Trung ương Đoàn Thanh niên lên tiếng sau vụ nghịch tử giết cha mẹ

27/06/2012 06:42
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Theo tôi, tình trạng thanh niên phạm tội là hệ quả của sự tác động tổng hợp từ gia đình, nhà trường, xã hội và sự tự rèn luyện của các bạn trẻ…".
LTS: Thời gian vừa qua, chúng ta liên tiếp phải chứng kiến những vụ trọng án trong đó người phạm tội là những thanh niên còn rất trẻ. Những hành vi phạm pháp của họ rất nghiêm trọng, thể hiện sự manh động.

Phần lớn trong số đó là những thanh niên bỏ học sớm, không được sự quan tâm đầy đủ của gia đình… Trước thực trạng đó, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn anh Phan Văn Mãi – Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Anh Phan Văn Mãi - Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (Ảnh: baotintuc.vn)
Anh Phan Văn Mãi - Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (Ảnh: baotintuc.vn)

PV: Trước hiện tượng tội phạm đang trẻ hóa như hiện nay, là Bí thư Thường trực của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh đánh giá hiện tượng này như thế nào?
Đ/c Phan Văn Mãi: Tôi cho rằng đây là vấn đề xã hội lớn, đang có diễn biến phức tạp và có biểu hiện gia tăng. Nó là hệ quả của sự tác động tổng hợp từ gia đình, nhà trường, xã hội và sự tự rèn luyện của các bạn trẻ. Nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh không dành sự quan tâm dạy dỗ con cái đúng mức và đúng cách.

Trong khi đó, không gian, thời gian và quyết tâm, nỗ lực giáo dục trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục hình thành nhân cách cho các bạn trẻ; môi trường xã hội cũng đang chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi (như tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực...) tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách và phát triển của thanh thiếu niên.
Ở đây, chúng tôi ý thức rất rõ nhiệm vụ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, giúp các bạn trẻ tự rèn luyện để trở thành những người tốt, những công dân có ích. Tuy công tác giáo dục của Đoàn còn một số hạn chế nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ này.
PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu những sân chơi lành mạnh cho giới trẻ khiến họ phải tìm đến những sân chơi ảo trên mạng – nơi thanh niên rất dễ tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi những thông tin bạo lực, phản văn hóa. 
Đ/c Phan Văn Mãi: Đó là một thực tế, một thực tế đáng buồn! Nhưng theo tôi, chúng ta không chỉ đang thiếu sân chơi, mà thực tế chúng ta đang rất cần một môi trường xã hội lành mạnh cho các bạn trẻ rèn luyện và phát triển. Khi thiếu một “sân chơi thực”, bạn trẻ tìm đến những “sân chơi ảo” trên mạng là điều có thể hiểu được.

Ở những sân chơi ảo trên mạng, thanh niên rất dễ tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi những thông tin bạo lực, phản văn hóa
Ở những sân chơi ảo trên mạng, thanh niên rất dễ tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi những thông tin bạo lực, phản văn hóa

Vấn đề ở đây là tạo ra những sản phẩm tốt, sân chơi hữu ích trên mạng và việc quản lý mạng như thế nào. Tôi thấy, các ngành chức năng phải có trách nhiệm trong việc tạo ra sản phẩm tốt và quản lý mạng, cũng như vai trò của tổ chức Đoàn trong việc định hướng để các bạn trẻ tiếp cận, lựa chọn những “sân chơi” tích cực.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và xã hội cần quan tâm, đầu tư nhanh hơn, nhiều hơn các “sân chơi thực” cho các bạn trẻ. Tổ chức Đoàn sẽ tích cực tham mưu nội dung này.
PV: Có khá nhiều thanh niên còn trong độ tuổi đi học (dưới 18 tuổi) nhưng đã bỏ học sớm (vì nhiều lý do như hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ năng lực…). Phía Đoàn Thanh niên đã và sẽ có những biện pháp gì để giúp những thanh niên này tiếp tục nâng cao nhận thức cuộc sống và tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”?
Đ/c Phan Văn Mãi: Đoàn đã có nhiều chương trình, hoạt động đồng hành với các bạn trẻ trong học tập như: tiếp sức đến trường, tiếp sức mùa thi, các chương trình học bổng… đã góp phần giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục sự học (trong 4 năm, từ 2008-2012, đã cấp 719 tỷ đồng). Ngoài ra, Đoàn cũng đã tham mưu ban hành chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên; kết quả đến nay có 2,1 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền khoảng 30.036 tỷ đồng.
Đối với các bạn buộc phải nghỉ học, tổ chức Đoàn cố gắng hỗ trợ thông qua chương trình Hỗ trợ học nghề, Giải quyết việc làm, các hoạt động Chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình, Khởi sự doanh nghiệp – lập nghiệp... Ngoài ra, các tổ chức như câu lạc bộ - đội - nhóm và các hoạt động tại cơ sở cũng là điều kiện tốt để các bạn trẻ tham gia, rèn luyện và phát triển. Mặc dù Đoàn đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên rất cần sự phối hợp của toàn xã hội.
PV: Để giải quyết thực trạng “trẻ hóa tội phạm” cần phải có sự góp sức của nhiều cơ quan, tổ chức với những biện pháp mang tính đồng bộ. Xin anh cho biết Trung ương Đoàn có những công tác, biện pháp nào để góp phần giải quyết thực trạng này?
Đ/c Phan Văn Mãi: Muốn giải quyết vấn đề này một cách căn cơ thì cần có giải pháp đồng bộ và có sự tham gia tích cực của các chủ thể như đã đề cập ở trên.
Về phần mình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có kế hoạch để mỗi cơ sở Đoàn nhận giúp đỡ 1 thanh thiếu niên chậm tiến và sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động của mình, nhất là ở cơ sở. Thiết kế và triển khai các phong trào, hoạt động gắn với nhu cầu học tập, lao động và giao tiếp xã hội của các bạn trẻ. Đồng thời, tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục tham mưu để tạo cơ chế, chính sách chăm lo thanh thiếu niên; phối hợp với các lực lượng xã hội để tăng cường các thiết chế, “sân chơi”, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh cho thanh thiếu niên phát triển.
Ngày hôm nay, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn cũng đã họp và thảo luận vấn đề này; đồng thời xác định các nội dung, giải pháp cho công tác giáo dục của Đoàn trong thời gian trước mắt và cho nhiệm kỳ 2012-2017.
Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!
Hồng Chính Quang