường, không cần thiết giải thích quá mức".

Biên đội hộ tống tốp thứ 16 Trung Quốc tập trận chống cướp biển với biên đội 465 của EU
Biên đội hộ tống tốp thứ 16 Trung Quốc tập trận chống cướp biển với biên đội 465 của EU

Dương Vũ Quân nói: "Bắt đầu từ năm 2008, Trung Quốc điều nhiều loại tàu chiến hải quân đến vịnh Aden, vùng biển Somalia để hộ tống cho tàu thuyền qua lại. Trong quá trình này, chúng tôi đã thông báo tình hình liên quan trong đó có hoạt động tàu ngầm cho các nước liên quan".

Trước thập niên 90 của thế kỷ 20, Hải quân Trung Quốc không có thực lực biển xa rõ rệt. Năm 2008, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc chạy xuyên qua eo biển Malacca, tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden, vùng biển Somalia. Các nhà quan sát cho rằng, việc triển khai lần này là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai hải quân ở ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đến nay, Hải quân Trung Quốc đã điều 19 biên đội hộ tống đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ. Những năm gần đây, hạm đội đặc phái luân phiên này đã tiến hành thăm hữu nghị đối với các quốc gia Ấn Độ Dương như Kenya, Sri Lanka và Tanzania. Tháng 9 năm 2014, một chiếc tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nghe nói là lớp Tống) đã tiến hành thăm thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Ngoài tìm cách bảo vệ tuyến đường giao thông cực kỳ quan trọng ở Ấn Độ Dương (Trung Quốc lợi dụng những tuyến đường giao thông này để nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng hóa), Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương, điều này có thể là để triệt tiêu những ràng buộc chính trị và quân sự mà họ đối mặt ở khu vực Thái Bình Dương, bởi vì khu vực Thái Bình Dương ngày càng được Mỹ coi trọng, hơn nữa giữa Trung Quốc với các nước như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam tồn tại tranh chấp lãnh thổ.

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành thuộc biên đội hộ tống tốp thứ 18 - con tàu từng xông vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để đe dọa vũ lực đối với Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành thuộc biên đội hộ tống tốp thứ 18 - con tàu từng xông vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để đe dọa vũ lực đối với Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014
Đông Bình