Trường được giao cơ chế tự chủ nhưng Luật còn vướng như “mạng nhện”

05/02/2017 07:10
An Nguyên
(GDVN) - Mặc dù được giao quyền tự chủ nhưng nhiều trường đại học vẫn bị trói buộc bởi nhiều văn bản luật chưa theo kịp hoặc "chỏi" nhau.

“Nói giao quyền tự chủ nhưng một số văn bản pháp lý chưa đồng bộ mà trói nhau.

Các trường tự chủ nhưng văn bản pháp luật vẫn chưa thay đổi. Giao quyền này nhưng còn các thể chế, văn bản khác lại ràng buộc”.

Đó là thực trạng mà PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, đơn vị vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới, tự chủ đại học chia sẻ với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

Luật này “đá” Luật kia

Theo thầy Nguyên, hiện nhiều quy định văn bản pháp lý chưa kịp thay đổi để hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ.

“Nghị quyết 77/NQ-CP về ‘thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017’ của Chính phủ chỉ mới là thí điểm nên  các văn bản pháp luật không thay đổi theo”.

Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng được giao cơ chế tự chủ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập do vướng luật. Ảnh: An Nguyên
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng được giao cơ chế tự chủ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập do vướng luật. Ảnh: An Nguyên

Thầy Nguyên phân tích, trong đề án tự chủ được Thủ tướng giao thì Hiệu trưởng có quyền kéo dài thời gian làm việc đối với cán bộ quản lý.

“Theo quy định, người quá 60 tuổi thì không được giữ chức vụ nữa. Nhưng đối với những trường hợp đặc biệt, mình có thể kéo dài thời gian này (theo quy định về tự chủ đại học).

Luật Giáo dục hiện hành không "ăn khớp" với khung cơ cấu

Luật Giáo dục hiện hành không "ăn khớp" với khung cơ cấu

Nhưng nếu làm vậy thì lại mâu thuẫn với Luật cán bộ, viên chức. Cùng một vấn đề nhưng có sự mâu thuẫn, xung đột”.

Thầy Nguyên dẫn chứng thêm, có một cán bộ năm nay 60 tuổi nhưng vẫn làm tốt công việc, mang lại hiệu quả cao nên Hiệu trưởng muốn phân công làm trưởng khoa thêm ba năm nữa.

Nhưng văn bản Luật hiện nay thì công chức, viên chức đến 60 tuổi là hết tuổi quản lý. Đó là cái vướng.

Một trường hợp khác là chức năng, vai trò của Hội đồng trường được đánh giá rất cao trong tự chủ đại học.
“Hội đồng trường là cơ quan chủ chốt trong đường hướng, chiến lược phát triển của trường.
Nhưng trên thực tế, chưa có nhiều văn bản pháp lý để hỗ trợ cho việc phát huy vai trò hội đồng trường” thầy Nguyên cho biết.
Các văn bản để tạo ra cơ chế cho hội đồng trường phát huy tác dụng còn hạn chế.

Bộ trưởng Nhạ: Luật liên quan đến giáo dục vướng như “mạng nhện”

Tại một hội nghị về giáo dục Đại học mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng phải thừa nhận thực trạng trên.

“Phải rà soát lại toàn bộ văn bản vi phạm pháp luật có liên quan đến giáo dục. Hiện có nhiều vấn đề đang vướng mắc rất nhiều”.

Đôi điều chưa rõ trong một chủ trương mới của Bộ giáo dục

Đôi điều chưa rõ trong một chủ trương mới của Bộ giáo dục

Ông Nhạ nói thêm, Luật giáo dục 2 lần sửa đổi, rồi luật giáo dục nghề nghiệp, luật giáo dục đại học cũng còn nhiều điểm chưa ổn.

“Chúng ta mạnh đổi mới nhưng sẽ vướng. Trước đó, tôi đã đề nghị với Bộ Tư pháp, dứt khoát phải sửa một số điều luật giáo dục thì mới thực hiện được, nếu không là trái luật ngay.

Rất nhiều thông tư bất cập hoặc không có văn bản pháp lý. Bình thường thì là sáng tạo nhưng khi gặp vấn đề thì dễ vi phạm pháp luật”.

Bộ trưởng Nhạ ví von các điều Luật liên quan đến giáo dục hiện nay rối như “mạng nhện”, rất nguy hiểm.

Theo đó, hành lang pháp lý cho giáo dục đại học cần phải được chấn chỉnh. “Không phải đưa luật pháp vào cuộc sống mà đưa cuộc sống vào luật pháp” ông Nhạ cho hay.

Cũng tại buổi hội thảo nói trên, GS.TS Mai Hồng Qùy – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, tất cả những chủ trương, chính sách lớn của Bộ GD&ĐT, về mặt nguyên tắc thì phải luật hóa hết.

Tức là, biến thành các thông tư, các chỉ thị, các văn bản mà theo đó, các trường đại học thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình.

“Hiện nay, cơ chế làm văn bản của các Bộ nói chung và Bộ GD&ĐT nói riêng vẫn vướng vào một vấn đề bất cập.

Đó là văn bản liên quan đến các trường nhưng chỉ có các chuyên gia ở Vụ giáo dục Đại học và trên Bộ soạn thảo.

Sau đó, gửi về các đơn vị để lấy ý kiến. Tuy nhiên, thực tiễn của chúng ta là các trường hầu như không hề có ý kiến.

Bao giờ cũng đồng ý hoàn toàn và không có ý kiến gì cả. Nhưng khi đưa vào thực thi thì nó bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề. Những văn bản được soạn thảo như  vậy cũng không thể bao quát hết được”.

Do đó, bà Qùy kiến nghị Bộ trưởng Nhạ có thể xem xét về cơ chế làm văn bản.

“Nên tạo thành nhóm những trường đại học rất giỏi về các vấn đề như: việc làm hay kiểm định.

Giao cho các nhóm trường này để soạn thảo các điều khoản, các văn bản, các thông tư có liên quan đến lĩnh vực đó.

Sau đó, đem ra bàn thảo trong cộng đồng các trường đại học thì trách nhiệm được tăng lên và tiếng nói sẽ cụ thể hơn – bà Qùy cho hay.

Dẫn chứng cho quan điểm trên, bà Qùy nói thêm, sự tương tác giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, với Ban giám hiệu thì chỉ có những trường nào thực hiện tốt vấn đề này mới có nhiều kinh nghiệm mới nắm rõ.

Nên chăng là giao cho các trường đó soạn thảo quy chế về vấn đề đó. “Sắp tới đây, Bộ trưởng dự kiến sẽ sửa đổi rất nhiều vấn đề trong Luật giáo dục Đại học.

Trong điều lệ đại học thì chúng tôi cho rằng, nếu làm như thế các trường đại học sẽ có trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn” bà Qùy nói.

An Nguyên