TS Nguyễn Xuân Thủy: “Làm hầm qua sông Hồng, lãng phí là có tội lớn với dân”

20/12/2013 09:18
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Tôi không biết là Hà Nội nghe ai tham mưu nhưng nếu làm như vậy thì chắc chắn là lãng phí".
Trong báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, Hà Nội sẽ làm 15 cầu và một hầm vượt sông Hồng. Trong đó có tám cầu vượt sông Đuống, ba cầu vượt sông Đà và các cầu vượt sông Đáy. 

Liệu chủ trương này của Hà Nội có thực sự cần thiết hay sẽ là một sự lãng phí lớn? PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới.

TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.
TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.
PV: Thưa TS Nguyễn Xuân Thủy, Hà Nội đã có thông tin làm hầm chui qua sông Hồng. Liệu biện pháp này có thực sự cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Cho tới giờ phải khẳng định việc làm hầm Thủ Thiêm là một sai lầm của TP.HCM, vô cùng tốn kém trong khi có các giải pháp khác thì không làm.
Hầm Thủ Thiêm bây giờ lâu lâu lại rỉ nước, điều đó cho thấy kỹ thuật kém. Nhưng đó là chuyện đã rồi, cho nên Hà Nội phải coi đấy là bài học kinh nghiệm quý giá chứ không thể cứ làm cho được mà không tính tới năng xuất hiệu quả thế nào, trong khi đất nước còn nghèo, còn biết bao nhiêu thứ phải chi, và ngay tại đất Hà Nội thì cũng còn biết bao nhiêu gia đình khổ cực, nhất là ở những địa phương mới được sáp nhập vào Hà Nội. Một hầm như vậy tốn bằng hai ba lần làm cây cầu bên trên, vậy tại sao không chọn giải pháp làm cầu trên cao và dành số tiền còn lại cho dân nghèo?

"Tôi không biết là Hà Nội nghe ai tham mưu nhưng làm như vậy thì chắc chắn là lãng phí. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân đấy, đầu tư mà không khai thác hiệu quả thì có tội lớn với dân. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm? Chẳng ai cả! Buồn cười là ở chỗ đấy". TS Nguyễn Xuân Thủy.

 Làm hầm là một biện pháp đặc biệt và chỉ một vài quốc gia lựa chọn biện pháp này vì muốn chứng tỏ kỹ thuật công nghệ cao của họ hoặc áp dụng vào những tình huống bất khả kháng.

Tôi lấy thí dụ hầm chui qua eo biển Măng-Xơ có cho ô tô chạy đâu, mà chỉ có tàu chạy thôi. Như vậy, người ta đã tính tới hai lý do: Thứ nhất, tàu chạy sẽ năng xuất hơn ô tô; Thứ hai tàu chạy an toàn hơn ô tô.

Quá nhiều ô tô chạy qua mà không xử lý tốt khâu thoát khí thải thì sẽ rất phức tạp, đó là chưa kể chẳng may có cháy nổ xe trong lúc di chuyển dưới hầm thì còn có thể là một thảm họa. Hiện nay trên thế giới rất nhiều quốc gia có kinh tế mạnh hơn Việt Nam nhiều lần như Anh, Nga cũng làm cầu trên cao, chỉ có vài quốc gia có hầm chui qua sông.

PV: Làm hầm chui qua sông Hồng có gì ưu việt hơn so với làm cầu không, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Làm hầm chui chẳng hơn gì làm cầu trên cao, hài hước là ở chỗ nó chỉ tốn kém hơn và mất an toàn hơn.
PV: Vậy ông khẳng định làm hầm chui qua sông Hồng là một sự lãng phí?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi không biết là Hà Nội nghe ai tham mưu nhưng làm như vậy thì chắc chắn là lãng phí. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân đấy, đầu tư mà không khai thác hiệu quả thì có tội lớn với dân. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm? Chẳng ai cả! Buồn cười là ở chỗ đấy.
Trước đây, báo chí đã nói nhiều về con đường đắt nhất hành tinh ở Thủ đô. Đó là vào năm 2005, đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa dài 1km mà tiêu tốn 773 tỷ đồng. Và trước đó, đoạn đường Voi Phục – Cầu Giấy dài 550m mà tiêu tốn tới 113 tỷ đồng. Gần đây thì có cả một sân vận động tốn tới 200 tỷ đồng ở huyện Hoài Đức, trong khi dân ở đó thì nghèo chứ giàu có gì? Rồi thì những nhà vệ sinh công cộng bạc tỷ mà nhiều người ví là nó được “dát vàng”. Sắp tới người ta tính làm cả con đường từ Nguyễn Văn Cừ đến đê tả ngạn sông Hồng dài 1,5km mà ngốn hết 1000 tỷ đồng…
Trong khi đó dự án làm tàu điện ngầm rất cần thiết thì nói đi nói lại bao nhiêu năm nay chưa làm được, có những thời điểm người ta giải thích là không có đủ tiền. Và cho tới giờ phương tiện công cộng đi lại của thành phố chỉ vẫn chỉ có duy nhất xe buýt, và chất lượng của loại phương tiện này cũng rất bát nháo, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô.
Năm nay, Chính phủ đã xin nới trần bội chi và xin phát hành 170 nghìn tỷ trái phiếu để đầu tư cho một loạt các dự án. Cả nước gặp khó khăn nhưng hình như Hà Nội không khó khăn thì phải?
Theo tính toán của TS Nguyễn Xuân Thủy, làm hầm chui qua sông Hồng tốn gấp hai ba lần làm cầu trên cao, đó là một sự lãng phí.
Theo tính toán của TS Nguyễn Xuân Thủy, làm hầm chui qua sông Hồng tốn gấp hai ba lần làm cầu trên cao, đó là một sự lãng phí.
PV: Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng tiêu tiền ngân sách lãng phí?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Xin nhắc lại là ngoài những dự án vừa nói ở trên thì Hà Nội còn một loạt công trình khác tốn kém và không đạt hiệu quả, điều đó cũng thể hiện tầm nhìn của những người được giao trọng trách làm công tác quy hoạch, đó là: Xây dựng cầu Thăng Long quá sớm, vào năm 1985 một cây cầu đồ sộ tốn nhiều tỷ đồng hoàn thành, nhưng đáng tiếc khi hoàn thành rồi mới thấy rất ít phương tiện đi lại. Và cho tới cả chục năm sau này khi mà cây cầu đã có nhiều triệu chứng hỏng thì mới thực sự khai thác được. Trong khi đó cầu Long Biên thì quá cũ và ùn tắc, và việc hoàn thành cầu Chương Dương vào năm 1986 cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vì cây cầu này quá nhỏ
Hà Nội cũng đã dỡ bỏ khoảng 40km tàu điện do người Pháp xây dựng. Tàu điện là loại phương tiện không bao giờ thiếu được với sự phát triển của các đô thị trên thế giới. Nó an toàn, có khả năng chịu tải cao. Đáng lý ra người ta phải duy trì và phát triển nó thì vào năm 1989 lại dỡ bỏ với lý do đường trật chội.
Trong khi đó, xây dựng các cầu vượt sông Hồng và cầu vượt ở các ngã tư lập thể lại quá chậm. Sau gần 25 năm kể từ khi hoàn thành cầu Chương Dương, chúng ta mới có thêm cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy, tốc độ xây dựng cầu như vậy là quá chậm, trong khi ở những quốc gia tiên tiến thì ở thành phố có con sông lớn như vậy họ phải đặt tới cả chục cây cầu.
Còn cầu vượt ở ngã tư lập thể  thì chúng tôi đã từng cảnh báo và nói rất nhiều lần nhưng 10 năm sau TPHCM và Hà Nội mới làm, và cứ đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông kém.
Gần nhất, những cây cầu bộ hành ở nút giao cắt Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, đồng nghĩa phải phá dỡ hai cầu bộ hành gần các nút này, gây tốn kém nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, không có ai đứng ra nhận trách nhiệm, thậm chí những người có trách nhiệm trong ngành giao thông của thành phố lại coi đấy là chuyện bình thường.
Gần đây, tôi thấy nhiều người nói về việc phải gắn trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo ở từng tổ chức với công việc. Tôi ủng hộ điều đó, làm như vậy là đúng, như vậy sẽ loại bỏ được tình trạng núp bóng tập thể để ra quyết định, cho dù sai cũng không bị kỷ luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)