Trước ngày 20/8 phải có kết quả chống tham nhũng

04/08/2014 21:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý và chuẩn bị báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trước 20/8/2014.

Văn phòng Chính phủ xác nhận thông tin trên vào ngày 4/8. Đây là nội dung Chính phủ thực hiện theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Trước đó, vào tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 13 gửi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và địa phương, trong đó nhấn mạnh vấn đề cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng...

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá, tham nhũng còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá, tham nhũng còn nhiều diễn biến phức tạp.

Ngay tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phân cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân. Lãng phí thời gian, nguồn lực trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn lớn. Ý thức tiết kiệm chưa được đề cao”.

Cũng tại kỳ họp này đã có rất nhiều ĐBQH hiến kế phòng chống tham nhũng. ĐBQH Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị phải tập trung vào “chiến dịch bắt hổ”.

Ông Tiến nói: “Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân. Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than”.

Ngay sau kỳ họp Quốc hội thứ 6, vào tháng 12/2013, Chính phủ đã ra Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, có hiệu lực từ 10/2/2014.

Đáng chú ý Điều 7 được sửa đổi bổ sung lại về hình thức xử lý kỷ luật: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật như sau:

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức.

Trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nhấn mạnh 5 biện pháp để bắt “sâu tham nhũng”: Thứ nhất, Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn chỉnh hơn nữa; Thứ hai, Các cơ quan nhà nước cần làm tốt hơn và chịu trách nhiệm đến cùng; Thứ ba, phải chất lượng và hiệu quả của việc kê khai tài sản; Thứ tư là cần xác định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức  lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm; Thứ năm là muốn chống tham nhũng có kết quả, cần phải đi đến cùng của mỗi vụ việc.

“Lâu nay, nhân dân rất không hài lòng với cách giải quyết các vụ tham nhũng không đến nơi đến chốn và đã để lại nhiều dư luận xấu, đó là làm chậm chạp, nhiều vụ xử nhẹ, lạm dụng các tình tiết để giảm nhẹ tội cho người tham nhũng. Tôi cho rằng, cần phát huy cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng cần phải có định kỳ báo cáo, thông tin tới toàn thể nhân dân”, ông Vũ Mão đề nghị.

Ngọc Quang