"Trường Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập"

25/08/2018 06:50
An Nguyên
(GDVN) - Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập chứ không phải để các em phải sang nước khác học tập.

Ngày 24/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên.

Chưa có sự liên kết ba nhà: Nhà trường – doanh nghiệp – nhà quản lý

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, quy mô đào tạo của Đại học Đà Nẵng hiện nay là 55.413 sinh viên, trung bình hàng năm tuyển sinh 11.000 chỉ tiêu cho bậc Đại học và 1.500 chỉ tiêu trình độ Cao đẳng.

Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Ảnh: AN
Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Ảnh: AN

“Đại học Đà Nẵng phấn đấu trở thành Đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực.

Đến năm 2025, một số trường Đại học thành viên trở thành đại học nghiên cứu và Đại học Đà Nẵng nằm trong nhóm 5 Đại học hàng đầu Việt Nam đẳng cấp khu vực và quốc tế, thuộc nhóm 200 đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á và nhóm 500 Đại học hàng đầu khu vực châu Á”, ông Vũ cho hay.

Cùng xem Chương trình hành động của tân Giám đốc Đại học Đà Nẵng

Góp ý cho sự phát triển của nhà trường, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trong khu vực và ngay cả giữa các trường ở Đà Nẵng. Vai trò dẫn dắt của Đại học vùng Đà Nẵng đang có “nguy cơ bị đe dọa”.

Ông Dũng cho biết, vừa rồi thành phố làm việc với các doanh nghiệp Công nghệ thông tin và Du lịch đều kêu thiếu nhân lực trầm trọng nhưng nhà trường lại không đáp ứng đủ.

“Chúng ta chưa có sự hợp tác tốt giữa ba nhà là: Nhà trường – nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp) – nhà quản lý.

Bởi chúng ta đào tạo nhưng thả nổi cho thị trường quyết định, không có dự báo nguồn nhân lực.

Để rồi hậu quả là nhà trường đào tạo ra những ngành nghề không phù hợp, sinh viên thất nghiệp trong khi ngành mà doanh nghiệp cần tuyển thì không”.

Ông Dũng nói thêm, Đà Nẵng từng kỳ vọng vào chương trình đào tạo ngoại ngữ sẽ giúp địa phương này có được một nguồn nhân lực phục vụ du lịch phong phú.

Nhưng cách đào tạo không đúng khiến học sinh chỉ biết đọc thông, viết thạo nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài thì lúng túng, không nói chuyện được.

Do đó, ông Dũng đề nghị nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, cho “ra lò” những lứa sinh viên năng động, không thụ động.

“Trong làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ thì nhà trường phải đào tạo ra những sinh viên biết tự tạo công ăn việc làm cho mình và người khác. Chứ không phải là những sinh viên ra trường rồi cắp cặp đi xin việc”, ông Dũng nói.

“Lôi kéo con em mình ở lại học tập”

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ ấn tượng với con số 70% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng của Đại học Đà Nẵng.

Lời kêu gọi doanh nghiệp của tân Bí thư Đà Nẵng

Ông Nghĩa khẳng định, hướng phát triển của thành phố là bên cạnh dịch vụ du lịch, y tế thì giáo dục thuộc nhóm ưu tiên kêu gọi đầu tư.

“Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Nếu có chương trình đào tạo chất lượng cao, môi trường học tập tốt thì không việc gì các em phải đến nơi khác học.

Đà Nẵng đang tìm kiếm các đối tác để đầu tư và làm việc đó. Thành phố kỳ vọng sẽ xây dựng thành một trung tâm đào tạo đẳng cấp”.

Do đó, Bí thư Nghĩa đề nghị Đại học Đà Nẵng phải chuyển đổi mạnh mẽ, khẩn trương hoàn thiện và chuyển về Làng Đại học (tại phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn). Nếu chậm trễ, làng đại học này có thể sẽ bị chia 5 sẻ 7 và lúc đó các nhà đầu tư khác sẽ nhảy vào.

Ngoài ra, về hướng đào tạo của trường phải hướng đến các ngành nghề mà thành phố đang khát nguồn nhân lực. Đó là ngoại ngữ, công nghệ thông tin và du lịch.

Ông Nghĩa cũng dẫn ra câu chuyện về các khu công nghệ cao Đà Nẵng, đó là hướng đầu tư mà nhà trường nên hướng đến.

Các trường cần tập trung đào tạo những ngành mà mà Khu công nghệ cao này cần đến. Ngoài ra, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu nhà trường tổ chức ngày khai giảng là một ngày vì học sinh, sinh viên.

Đó phải thực sự là ngày hội của thầy trò chứ không phải là ngày hội “của các bác muốn lên tivi”. Ông Nghĩa nói nhà trường nên tổ chức một cách khoa học, tạo ra những niềm vui trong ngày đầu tiên các em đến trường.

An Nguyên