Tử tế với nhau, huyện Như Thanh đã không đẩy 16 lao động Mầm non ra đường

11/06/2017 06:08
THỤY DU
(GDVN) - Xét cho cùng là giáo viên hay kế toán, hợp đồng hay biên chế thì họ cũng đều là con người, không thể thích dùng thì dùng, không thích là cắt/dừng hợp đồng

Vừa dừng hợp đồng lại xin tuyển mới

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vừa có công văn xin tuyển mới 18 nhân viên kế toán đang hợp đồng tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn huyện (trong đó có 17 kế toán Mầm non, 1 kế toán Tiểu học) sau khi dừng hợp đồng với 16 kế toán Mầm non tại huyện này.

Công văn số 158/UBND-NV, ngày 20/3/2017 của Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh gửi Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa về việc xin chủ trương hợp đồng lao động đối với kế toán các trường Mầm non nêu rõ:

"Đề nghị Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa xem xét, cho chủ trương thực hiện hợp đồng 18 nhân viên kế toán đang hợp đồng tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn (17 kế toán Mầm non, 1 kế toán Tiểu học).

Cùng ngày, huyện này tiếp tục ra văn bản số 40/PA-UBND về phương án sắp xếp, sử dụng nhân viên kế toán năm học 2016-2017.

Theo đó, nếu được chấp thuận, Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh sẽ thông báo rộng rãi, công khai theo quy định về đối tượng, số lượng được tuyển và các tiêu chí được tuyển...

Nhiều kế toán từng có thâm niên công tác tại các trường Mầm non trên địa bàn huyện Như Thanh bỗng dưng mất việc. Ảnh: Thụy Du.
Nhiều kế toán từng có thâm niên công tác tại các trường Mầm non trên địa bàn huyện Như Thanh bỗng dưng mất việc. Ảnh: Thụy Du.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngày 9/8/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch số 120/KH-UBND về việc sắp xếp, bố trí và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính ở các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Kế hoạch này nêu rõ: "Sau khi thực hiện việc điều động, thuyên chuyển, tuyển dụng, hợp đồng theo quy định, nếu số biên chế còn dôi dư, số hợp đồng ngoài biên chế đang làm giáo viên, nhân viên tại các trường học không được tuyển dụng hoặc không được tiếp tục hợp đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố lập kế hoạch tinh giản biên chế đối với số giáo viên dôi dư và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định hiện hành của pháp luật".

Như vậy, sau khi thực hiện điều động, luân chuyển nhân sự, huyện Như Thanh còn thiếu 18 nhân viên kế toán (trong đó có 16 kế toán Mầm non vừa bị dừng đồng).

Tử tế với nhau, huyện Như Thanh đã không đẩy 16 lao động Mầm non ra đường ảnh 2

Chủ tịch huyện Như Thanh phải chịu trách nhiệm khi sử dụng lao động trái luật

Nhưng thay vì bố trí nhân sự dôi dư vào các vị trí việc làm còn thiếu sau khi thực hiện rà soát, để hoạt động giáo dục không bị gián đoạn, xáo trộn, thì huyện này vẫn ra quyết định chấm dứt hợp đồng với tất cả các kế toán nói trên, rồi lại xin tuyển mới. 

Đây là một nghịch lý khó chấp nhận trong cách sử dụng lao động tại huyện ​nhà.

Bởi sau dừng hợp đồng lao động với số kế toán nói trên, Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh buộc phải sử dụng phương án "bất đắc dĩ" theo phương thức "kế toán liên trường" (tức 1 kế toán kiêm nhiệm 2 cơ sở giáo dục) vì thiếu nhân sự.

Lý giải về những nghịch lý trong việc sử dụng lao động tại huyện Như Thanh, lãnh đạo huyện này cho rằng, việc dừng hợp đồng đối với 16 kế toán là do "chỉ đạo của tỉnh về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động". Còn tuyển mới lao động là do "thiếu nhân sự".

Hay nói một cách dễ hiểu hơn theo cách lý giải của lãnh đạo huyện Như Thanh, số lao động là kế toàn Mầm non ngoài biên chế bị dừng hợp đồng lao động sau khi có chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, điều này xét về lý (tại kế hoạch 120) và tình đều không phù hợp.

Mặt khác, việc đánh giá một người lao động làm được việc hay không được việc không nằm ở từ "biên chế" hay "hợp đồng" lao động mà chính là chất lượng và hiệu quả công việc lao động đó mang lại.

Tử tế với nhau, huyện Như Thanh đã không đẩy 16 lao động Mầm non ra đường ảnh 3

Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa

Đó là chưa kể tới việc, có biết bao nhiêu người lao động nằm trong diện biên chế yếu về năng lực chuyên môn, nhưng vẫn tại vị, hưởng lương đều đặn từ ngân sách.

Thậm chí, việc ký các quyết định tuyển dụng đó được đó được thực hiện ở những bữa tiệc, trên bàn nhậu hay nhờ các mối quan hệ khác gửi gắm…

Đó là thực tế rất bất công mà nhiều người lao động, đặc biệt đối với 16 kế toán Mầm non huyện Như Thanh vừa bị dừng hợp đồng.

Xét cho cùng là giáo viên hay kế toán, hợp đồng hay biên chế thì họ cũng đều là con người, không thể thích dùng thì dùng, không thích là cắt/dừng hợp đồng.

Càng khó chấp nhận việc một người ốm bắt cả làng uống thuốc như cách nói của Đại biểu hội đồng nhân dân Nguyễn Anh Tuấn (đoàn Hoằng Hóa) khi đề cập tới việc xử lý tuyển dụng công chức, viên chức trái quy định tại nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa.

Đây là hành động thể hiện sự không công bằng trong tuyển dụng và tư duy có vấn đề của lãnh đạo huyện này trong việc sử dụng lao động.

Và nếu huyện Như Thanh có trách nhiệm với người lao động thì lãnh đạo huyện này lại không thẳng tay đẩy người lao động hợp đồng ra đường, rồi lập tức xin tuyển mới một cách rốt ráo như vậy.

Việc cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới nếu không phải là hành vi khuấy nước đục để thả câu thì là cái gì?

Cuộc "chạy đua" để giành suất hợp đồng

Một "kịch bản" tuyển dụng mà ai cũng có thể đoán trước đó là "cuộc đua" để giành vị trí, chỗ đứng nếu huyện này được chấp thuận chủ trương tuyển dụng lao động kế toán Mầm non.

Và tất nhiên, nếu căn cứ vào phương án 40/PA-UBND về phương án sắp xếp, sử dụng nhân viên kế toán năm học 2016-2017, thì đối tượng được tuyển không chỉ gói gọn trong 16 kế toán vừa bị sa thải mà sẽ có hàng trăm sinh viên khác vừa mới ra trường cùng chen chân vào suất tuyển dụng.

Ai có thể biết được việc tuyển dụng mới này sẽ minh bạch, công bằng ra sao, hay lại theo kiểu "nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ"?

Lê Văn Hùng (đứng) - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Như Thanh (ảnh: Thanhhoa.gov.vn).
Lê Văn Hùng (đứng) - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Như Thanh (ảnh: Thanhhoa.gov.vn).

Lo lắng đó là có cơ sở, khi trong cuộc trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo huyện Như Thanh, thừa nhận có “cơm, rượu, thịt” trong việc ký hợp đồng, tuyển dụng lao động trước đó.

Điều này chỉ những người trực tiếp làm công tác tuyển dụng và người lao động mới hiểu rõ.

Cô giáo Phan Tuyết trong bài "Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu" từng đặt ra nghi vấn xung quanh việc tuyển dụng khó hiểu kiểu như thế này như sau:

"Sẽ công bằng chỗ nào khi bao lao động là giáo viên, nhân viên đã cống hiến cho ngành giáo dục hơn chục năm trời với biết bao thành tích đáng tự hào.

Nay bỗng mất việc làm và nhường chỗ cho một số người thiếu năng lực, thiếu tâm đức hay một số sinh viên vừa ra trường nhưng lại có ưu thế mạnh hơn về mọi mặt?

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao phải làm thế?

Xin nhắc lại câu trả lời chỉ người trong cuộc mới biết".

Sẽ có phương án nhân sự

Trước đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh về việc xin tuyển mới cả chục kế toán Mầm non, hôm 7/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh sẽ xem xét giải quyết nhu cầu nhân sự tại huyện này.

"Hiện chúng tôi đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tham mưu xử lý đề xuất này. Trong tuần tới sẽ có báo cáo cụ thể", ông Quyền nói.

Cần phải nhắc lại rằng, hàng chục năm qua, lãnh đạo huyện Như Thanh đã sử dụng tất cả số lao động Mầm non nói trên trái quy định của pháp luật (lao động không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các quyền khác lợi đi kèm theo quy định). 

Điều rất khó lý giải nằm ở chỗ, sau khi ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định dừng hợp đồng lao động đối với 16 kế toán Mầm non theo chủ trương của tỉnh, thì huyện này lại tiếp tục “ủy quyền” cho các cơ sở giáo dục này ký hợp đồng, sử dụng lao động trái quy định với người lao động (3 tháng ký lại 1 lần) đối với số lượng kế toán nói trên.

Đến nay, dù công luận lên tiếng, người lao động phản ứng, nhưng trách nhiệm của người sử dụng lao động (Lê Minh Giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh; ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch huyện Như Thanh đương nhiệm cùng các cơ quan tham mưu khác) sai nguyên tắc vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.

Thậm chí ngay đến cơ quan có liên quan mật thiết tới việc bảo vệ lợi quyền của người lao động (liên đoàn lao động huyện Như Thanh, Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa) cũng không có phản ứng gì khi huyện này sử dụng lao động sai luật.

Điều bất thường cũng nằm ở chỗ, cả chục năm trời với hàng chục cuộc thanh tra theo đủ các thể loại nhưng vẫn không phát hiện ra vi phạm trong việc sử dụng lao động trái luật này. 

Về trách nhiệm xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc sử dụng lao động trái quy định nói trên, ông Phạm Đăng Quyền từ chối trả lời với lý do bận xử lý công việc.

"Lúc nào em vào anh gặp sẽ trao đổi, bây giờ anh đang bận xử lý công việc", ông Quyền nói.

THỤY DU