Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Truyền kỳ về đôi giếng thiêng và chuyện rắn trả ơn người

10/12/2012 20:27
Chuyện kỳ dị vốn đã nghe nhiều và phần lớn là thêu dệt nên tôi không lấy gì hào hứng khi nghe kể về đôi “giếng tiên” ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa: “Không bao giờ biết cạn, nước lúc nào cũng trào ra ngoài miệng giếng, mùa đông nước ấm như tắm bình nóng lạnh…”.

Cho đến khi trực tiếp chứng kiến, nhúng tay vào miệng giếng kỳ bí đó, cảm nhận được sự tôn sùng tuyệt đối của người dân bản địa, rồi chính mắt thấy những bản sắc phong của những vị vua thuở trước trong đó nhắc lại lịch sử về đôi giếng tiên này thì tôi thật sự hoang mang.

Máy bơm hút mãi cũng không cạn dù chỉ sâu 1,5m

Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa vốn được biết đến nhiều vì có suối cá thần Cẩm Lương. Tuy nhiên bao đời nay người dân ở đây còn nôi dưỡng một sử thi khác về “mó giếng tiên” (“mó – mỏ, vũng, hố - PV) ở làng Chiềng thuộc xã Cẩm Tú.

Đôi giếng tiên.
Đôi giếng tiên

Quần thể giếng tiên có tổng diện tích khoảng hơn 300m2. Hai mó giếng có diện tích như nhau được xây bờ tường bao quanh. Xung quanh là những cây xi cổ thụ với nhiều rễ lớn ăn xuống đất, quằn quại như những con rắn khổng lồ càng làm cho không gian phủ màu u tịch, huyền bí. Lúc chúng tôi đến nơi cũng là lúc bà con đang kéo nhau ra giếng tắm chiều.

Cái rét đầu đông đã đủ tê tái nhưng rất nhiều người đã tập trung ở giếng, mình trần thi nhau dội nước ào ào. Một giếng dành cho đàn ông, một giếng dành cho phụ nữ và chỉ cách nhau bước tường cao gần 1m và có lối thông ở giữa, đứng bên này có thể nhìn thấy bên kia.
Trời gần tối càng thêm lạnh lại kèm mưa, chúng tôi mặc áo ấm còn thấy nổi gai ốc mà bà con nơi đây cứ dội nước tắm như mùa hè. Thấy chúng tôi tỏ vẻ sửng sốt, trưởng thôn Cao Thái Hiền trấn tĩnh:

“Nước giếng vào mùa đông ấm lắm, vì thế kể cả trời có lạnh 5 – 6 độ C chúng tôi vẫn ra đây tắm bình thường”. Quả thực khi đến gần phát hiện ra miệng giếng có khói bốc lên nghi ngút, mạnh dạn thò tay xuống lòng giếng thì một cảm giác ấm áp dễ chịu bao bọc.

Tuy nhiên việc nước mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông không làm nên điều kỳ bí của đôi giếng tiên. Kỳ lạ là ở chỗ nước giếng cứ tự nhiên trào ra không nguôi. Sau khi mọi người tắm, lấy nước mang về nấu cơm, sinh hoạt xong thì dường như ngay lập tức nước dâng lên đầy mặt giếng. Để chứng minh rõ hơn về việc nước giếng đang dâng lên, bà con chỉ tay về phía rãnh dẫn nước trong giếng sau khi dâng ngang gờ thành giếng thì bắt đầu dồn về rãnh dẫn nước và theo đó ra bên ngoài.

Quan sát lượng nước chảy thì giếng ra rãnh thì nhận thấy sức nước đẩy lên khá là lớn. Điểm cuối cùng mà 2 rãnh thoát nước từ 2 giếng đến là một cái ao to, luôn ắm ắp nước. Một người dân nơi đây cho biết: “Cá ở ao này rất nhanh lớn, thịt còn ngon hơn cả cá bắt ở suối về”.

Ông Cao Việt Bảo - người trông coi giếng.
Ông Cao Việt Bảo - người trông coi giếng.

Nói về việc nước giếng tự trào ra, ông Cao Viết Cẩm nhà gần sát đôi giếng tiên cho biết: “Vào những năm hạn hán nhất, khi tất cả các giếng ăn trong làng chỉ vét được vài gầu nước thì 2 mó giếng vẫn cứ trào nước ra ngoài. Ngay mùa hè năm ngoái, mấy nhà gần giếng còn bươm nước lên vườn tưới mía. Hút liên tục cả mấy tiếng đồng hồ mà nước trong giếng cũng chỉ giảm đi một chút rồi lại lập tức đầy trở lại”.

Ông Cẩm cũng nói, mỗi khi muốn lấy nước nhiều như vậy thì người lấy phải làm lễ “Vá vong”. Nếu không tuân thủ quy định này thì nước giếng sẽ cạn xuống gần đáy. Lần khác có người mang quần áo bẩn giũ thẳng xuống mặt giếng thì nước bất ngờ trào lên dữ dội, làm ngập cả kho mường. Cũng chính trưởng thôn Hiền cho biết: “Năm 1960 dân làng xây thành giếng bằng xi măng thì không sao nhưng đến năm 1989 tu bổ và xây tường bao quanh có dùng thêm vôi thì nước giếng bỗng sôi sục lên, màu nước cũng đỏ một cách đáng sợ”.

Ly kỳ chuyện rắn trả ơn cha

Lý giải cho những hiện tượng kỳ lạ của đôi giếng tiên, từ trẻ con cho đến người già ở khắp vùng này đều kể một câu chuyện vô cùng ly kỳ, đầy màu sắc huyền thoại nhưng cũng thông thiết, cảm động giữa người và rắn.
Theo đó, vùng đất Chiềng Voong xưa kia (xã Cẩm Tú ngày nay – PV) quanh năm hạn hán, mùa màng thất bát. Trong khu làng Chiềng có gia đình ông già tên Cao Thuật sinh sống bằng việc bắt cá ngoài suối. Có một hôm ông vớt cá cả buổi mà không được con nào, chỉ vớt được một quả trứng lạ.
Có điều mỗi lần bực mình vứt đi là lần sau trứng lại nằm trong vợt của ông. Biết là có điềm nên ông mang về, bỏ vào ổ cho gà ấp. Đến ngày trứng nở, ông lão vô cùng kinh hãi trong ổ trứng gà có một con rắn nhỏ thân hình sặc sỡ, có mào. Rắn thấy ông lão liền bò xuống, lẽo đẽo bò theo sau. Ông lão tên Cao Thuật từ đó coi rắn như con, hàng ngày ra đồng bắt ếch nhái về cho rắn ăn. Rắn lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc to lớn lạ thường.
Vì thế ông lão cũng không kham nổi việc kiếm thức ăn cho rắn. Dân làng thấy con rắn lừng lững sống trong bản vô cùng kinh hãi, ép ông lão phải giết rắn. Không thể làm thế nên ông mang con rắn sang tận sông Ngang ở Hòa Bình để thả. Sau khi thả rắn thì Chiềng Voong chịu trận hạn hán bất thường, dân làng không thể canh tác nên nhiều gia đình chết đói, trong số đó có ông Cao Thuật.

Biết người nuôi dưỡng đã mất, muốn trả ơn, rắn đào một đường hầm từ sông Ngang để dẫn nước về làng. Nhưng cả 3 lần đầu đều không xác định được hướng nên đào lệch. Phải đến lần cuối, rắn trườn băng rừng tìm về đỉnh đồi Ái Nàng, đứng trên một tảng đá lớn ngắm xuống làng rồi quay lại đào một đường ngầm chính xác. Do nước chảy về nhiều quá nên người dân phải dùng đá to lấp xuống, dòng nước phân nhánh và tạo ra đôi giếng tiên ngày nay.

Bản sắc phong ghi lại tích xưa.
Bản sắc phong ghi lại tích xưa.
Ngày nay con cháu của ông Cao Thuật vẫn còn lưu giữ những bản gia phả chép tay nhắc đến sự việc này. Khi tìm hiểu câu chuyện, phóng viên còn biết được hiện có 3 bản sắc phong tôn vinh công lao của ông Cao Thuật từ các đời vua Lê Thần Tông,Duy Tân, Khải Định đang được cất giữ tại nhà của một số gia đình trong dòng họ Cao (?!).
Chúng tôi tìm đến nhà ông Cao Viết Hội, người được cho là nắm giữ bản sắc phong của vua Duy Tân. Ông Hội thắp hương xin tổ tiên cho phép mở bản sắc phong rồi cẩn trọng dùng chìa khóa mở một ngăn trên ban thờ. Từ một hộp gỗ dài, trạm khắc tinh tế, ông Hội lấy ra bản sắc phong đã cũ sờn, nhiều chỗ rách nát.
Những chữ nho trên đó, chữ còn chữ mất, tuy nhiên phía dưới bản sắc phong có đóng dấu đỏ và ghi rõ bản sắc phong do vua Duy Tân ban ngày 11/8/1909. Tại các nhà ông Cao Văn Nguyệt, Cao Viết Cẩm chúng tôi cũng được thấy hai bản sắc phong tương tự với độ cổ kính khác nhau. Cả 3 người giữ bản sắc phong đều cho biết trước đây cứ mỗi đợt nắng hạn kéo dài thì dân làng lại tổ chức rước các bản sắc phong và làm lễ cầu mưa. Giờ đây không còn tiến hành lễ nên trưởng nhánh của họ chia nhau giữ để bảo vệ và coi đây là gia bảo, nếu giữ gìn được tổ tiên sẽ luôn ở bên phù hộ.
Tất cả các tình tiết trong câu chuyện và bên ngoài thực tế đều rất khớp nhau khiến cho người nghe có cảm giác đang sống cùng lúc giữa quá khứ và hiện tại, thực và hư. Như 3 nơi rắn đào hầm lệch hướng đến nay vẫn còn dấu vết là những mỏ nước sâu không xác định đáy nằm phân tán. Theo sự tích thì hòn đá trên đỉnh đồi Ái Nàng – nơi rắn trườn đầu lên để ngắm hướng về làng tạo ra một mó nước nhỏ, tát không cạn.
Khi PV tìm lên thì đúng là trên hòn đá to ấy có một cái lỗ to, tròn gần bằng cái ổ trứng gà tích nước trong vắt. Lạ là lỗ nằm trên đá nhưng khi dùng tay tát cạn đi thì nước từ đâu lại rỉ ra, một lúc là đầy. Theo những người làm nương ở đó cho biết thì họ đi làm không bao giờ phải mang theo nước, trời nắng, mệt mỏi đến mấy chỉ cần ra mó nước đó uống một ngụm thì thấy khỏe mạng trở lại. Hay có một điều kỳ lạ nữa là mỗi khi nước sông Ngang ở Hòa Bình đục thì nước giếng cũng trở nên đục, nước sông cạn thì nước giếng cũng hạ thấp.
Dù câu chuyện ly kỳ về giếng tiên và “thần rắn” vẫn được người già kể lại bên bếp lửa mỗi đêm nhưng không vì thế mà người dân nơi đây tỏ ra mê tín mù quáng. Họ tôn sùng nước trong giếng tiên nhưng cũng không có hiện tượng mang về chữa bênh hay làm phép.

Kết thúc câu chuyện về giếng tiên, trưởng thôn Cao Thái Hiền trầm ngâm: “Có lẽ người xưa không tìm được cách lý giải khoa học nên mới sáng tạo ra một câu chuyện ly kỳ đến như vậy. Tuy nhiên, bà con chúng tôi rất mong chờ các nhà khoa học về nghiên cứu những hiện tượng của đôi giếng tiên, cũng như thẩm định lại những văn bản mà dòng họ Cao cho là bản sắc phong. Nhiều tục lệ ý nghĩa như lễ cầu mưa vào tháng 3 hàng năm đã bị quên lãng, đền thờ thần rắn và ông Cao Thuật hư hỏng không được phục dựng. Cứ đà này tôi sợ sẽ đến một ngày đôi giếng tiên 500 tuổi cũng trở thành phế tích…”.

(Theo GĐ & ĐS)