TS Phạm Mạnh Hà: “Luyện chỉ là hệ quả của sự biến đổi xã hội”

01/04/2012 07:27
Viết Cường
(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần cân nhắc việc sửa lại Bộ Luật Hình sự còn TS Phạm Mạnh Hà cho biết, Luyện chỉ là hệ quả của sự biến đổi xã hội.
Ngay sau khi phiên xử Lê Văn Luyện kết thúc, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và TS Phạm Mạnh Hà về nguyên nhân xuất phát hành động dã man tàn độc của Lê Văn Luyện và bài học qua vụ án này.

“Cần cân nhắc việc sử lại Bộ Luật Hình sự”

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "cần sửa lại Bộ Luật Hình sự"
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "cần sửa lại Bộ Luật Hình sự"

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Qua vụ án Lê Văn Luyện và một số vụ án khác xảy ra gần đây, có thể thấy số lượng tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Trước thực trạng đáng lo ngại này, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc sửa lại quy định của Bộ luật Hình sự về khung hình phạt đối với vị thành niên trong trường hợp phạm tội dã man để tăng sức răn đe.

Ngoài ra, cần phải tìm biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Hiện nay có nhiều gia đình mải lo làm ăn mà không quan tâm đến con cái. Thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình là một trong những điều kiện nảy sinh hành vi phạm tội ở vị thành niên.”

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, qua vụ án này, cũng có thể thấy quan niệm sống và đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội đang suy thoái nghiêm trọng. Lê Văn Luyện có khuôn mặt bình thường như bao thanh thiếu niên khác, thậm chí còn có vẻ sáng sủa, hiền lành, nhưng trước vành móng ngựa, y tỏ một thái độ lạnh lùng, vô cảm như một sát thủ chuyên nghiệp, rất đáng kinh ngạc và phẫn nộ.

Khi nghe tên Luyện khai báo trước tòa, một nhóm thanh thiếu niên bên ngoài sân tòa án còn vỗ tay hoan hô. Trên một số diễn đàn mạng, xuất hiện những nhóm tự xưng là đàn em của Luyện. Những hành động này có thể là suy nghĩ lệch lạc nhất thời hoặc thể hiện sự phản ứng của một bộ phận nhỏ với xã hội, tuy nhiên thái độ như vậy trước hành động cướp của giết người hết sức dã man, tàn bạo của tên Luyện là không thể chấp nhận được.

Gương mặt lạnh lùng của Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa
Gương mặt lạnh lùng của Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa

Bên cạnh việc chú trọng giáo dục nhân cách cho giới trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “pháp luật nên có hình thức xử phạt đối với cha mẹ hay người giám hộ khi trẻ vị thành niên phạm tội.

Tuy vụ án Lê Văn Luyện đã khép lại nhưng những dư âm về vụ án kinh hoàng đó chắc chắn vẫn còn đọng mãi với lời nguyền rủa kẻ sát nhân của mỗi người lương thiện. Từ vụ án này, các bạn trẻ cần rút ra cho mình những bài học bổ ích. Cuộc sống tạo hóa ban cho mỗi người chỉ có một lần. Hãy sống cho xứng đáng. Đừng đánh mất cơ hội được sống hạnh phúc và tước đoạt cơ hội sống hạnh phúc của người khác chỉ vì những dục vọng thấp hèn”.

“Luyện là hệ quả của sự biến đổi xã hội”

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa Tâm lí học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có góc cho rằng “Luyện chỉ là một nạn nhân, là hệ quả của sự biến đổi xã hội”.

TS Phạm Mạnh Hà thì cho rằng "Luyện chỉ là hệ quả của sự biến đổi xã hội"
TS Phạm Mạnh Hà thì cho rằng "Luyện chỉ là hệ quả của sự biến đổi xã hội"

Theo quan điểm của TS Hà: “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh tới thực tế của xã hội hiện nay bởi đất nước ta vài năm trở lại đấy có nhiều thay đổi và biến động, nó làm đảo lộn giá trị. Một bộ phận nhỏ bây giờ dường như chỉ quan tâm đến kinh tế mà quên đi những giá trị nhân văn cao đẹp về con người, về quyền làm người.

Trong khi kinh tế tăng trưởng thì giá trị nhân văn lại chưa phát triển tương xứng với đó, ảnh hưởng của pháp luật đối vớii con người chưa đủ lớn. Lớp trẻ thiếu sự quan tâm của xã hội, nhiều gia đình chỉ chăm chăm cố gắng lo cho con cái đầy đủ về vật chất, nhà trường thì chỉ mải mê truyền thụ bồi dưỡng cho các em về kiến thức khoa học mà ít quan tâm bồi dưỡng đến những giá trị nhân văn. Như vậy, lòng người sẽ dần khô cằn, sẽ độc ác, nhiều dã tâm và những người như Lê Văn Luyện sẽ còn xuất hiện”.

Khi được hỏi tại sao một hành động dã man như thế của Luyện lại được một bộ phận giới trẻ tung hô? Thầy Hà cho rằng: “Việc có một số bạn trẻ tại phiên tòa đã tung hô Luyện đó không phải là sự ngưỡng mộ về hành động giết người tàn bạo mà do các bạn trẻ thấy được trong chính con người Luyện có “chất” mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang thiếu đó là việc dám nghĩ, dám làm trong khi đó lớp trẻ hiện nay luôn bị ngăn cấm, cấm đủ thứ. Ở nhà bị cha mẹ cấm, đến trường bị thầy cô cấm…các bạn không có những cái quyền mà đáng ra các bạn được hưởng. Vì vậy mà lớp trẻ luôn mong muốn được tôn trọng, thừa nhận từ gia đình, xã hội”. 

Viết Cường