Trường học có phải là doanh nghiệp không? ​

13/11/2019 08:50
Tùng Dương
(GDVN) - Như vậy là học sinh ngoài công lập không hề được hưởng phúc lợi giáo dục nào của nhà nước đầu tư, bố mẹ các em phải đóng thuế lần 2 cho nhà nước qua học phí.

Tiếp theo bài trước: Khó khăn chồng chất của nhiều trường tư thục.

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với trường tư thục”, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội, nêu kiến nghị:

"Việc thu thuế các trường ngoài công lập thực chất là đánh thuế vào việc học của học sinh dẫn đến bất bình đẳng ngày càng lớn giữa học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập.

Việc bắt các trường phổ thông ngoài công lập phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là coi các trường học như doanh nghiệp, đây là điều không hợp lý.

Học sinh trường công lập đóng học phí thấp, tiểu học không phải đóng học phí, lại được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, được cấp kinh phí hàng năm cho hoạt động giáo dục.

Ví dụ: Hà Nội cấp 7,2 triệu 1 học sinh 1 năm học đối với học sinh trung học phổ thông công lập, các trường công lập không phải đóng thuế. Học sinh trường ngoài công lập phải đóng học phí cao và các trường phải đóng thuế.

Như vậy là học sinh ngoài công lập không hề được hưởng phúc lợi giáo dục nào của nhà nước và bố, mẹ các em phải đóng thuế 2 lần cho nhà nước.

Vì vậy để giúp các trường ngoài công lập giảm học phí và giảm bớt sự bất bình đẳng về thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh, đề nghị Nhà nước nên bỏ việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường ngoài công lập và cần hỗ trợ cho học sinh một khoản kinh phí như nhau dù học ở trường công lập hay ngoài công lập."

Video: Trường học có phải là doanh nghiêp không? 

"Giáo dục công lập và ngoài công lập là 2 bộ phận hữu cơ của nền giáo dục quốc dân, điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp 1992, 2013 và được luật hóa trong các luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Tiểu học, Luật Giáo dục Đại học.

Giáo dục công lập và ngoài công lập như 2 cánh của giáo dục Việt Nam. Nếu muốn bay cao, bay xa thì 2 cánh cần được phát triển cân đối hài hòa.

Giáo dục ngoài công lập và xã hội hóa giáo dục là chủ trương nhất quán mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển vững chắc nền giáo dục Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển giáo dục của thế giới.

Các chính sách về đổi mới giáo dục cần thực hiện theo đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới thành công.

Việc ban hành các chính sách của Đảng và Nhà nước cần sát thực tế, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Một chính sách đúng phù hợp với thực tế là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, làm cho xã hội phát triển lành mạnh.

Một chính sách sai, không phù hợp với thực tế là rào cản sự phát triển kinh tế xã hội và gây bất ổn xã hội.

Một chính sách đúng nhưng triển khai chậm hoặc bị các thủ tục hành chính cản trở sẽ dẫn tới việc thực hiện kém hiệu quả, làm biến dạng các mục đích tốt đẹp ban đầu của chính sách, làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư.

Người làm chính sách phải nhìn tích cực hơn nữa với các trường ngoài công lập

2 loại thuế mà nhà đầu tư giáo dục đặc biệt quan tâm

Vì vậy các cơ quan hoạch định chính sách cần bám sát thực tiễn cuộc sống, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành và khi đã ban hành cần phổ biến để dân biết, dân hiểu và tự giác thực hiện.

Các cấp chính quyền cần quyết liệt thực hiện để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần tránh các chính sách ở trên trời còn cuộc sống ở dưới đất.

Những chính sách như vậy sẽ làm giảm hiệu lực và uy tín của chính quyền, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước, làm tăng mối hoài nghi về các chính sách không vì dân mà vì lợi ích nhóm nào đó trong xã hội.

Đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổng rà soát các chủ trương chính sách về xã hội hóa giáo dục đã thực hiện đến đâu?

Cái gì thành công, cái gì chưa thành công, cái gì hợp lý,  cái gì bất hợp lý? Để từ đó có những quyết sách hợp lý hơn, phù hợp hơn nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.

Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025."

 

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với trường tư thục”.

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh).

Tùng Dương