Trung Quốc tức giận chống chế dư luận, quay sang chỉ trích vô lý Việt Nam

30/04/2015 06:52
Đông Bình
(GDVN) - Một loạt các tuyên bố của cộng đồng quốc tế về hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã làm Trung Quốc giãy nảy, ra sức chống chế, lộ rõ lòng tham lố bịch.
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Hãng tin Reuters ngày 29 tháng 4 cho rằng, vài tuần qua, Trung Quốc đã bị nhiều bên lên án vì hoạt động lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Trước những tuyên bố “vỗ mặt” Trung Quốc từ các bên, Trung Quốc tỏ ra rất tức giận và đã liên tiếp cho phát ngôn viên ngoại giao của họ đứng ra để chống chế - PV.

Báo GDVN trích đăng đầy đủ những phát ngôn “đặc sắc Trung Quốc” này để độc giả thấy rõ “bộ mặt thật” – tham vọng bành trướng lãnh thổ không có gì thay đổi của Trung Quốc ở Biển Đông - PV.

Tại cuộc họp báo thường lệ vào thứ Tư (ngày 29 tháng 4), Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi quay sang chỉ trích vô lý: "Từ lâu, các nước ASEAN cá biệt như Philippines, Việt Nam xây dựng rầm rộ ở đảo đá Trường Sa xâm chiếm phi pháp của Trung Quốc, tiến hành lấn biển xây đảo quy mô lớn, thi công các công trình cố định như sân bay, thậm chí bố trí các vũ khí mang tính tấn công như tên lửa".

Trên thực tế, chính Trung Quốc là kẻ đi xâm lược Biển Đông và mọi hành động của Trung Quốc liên quan đến hoạt động xâm lược này đều là phi pháp, đi ngược lại 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do chính Trung Quốc đề xướng ở Liên hợp quốc, xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV.

Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng Quan sát, TQ)
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng Quan sát, TQ)

Hồng Lỗi cho rằng, Philippines thi công sân bay và tiến hành mở rộng ở đảo Thị Tứ - Trường Sa, còn xây dựng cơ sở du lịch ở các đảo đá như đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn và đảo Bình Nguyên.

Hồng Lỗi cho rằng, Việt Nam tiến hành bồi đắp quy mô lớn trên hơn 20 đảo đá ở quần đảo Trường Sa và đã xây dựng đồng bộ rất nhiều công trình cố định như bến cảng, đường băng, trận địa tên lửa, nhà ở, doanh trại, nhà khách, hải đăng; Việt Nam cũng xây dựng nhiều công trình như "nhà sàn" và bãi đáp trực thăng ở bãi Tư Chính, bãi Đất.

Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc bày tỏ đặc biệt quan ngại và kiên quyết phản đối các hoạt động phi pháp nói trên, yêu cầu các nước liên quan lập tức chấm dứt tất cả những lời nói và hành động xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc".

Trung Quốc cần chấm dứt những phát ngôn tùy tiện đổi trắng thay đen kiểu này, chấm dứt nói ra nói vào về hoạt động xây dựng hợp pháp của Việt Nam. Việt Nam triển khai các hoạt động ở các đảo đá thuộc chủ quyền của Việt Nam dựa trên sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế - PV.

ASEAN mạnh mẽ lên án các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
ASEAN mạnh mẽ lên án các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoài ra, trước dư luận quan tâm đến ảnh hưởng môi trường biển nảy sinh do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 28 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn ngang nhiên cho rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Trung Quốc tiến hành xây dựng ở đảo đá của mình, quan tâm và coi trọng bảo vệ sinh thái đảo đá hơn bất cứ ai”.

Thực ra, sách sử và bản đồ chính thống của các triều đại Trung Quốc tuyên bố rằng, con cháu Trung Hoa chỉ được hưởng cực nam là đảo Hải Nam, không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hai quần đảo này được sách sử và bản đồ chính thống các triều đại phong kiến Việt Nam trịnh trọng tuyên bố rằng, chúng thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam – Đây cũng chính là cơ sở pháp lý cho thực thi chủ quyền của Việt Nam – PV.

Ngày 28 tháng 4, tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định, “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật” được áp dụng cho tất cả phạm vi quản lý của Nhật Bản, trong đó có đảo Senkaku. Hai bên còn bày tỏ quan ngại đối với hoạt động xây dựng đảo đá (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ Obama lên án Trung Quốc thông qua "phô trương vũ lực" với các nước láng giềng châu Á để thúc đẩy yêu sách chủ quyền lãnh thổ.

Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh do báo chí Trung Quốc đăng tải)
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh do báo chí Trung Quốc đăng tải)

Đối với vấn đề này, ngày 29 tháng 4, Hồng Lỗi cho rằng: “Đảo Điếu Ngư (đảo Senkaku) từ cổ đã là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Bất cứ ai nói gì, làm gì đều không thể thay đổi được sự thực này. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Chúng tôi thúc giục Mỹ giữ thái độ có trách nhiệm, tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chấm dứt phát đi những tín hiệu sai lầm, phát huy vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định khu vực”.

“Mỹ và Nhật Bản không phải là bên đương sự của vấn đề Biển Đông, cần có thái độ khách quan, công bằng, chấm dứt bất cứ lời nói và hành động nào có thể dẫn đến làm phức tạp thêm tranh chấp và làm tổn hại hòa bình, ổn định khu vực”.

“Trung Quốc tiến hành xây dựng cần thiết ở đảo đá Trường Sa là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hoàn toàn hợp pháp, chính đáng”.

Nếu Trung Quốc tiếp tục tham vọng bành trướng lãnh thổ theo yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò”, tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế thì Trung Quốc không thể ngăn chặn sự can thiệp của các nước ngoài khu vực, vì đó là lợi ích quốc gia thiết thân của họ - PV.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vừa ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc xây dựng "cơ sở quân sự" ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vừa ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc xây dựng "cơ sở quân sự" ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trước đó, Hội nghị cấp cao ASEAN ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với vấn đề này, ngày 27 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Biển Đông hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hợp tình, hợp lý, chính đáng, không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào. Sự chỉ trích của một số nước là hoàn toàn vô lý”.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối các quốc gia cá biệt vì lợi ích riêng, tiến hành chỉ trích ‘ném đá giấu tay’ đối với Trung Quốc, đồng thời, bắt cóc quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN”.

“Trung Quốc là lực lượng kiên định bảo vệ hòa bình khu vực, chúng tôi nỗ lực thông qua ‘quan điểm song đôi’ để xử lý và giải quyết vấn đề Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan cùng đi với Trung Quốc, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông”.

Trung Quốc đòi và đã liên tiếp cướp các đảo đá và vùng biển ở Biển Đông theo yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” phi pháp và lố bịch thì đó chính là hành động phá hoại nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực – chẳng ai thèm đi theo những hành động vũ lực bất hợp pháp kiểu này - PV.

Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tiếp xâm chiếm biển đảo của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…; còn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippiens vào năm 2012, định cướp vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014 và vẫn có ý định cướp nốt các đảo đá ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” – PV.

Gần đây, Philippines đã mạnh mẽ tuyên bố, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc chính là bọn “cướp có vũ trang” đối với tàu cá Philippines.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được Philippines định vị là bọn "cướp có vũ trang". Trong hình, tàu cảnh sát biển số hiệu 31101 đã tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được Philippines định vị là bọn "cướp có vũ trang". Trong hình, tàu cảnh sát biển số hiệu 31101 đã tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014

Toàn bộ những phát ngôn xuyên tạc, ngang nhiên, vô lý, lố bịch, nực cười của Chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông nói trên là không thể chấp nhận được, đã xâm phạm trực tiếp và nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo và quyền lợi biển, an ninh quốc gia của Việt Nam - PV.

Đối với vấn đề này, báo GDVN đã có rất nhiều bài viết phân tích, chỉ rõ những phát ngôn và hành vi mang tính lừa đảo, xâm lược của Trung Quốc khi theo đuổi tham vọng “đường lưỡi bò” phi pháp. Đề nghị độc giả đọc thêm – PV.

Đông Bình