TS Lê Đắc Sơn: "Trường tôi sẽ mời TS Lê Thẩm Dương dạy, nếu..."

16/03/2012 06:00
Thành Chung (thực hiện)
(GDVN) - "Chuyên môn, phong cách giảng của TS Dương rất tốt nhưng trên bục giảng mà đệm những từ ngữ, ví dụ dung tục là không được", TS Sơn chia sẻ.
Những ngày gần đây clip liên quan đến bài giảng của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Xung quanh đến vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Đại Nam, nguyên TGĐ VPBank, một người rất am hiểu tài chính.
Tiến sĩ Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quan trị trường Đại học Đại Nam.
Tiến sĩ Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quan trị trường Đại học Đại Nam.
"Tôi nói thật là, nếu mà thầy Dương không dùng những ngôn từ như thế thì chúng tôi sẽ mời thầy Dương về dạy thạc sĩ cho trường...", TS Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.
PV: Thưa TS Lê Đắc Sơn, qua theo dõi clip bài giảng của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, theo ông phần bài giảng này có đúng với kiến thức, sát với bài giảng?
TS Lê Đắc Sơn: Tôi đã theo dõi toàn bộ các clip về bài giảng của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương trên báo Giáo dục Việt Nam cách đây vài hôm. Tôi thấy rằng nội dung TS Dương giảng là sát với nội dung quản trị kinh doanh. Anh đang giảng về doanh nghiệp, quản lý về doanh nghiệp. Mặc dù cái đoạn băng nó cắt dời nhưng tôi hình dung là anh đang giảng về quản trị doanh nghiệp cho các học viên đang học thạc sĩ. 
Chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh thực tế rất rộng nhưng trong phần mà thầy Dương giảng đã có những nội dung chuyên môn hướng về quản lý đầu tư, quản trị đối với một người lãnh đạo ở doanh nghiệp. Đó chắc chắn là nội dung đào tạo cho các học viên làm thạc sĩ quản trị kinh doanh.
PV: Thưa TS, từ việc theo dõi bài giảng của TS Dương, ông đánh giá thế nào về cách giảng dạy này?
TS Lê Đắc Sơn: Chưa vội bàn đến chuyện này nhưng tôi biết TS Dương là trưởng khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Không phải dễ để có thể được mọi người tín nhiệm bầu vào chức đó. Và người đó cũng phải có chuyên môn, năng lực thế nào thì mới được nhiều người mời đến như vậy.
Tôi cũng đã xem hết video clip và thấy rằng cách giảng dạy của TS Dương là hấp dẫn. Thầy Dương giảng hầu như là thoát ly khỏi giáo án. Chứng tỏ đây là một giảng viên cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và cũng đã từng đứng trước những học viên kể cả trẻ tuổi và lớn tuổi học về thạc sĩ. 
Chính  trong clip quay lại việc TS Dương thể hiện bài giảng từ cách đi đứng, đi lại đã thể hiện cái tác phong, thần thái rất là tự tin. Điều đó, nó sẽ giúp lôi cuốn được sinh viên, nó tác động đến tất cả các sinh viên đều phải chú ý đến người thầy, xem là người thầy đang giảng về cái gì, chứ không có hiện tượng sinh viên, người ngó chỗ này, người ngó chỗ kia, hay là ngủ gật còn thầy đứng trên bục giảng thì tự thầy nói… 
Thực sự là tác phong, thần thái để bao quát lớp của thầy Dương là rất tốt. Nếu như thầy nào cũng làm được như thế thì sẽ thu hút được sinh viên vào học tập tốt.
Ngay bản thân trường chúng tôi cũng luôn luôn hướng giảng viên của mình giảng là phải thoát ly những giáo án đã được soạn sẵn. Kiến thức trong bài giảng phải gắn được với kiến thức thực tế, với doanh nghiệp. Giảng là phải có những ví dụ minh họa từ cuộc sống, làm phong phú thêm bài giảng cho sinh viên. Chứ tránh trường hợp, đứng trên bục giảng, thầy đọc – trò chép hay là vẫn cứ toàn bộ những kiến thức hàn lâm, cũ kĩ mà nếu như nói ra làm sinh viên nhàm chán, không hứng thú.

Trong những ngày qua độc giả đã bày tỏ những ý kiến trái chiều xung quanh những lời lẽ trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương. (Ảnh chụp từ clip).
Trong những ngày qua độc giả đã bày tỏ những ý kiến trái chiều xung quanh những lời lẽ trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương. (Ảnh chụp từ clip).

PV: Tuy nhiên, khi đứng trên bục giảng, trong phần bài giảng TS Dương dùng khá nhiều những từ ngữ không hay ho, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
TS Lê Đắc Sơn: Tôi cho rằng, vấn đề thầy Dương hay đệm những từ mẹ, thằng ấy, con ấy rồi cũng có những ví dụ dùng những hình ảnh liên quan đến quan hệ nam nữ có lẽ là vấn đề đang được mọi người bàn thảo nhiều nhất hiện nay. Đây có thể là một phút ngẫu hứng nào đấy thầy Dương nói lên chăng. Tuy nhiên, nếu không nói ra thì tốt, ví dụ như bài giảng đó không có từ mẹ, rồi không có những ví dụ mà người ta cho là nhạy cảm thì bài giảng, cách giảng đó là hay.
Với bài giảng này của TS Dương, tôi cho rằng không nên dùng để giảng cho sinh viên, bởi vì các em còn rất trẻ, mới bước ra khỏi ngưỡng cửa phổ thông, chưa va chạm nhiều. Thêm vào đó, chắc chắn với bài giảng này, các em cũng chưa đủ khả năng để tiếp thu những cái hay, sâu sắc của chuyên môn, nhưng những cái từ không hay trong bài giảng thì có thể các em sẽ tiếp thu ngay. Và việc dùng những từ đó sẽ khiến sinh viên có thể cho rằng thầy này không trong sáng chẳng hạn. 
PV: Nếu như TS Dương không dùng những từ thô tục này thì liệu rằng trường ĐH Đại Nam có mời thầy Dương về dạy?
TS Lê Đắc Sơn: Tôi nói thật là, nếu mà thầy Dương không dùng những ngôn từ như thế thì chúng tôi sẽ mời thầy Dương về dạy thạc sĩ cho trường vì chắc chắn thầy Dương không có nhiều thời gian để dạy sinh viên. Tuy nhiên tôi cũng phải nói thêm, chúng ta phải xem, việc thầy Dương dùng những từ ngữ như vậy trong giảng dạy có phải là hệ thống không, hay chỉ là sự ngẫu hứng nhất thời. Như thế sẽ công bằng hơn cho thày.
PV: Theo Tiến sĩ, những vấn đề khô cứng như kinh tế thì có cần “phá cách” như cách làm của TS Dương? 
TS Lê Đắc Sơn: Tôi cho rằng việc giảng dạy thoát li khỏi giáo án, đưa các ví dụ, các tình huống, phân tích thực tế để gắn vào trong bài giảng là cần thiết, tạo cho học viên sự hứng thú, tiếp thu, tập trung hơn. Ở nước ngoài người ta giảng như vậy và ở nước ta trong các lớp nâng cao, nhiều thầy, thậm chí là tôi khi giảng các lớp thạc sĩ, tiến sĩ trong trường ĐH Đại Nam cũng giảng như vậy.  
Nhưng nói là “phá cách” bằng cách đệm những từ nọ, từ kia là không thể được. Nếu như TS Dương dùng bài giảng đó không phải là ở trên lớp mà là một buổi nói chuyện với nhau xung quanh là một ấm trà, một tách cà phê thì thôi, ta có thể bỏ qua, bởi vì con người nào cũng có những phút đời thường. 
Tuy nhiên, khi đã lên bục giảng rồi thì không nên dùng, đệm vào những từ đó vào, bởi ở dưới còn là học trò của mình. Có thể trong học viên, có người cho rằng như thế là bình thường nhưng cũng có người sẽ nói, thầy này nói thế là thô quá chẳng hạn thì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng và hình ảnh người thày. 
PV: Tuy nhiên theo khảo sát của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì phần lớn độc giả lại đồng tình với cách giảng bài này. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS Lê Đắc Sơn: Theo tôi, những người bình chọn là những người đã xem kĩ video clip đó và chính chúng tôi khi xem xong clip đó cũng rất thích cách dạy, cách diễn đạt về chuyên môn, lồng những ví dụ vào bài giảng của thầy Dương. Có lẽ vì vậy mà số đông lại thích.
Còn lại, vì câu này, câu kia mà cũng có một số % người không thích thì tôi cho họ cũng có cái lí của họ. Bởi mỗi người đều có cái quyền đánh giá khác nhau. Như tôi đã nói, nếu như thầy Dương không dùng những từ nó không hay thì bài giảng đó là tuyệt vời.
PV: Tiến sĩ có thể đưa ra một vài nhận xét về cách giảng dạy đại học của chúng ta hiện nay?
TS Lê Đắc Sơn: Tôi cho rằng, cách giảng dạy đại học của chúng ta hiện nay vẫn theo lối cũ, tức là thầy đọc – trò chép. Kiến thức thì hàn lâm, khô cứng. Tôi cũng không nắm rõ số liệu nhưng phải đến 70 % các bài giảng hiện nay là như vậy còn lại 30% là tùy thuộc vào các thầy. 
Nếu các thầy có tâm huyết, yêu nghề, muốn xây dựng những bài giảng thực sự hấp dẫn cho sinh viên thì các thầy có thể học tập cách giảng hết sức thực tế, cách li giáo án, cách đi lại, phong cách của thầy Dương, điều đó sẽ khiến sinh viên chú tâm hơn vào bài giảng.
PV: Theo tiến sĩ, người thầy có ảnh hưởng như thế nào đối với người học?
TS Lê Đắc Sơn: Tôi cho rằng, đã là thầy phải là một tấm gương không chỉ về chuyên môn mà còn về cách giao tiếp, ăn nói, ứng xử. Bởi vì sinh viên là tờ giấy trắng, nhìn các thầy như những tấm gương đi trước, người ta quan sát rất kỹ. Cho nên là các thầy cũng không nên tùy tiện thể hiện trước sinh viên những cái gì đó quá thật với bản năng con người. 
Trong quá trình dạy các thầy không chỉ dạy chuyên môn mà còn phải dạy cả kỹ năng, lối sống, đạo đức để sinh viên sống tốt hơn. Các em đến trường học không phải chỉ để học chuyên môn mà còn phải được học cả những bài học  đạo đức, cách cư xử, đối nhân xử thế…
Ở trường Đại Nam chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các thầy phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và tự tu dưỡng đạo đức của mình để làm sao làm tấm gương cho các em noi theo. Và chúng tôi cũng có các khảo sát để sinh viên đánh giá một cách khách quan về năng lực chuyên môn, đạo đức của các thầy. Từ đó giúp các thầy tự hoàn thiện mình hơn.
Thành Chung (thực hiện)