Truyền thông quốc tế bình luận về Tổng chỉ huy Tập Cận Bình

22/04/2016 10:05
Hồng Thủy
(GDVN) - BBC tiếng Trung Quốc ngày 21/4 nhận xét, ông Tập Cận Bình phải gánh quá nhiều chức vụ quả thực rất khổ, đó cũng là vạn bất đắc dĩ!

Đa Chiều ngày 22/4 bình luận, từ khi lên cầm quyền năm 2012 ông Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực vào tay mình với hàng loạt chức vụ lãnh đạo quân - chính - đảng, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước đến Chủ tịch Quân ủy trung ương.

Tập Cận bình còn làm Tổ trưởng 7 tiểu tổ lãnh đạo mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - an ninh...nay ông có thêm chức vụ mới, Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp. Đa Chiều và BBC tiếng Trung Quốc gọi ông Tập Cận Bình là "Chủ tịch toàn diện".

Ông Tập Cận Bình trong chức vụ, vai trò mới - Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp, ảnh: guancha.cn.
Ông Tập Cận Bình trong chức vụ, vai trò mới - Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp, ảnh: guancha.cn.

Sự kiện ông Bình khoác bộ quân phục dã chiến thị sát Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp với vai trò mới - Tổng chỉ huy, được dư luận đặc biệt quan tâm. Tân Hoa Xã còn gọi ông Tập Cận Bình với chức danh Tổng tư lệnh - Commander in Chief trong bản tin tiếng Anh của hãng này.

The New York Times ngày 21/4 dẫn lời giáo sư Ban Ji từ Đại học Macau bình luận, việc ông Tập Cận Bình khoác quân phục dã chiến với chức vụ Tổng chỉ huy rất đơn giản, đó là biểu tượng tối cao của việc kiểm soát các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

BBC tiếng Trung Quốc ngày 21/4 nhận xét, ông Tập Cận Bình phải gánh quá nhiều chức vụ quả thực rất khổ, đó cũng là vạn bất đắc dĩ! Hãng thông tấn này cho rằng, sở dĩ ông Bình phải kiêm nhiệm quá nhiều chức vì ông thấy không có ai đủ sức gánh vác, đủ độ tin cậy để làm những công việc này.

Ngay cả 6 thành viên còn lại của Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đối với ông có lẽ cũng chưa đủ tin cậy. Từ khi ông lên nắm quyền, cơ chế tập thể lãnh đạo thời Đặng Tiểu Bình đã bị loại bỏ. Ngay cả Thủ tướng Lý Khắc Cường, truyền thông phương Tây cũng không còn tìm thấy vai trò, ảnh hưởng trong các vấn đề quyết sách.

Kery Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Hoàng gia London, Anh quốc được The Economic  ngày 21/4 dẫn lời cho rằng, Tập Cận Bình là "CEO của Trung Quốc". Với việc tập trung quyền lực, mặc dù ông Bình đang tỏ ra có sức mạnh chưa từng có trong cả hoạt động nội trị lẫn ngoại giao của Trung Quốc, nhưng không phải không tiềm ẩn những nguy cơ.

The Straits Times của Singapore ngày 22/4 lưu ý, việc ông Tập Cận Bình xuất hiện với chức danh mới - Tổng chỉ huy, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một quyết đoán (leo thang hung hãn) trong khu vực, bao gồm việc quân sự hóa khu vực Biển Đông (nơi Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.

Còn theo The Wall Street Journal ngày 21/4, nhiều nước châu Á và Hoa Kỳ đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động cải cách quân sự Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, bởi các nước này lo ngại khả năng Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự xuống phía Nam và ngày càng hung hăng hơn trong các vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở châu Á.

Hồng Thủy