Trưởng khoa Trường Lao động: "Giảng viên ăn tiền, chạy điểm cho sinh viên"

03/04/2017 09:23
MINH CHÍ - THANH HẰNG
(GDVN) - “Việc không giao giờ giảng là do ông L. không đủ tư cách, đạo đức của giảng viên,…”, ông Nghiêm Văn Lợi cho biết.

“Không phân công giờ giảng do vi phạm đạo đức…”

Liên quan đến vụ việc "Trường Lao Động và Xã Hội tiếp tục bị tố thêm sai phạm"trong đó có nội dung một giảng viên trong trường cho rằng phía lãnh đạo nhà trường trù dập nên phải nhận kết quả bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Về vấn đề trên, ông Nghiêm Văn Lợi, Trưởng Khoa Kế toán Trường Đại học Lao động và Xã hội cho biết, việc ông Đặng Văn L. không được phân công giờ giảng là do ông L. không thực hiện theo quy định, vi phạm tư cách, đạo đức của giảng viên và có những lời lẽ đe dọa cấp trên. 

“Tôi làm Trưởng Khoa kế toán đã được 12 năm, tôi phải có tư cách để làm việc theo đúng quy tắc, không thể làm sai được.

Tôi không bao giờ đi vùi dập một giảng viên mà nếu như người ta làm tốt. Khoa của tôi có hơn 60 giảng viên, nếu như tôi có trù dập tại sao tôi chỉ trù dập một mình ông Đặng Văn L.

Tôi đã nhận được rất nhiều thông tin của sinh viên, giảng viên phản ánh không tốt về ông Đặng Văn Lợi và chúng tôi đã có báo cáo về trường hợp của ông ta lên cấp trên.

Tất cả công việc thực hiện chúng tôi đều tiến hành họp có các thành phần để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ông Đặng Văn Lợi vì đã vi phạm pháp luật, có kết luận của Công an thành phố Hà Nội, đe dọa bỏ ma túy vào xe của tôi, dọa thuê xã hội đen đánh trưởng khoa, chửi cấp trên vì không được vào Đảng".

Quyết định 1012/QĐ-ĐHLĐXH, ngày 19/06/2014 về việc kỷ luật viên chức đối với ông Đặng Văn Lợi với mức kỷ luật cảnh cáo vì lý do vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo và quy tắc ứng xử (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Quyết định 1012/QĐ-ĐHLĐXH, ngày 19/06/2014 về việc kỷ luật viên chức đối với ông Đặng Văn Lợi với mức kỷ luật cảnh cáo vì lý do vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo và quy tắc ứng xử (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Có các hành vi gây rối trong tất cả các cuộc họp, cậu ấy không tuân thủ quy định và phát biểu bừa bãi. Tất cả các hành vi của ông Đặng Văn L. cả khoa này ai cũng biết.

Hành vi đó đã bị nhà trường kỷ luật ở mức cảnh cáo và bị Công an thành phố Hà Nội phạt hành chính", ông Nghiêm Văn Lợi, Trưởng Khoa kế toán  cho biết.

Nói về việc phân công giờ giảng cho ông Đặng Văn L., ông Nghiêm Văn Lợi cho rằng, do trong thời gian thi hành kỷ luật 1 năm nên ông L. không được phân công giờ giảng và ông L. cũng không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trưởng khoa Trường Lao động: "Giảng viên ăn tiền, chạy điểm cho sinh viên" ảnh 2

Trường Lao Động và Xã Hội tiếp tục bị tố thêm sai phạm

(GDVN) - Không dừng lại việc sai phạm trong quy chế tuyển sinh, bằng cấp chứng chỉ của giảng viên mà Trường Lao động Xã hội lại bị tố thêm sai phạm…

"Thực hiện kết luận việc kỷ luật ông L., Khoa Kế toán đã không phân công cho ông L. tham gia giảng dạy, làm việc các công tác khác của giảng viên từ ngày 01/07/2014.

Trong thời gian đó, chúng tôi có báo cáo và phân công cho anh Đặng Văn L. dịch tài liệu nhưng cả một năm anh ta không làm gì, không đến Khoa, không tham gia bất kể hoạt động nào của Khoa.

Ông L. cũng không được giao giảng dạy vì không đủ tư cách, đạo đức của một giảng viên, đó là nguyên nhân chúng tôi không giao việc giảng dạy và đã phân công sang việc khác. Tất cả việc đó chúng tôi cũng có văn bản báo cáo hết.

Năm 2014, ông Đặng Văn L. không có thắc mắc gì nhưng từ khi có văn bản phân công giờ giảng thì ông Đặng Văn L. hay thắc mắc, cơ quan thanh tra nhà trường đã thanh tra, chúng tôi cũng đã có giải trình cả rồi.

Kết luận Thanh tra của nhà trường là Khoa thực hiện theo đúng quy trình. Còn ông L. cũng không có công trình nghiên cứu khoa học nào.

Sau khi hết thời hạn quy định kỷ luật một năm thì nhà trường đã ra thông báo phân công giảng dạy cho ông L. nhưng trong văn bản yêu cầu giảng dạy đó, chúng tôi đã phân công giảng dạy cho các giảng viên trước thời  gian ra văn bản nên không thể thay đổi được giao giờ giảng cho ông Lợi được.

Trước đó mấy tháng việc phân công giảng dạy là dự kiến, sau đó mới phân công chính thức khi các sinh viên đã đăng ký, lựa chọn môn, giảng viên giảng dạy", ông Nghiêm Văn Lợi giải thích. 

Về việc một số giảng viên khác bị kỷ luật nhưng vẫn được phân công giảng dạy, ông Nghiêm Văn Lợi cho biết, mặc dù một số giảng viên đó bị nhà trường kỷ luật. Tuy nhiên, các giảng viên đó không vi phạm về mặt đạo đức giống như ông Đặng Văn L. nên vẫn được phân công giảng dạy bình thường.

 "Có một số giáo viên khác bị kỷ luật nhưng vẫn được phân công giờ giảng là do nhà trường kỷ luật và cũng không có giảng viên nào vi phạm về đạo đức nhà giáo, còn riêng đối với ông Đặng Văn L. đã bị kỷ luật về đạo đức nhà giáo", ông Nghiêm Văn Lợi nói. 

Về việc bình xét thi đua, đánh giá viên chức cuối năm, ông Nghiêm Văn Lợi cho biết, do ông Đặng Văn L. không tham gia sinh hoạt với Khoa kế toán đầy đủ, không thực hiện tốt công việc được giao nên việc bình xét, đánh giá xếp loại với ông Đặng Văn L. như vậy là xứng đáng.

"Về quy trình bình xét thi đua, trong buổi đánh giá viên chức cuối năm ông Đặng Văn L. không có mặt trong cuộc họp  bàn, mà ông ta chỉ gửi văn bản đến và viết phản ánh về Khoa không đúng thực tế.

Văn bản giải trình của Khoa kế toán, Trường Đại học Lao động và Xã hội (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)
Văn bản giải trình của Khoa kế toán, Trường Đại học Lao động và Xã hội (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Cả một năm ông Đặng Văn L. không thực hiện nhiệm vụ được phân công, giao việc không thực hiện, không đến Khoa, không sinh hoạt chuyên môn, không tham gia bất kể một hoạt động nào trong Khoa. Theo quy định đánh giá viên chức thì người đứng đầu đơn vị được quyền kết luận chứ không bỏ phiếu, không bình bầu và chỉ tham khảo ý kiến.

Và chuyện đó là trách nhiệm khi chúng tôi quyết định có căn cứ. Tôi là người chịu trách nhiệm trong việc đánh giá và tôi là người ký”, ông Nghiêm Văn Lợi giải thích.

Ông Nghiêm Văn Lợi cho rằng: “Tố cáo của ông Đặng Văn L. chưa hiểu, chưa biết hết thì việc tố cáo là quyền của họ, việc giải quyết là của cơ quan thanh tra, việc đó thanh tra nhà trường đã làm rồi nhưng anh ta chưa thỏa đáng và tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng, theo tôi đoán là có người đứng sau.

Khi có đơn về nhà trường thì ông ta lại có đơn và toàn là thông tin cũ, không có tình tiết mới nên thanh tra mời tôi lên làm việc tôi cũng không lên làm việc”.

Theo tìm hiểu, tại Quyết định 1012/QĐ-ĐHLĐXH, ngày 19/06/2014 về việc kỷ luật viên chức đối với ông Đặng Văn L. với mức kỷ luật cảnh cáo vì lý do:

“Ông Đặng Văn L. vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo và quy tắc ứng xử được quy định tại Luật viên chức số 58/2010/QH12, Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”.

Liên quan đến việc phân công giảng dạy đối với ông Đ Văn L., Khoa Kế toán, Trường Đại học Lao động và Xã hội đã có văn bản giải trình như sau:

“Ngày 24/07/2015, Khoa Kế toán nhận được Thông báo sô 988/TB-ĐHLĐXH về việc phân công giờ giảng cho anh Đặng Văn L.

Tuy nhiên, đây là thời điểm bắt đầu năm học mới (03/08/2015), thời điểm này Khoa đã phân công giảng dạy xong cho các giảng viên từ trước (dự kiến phân công từ 25/04/2015, thời khóa biểu chính thức Phòng Đào tạo công bố sau khi sinh viên đăng ký  theo giảng viên ngày 06/07/2015) nên không thể bố trí phân công cho anh Đặng Văn L. trong kỳ I năm học 2015 – 2016.

Trưởng khoa Trường Lao động: "Giảng viên ăn tiền, chạy điểm cho sinh viên" ảnh 4

Hàng chục giảng viên Trường Lao động chưa được Bộ Giáo dục công nhận văn bằng

(GDVN) - Sau thanh, kiểm tra Trường Lao động Xã hội có hàng chục giảng viên chưa có văn bản xác nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ.

Sau khi nhận được Thông báo của Trường (24/07/2015), Khoa Kế toán đã yêu cầu anh Đặng Văn L. biên soạn bài giảng để chuẩn bị giảng dạy vào kỳ II.

Tuy nhiên, đến thời điểm phân công giảng dạy (tháng 11/2015) anh Đặng Văn L. vẫn không nộp bài giảng theo yêu cầu.

Do trong năm 2015 phần lớn quy định về kế toán đã được Bộ Tài chính thay đổi, môn học kế toán máy cũng thay đổi từ phần mềm Fast Accounting sang dạy theo phần mềm MISA, anh Đặng Văn L. không tham gia sinh hoạt chuyên môn và không chuẩn bị bài giảng nên Khoa không thể phân công giảng dạy trong học kỳ II, năm học 2015 – 2016.

Trong thời gian từ sau khi hết thời hạn bị kỷ luật, Khoa phân công anh Đặng Văn L. dịch tài liệu và viết bài giảng nhưng anh L. không thực hiện, không tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Về quy trình bình xét thi đua Khoa đã thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà trường”.

Trong một email (thư điện tử) gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nghiêm Văn Lợi nhận định: "Trong thời gian làm việc tại khoa chúng tôi nhận được phản ánh của sinh viên về các hành vi tiêu cực ăn tiền, chạy điểm cho sinh viên, dọa nạt, có hành vi không đúng mực với người học, dùng văn phong thô tục chửi bới đồng nghiệp và lãnh đạo trên facebook, v.v.... 

Với tư cách là trưởng khoa tôi đã gọi đến nhắc nhở. Tuy nhiên, anh Đặng Văn L. không thay đổi mà tiếp tục câu kết với một số cá nhân ăn tiền chạy điểm, gây mất đoàn kết trong khoa làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm và uy tín của giảng viên".

Hiệu trưởng không hiểu Luật Báo chí, còn mang máy ghi hình lại phóng viên

Liên quan đến những sai phạm của Trường Lao động và Xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kết luận, cùng với những nội dung đơn thư mà bạn đọc phản ánh.

Nhằm làm rõ những vẫn đề trên một cách khách quan, chân thực, sáng ngày 31/03, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đến liên hệ làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Lao động và Xã hội.

Trưởng khoa Trường Lao động: "Giảng viên ăn tiền, chạy điểm cho sinh viên" ảnh 5

Trường Đại học Lao động và Xã hội liên tiếp vi phạm quy chế trong tuyển sinh

(GDVN) - Trong hai năm liền, Trường Lao động và Xã hội liên tiếp vi phạm quy chế trong tuyển sinh, cố tình không sửa đổi.

Tuy nhiên, phóng viên lại tiếp tục nhận được đề nghị của Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu phải có thẻ phóng viên, nhà báo mới làm việc.

Khi phóng viên thắc mắc việc theo quy định không được cấp thẻ phóng viên thì vị Hiệu trưởng lại đòi hỏi thẻ Nhà báo.

“Lần trước các bạn đã mang giấy giới thiệu đến chưa nhỉ? Anh đưa thẻ phóng viên cho tôi xem nào?

Nếu mà chưa có thẻ, theo quy định, làm việc với bọn mình thì phải xuất trình thẻ Nhà báo. Luật Báo chí ngày 01/7/2017 vừa có hiệu lực nhé!

Thứ nhất, khi các bạn đến thì phải có Thẻ nhà báo, hai nữa là giấy giới thiệu của tòa soạn. Người tác nghiệp là phải có Thẻ nhà báo, chứ còn các nhân viên các chuyện ấy là ấy…

Nói luôn với các bạn là trong Điều 40, Luật Báo chí, mục 02, khoản c có nói là khi thông tin mà trong quá trình giai đoạn, xác minh đơn thư, tố cáo thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chưa được phép trả lời việc đó, khi chưa có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Hiện thì đoàn thanh tra xác minh đơn thư, tố cáo người ta đang làm việc, trong vòng 20 ngày người ta sẽ trả lời. Khi đó các cơ quan họ sẽ cung cấp cho các bạn.

Còn anh Huy ghi âm lại anh này (phóng viên_PV) khi đến làm việc không có Thẻ phóng viên, không có Thẻ nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu”, ông Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu đơn vị trên cũng mang thiết bị quay phim, ghi hình phóng viên khi liên hệ làm việc. 

Trước đó, ông Hà Xuân Hùng cũng đã từng hẹn phóng viên để lại giấy giới thiệu và nội dung làm việc với ông Huy, Trưởng phòng Hành chính để có thể làm việc.

Tuy nhiên, sáng ngày 31/03 lại thay đổi theo chiều hướng như ông Huy đã trả lời: “Muốn lấy thông tin thì chờ cơ quan thanh tra kết luận”.

Với cách làm việc của lãnh đạo Trường Lao động và Xã hội thì thật là khó hiểu? Nếu lãnh đạo nhà trường làm đúng thì việc trao đổi cung cấp thông tin đa chiều cho phóng viên có gì khó khăn?

Chưa có thẻ nhà báo, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp

Hiện nay, phóng viên chưa có Thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) đang được pháp luật bảo hộ về quyền tác nghiệp.

Cụ thể, tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có Thẻ nhà báo.

Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.
Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.

Tại điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ghi rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”.

Tiếp tục trong Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 cũng quy định chi tiết về quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp Thẻ nhà báo.

Cụ thể, tại khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí mới quy định: Nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Như vậy, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí mới có hiệu lực tiếp tục quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. 

Các hành vi cản trở trái pháp luật quyền tác nghiệp của phóng viên đều vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm.

MINH CHÍ - THANH HẰNG