Tử tù dùng tăm thêu đơn: Chứng cứ quan trọng bị bỏ qua

28/11/2013 13:20
Theo Nguoiduatin
(GDVN) -Trao đổi với nhân chứng quan trọng nhất của vụ án, anh Trần Quang Tuất (SN 1982, thôn 3, Tân Tạo, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương) một mực khẳng định với báo Người đưa tin: "Tôi bị dùng nhục hình ép cung, chứ chắc chắn Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án vào đêm 14/7/2007 vì lúc đó Chưởng đang ở nhà tôi. Việc này có vợ tôi làm chứng".

Những bằng chứng do anh Tuất đưa ra là hoàn toàn phù hợp với trình bày của hàng loạt nhân chứng đang sống tại địa bàn, thôn 3, Tân Tạo, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương.

Người đầu tiên là trình bày của bà Nguyễn Thị Bích, mẹ của tử tù Chưởng: "Khoảng 20h ngày 14/7/2007, Chưởng đi xe máy cùng một người bạn tên Trường về nhà, sau đó còn đèo bạn đến nhà một số người trong xóm chơi. Đến khoảng 22h cùng ngày, Chưởng và bạn về nhà ngủ".

Suốt 5 năm trời, cha tử tù Chưởng đã gửi cả hàng ngàn lá đơn kêu oan, đơn xác nhận của các nhân chứng Chưởng vô tội đến các cơ quan chức năng.
Suốt 5 năm trời, cha tử tù Chưởng đã gửi cả hàng ngàn lá đơn kêu oan, đơn xác nhận của các nhân chứng Chưởng vô tội đến các cơ quan chức năng.

Bà Bích cũng cho biết thêm, tối hôm 14/7/2007, trong lúc đi chơi, Chưởng và Trường còn gặp nhiều người trong làng như bà Nhiễu bán nước, cô Mến (bạn của em trai Chưởng) và có đến nhà Tuất chơi. Việc này được những người kể trên xác nhận.

Ngoài ra còn trình bày của chị Đồng Thị Mai, vợ của anh Trần Quang Tuất, người có mặt cùng Tuất ở nhà tiếp đón tử tù Chưởng và bạn của Chưởng. Tất cả đều khẳng định, vào thời điểm đó, Chưởng chứ không phải ai khác đang có mặt tại địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Bảy, vợ của bị can Chưởng khẳng định, tối 14/7/2007, Chưởng và anh bạn tên Trường, sau khi ăn cơm tại quán cà phê cùng chị Bảy, đã sửa xe ở hàng bên cạnh rồi cùng nhau đi về Hải Dương. Mãi 23h hôm sau (ngày 15/7/2007) mới cùng nhau quay lại quán cà phê Thiên Thần.

Mỗi lần gặp người thân là mỗi lần tử tù Chưởng đều nhắm mắt, nuốt những giọt nước mắt oan hận vào lòng, sợ làm bố mẹ buồn.
Mỗi lần gặp người thân là mỗi lần tử tù Chưởng đều nhắm mắt, nuốt những giọt nước mắt oan hận vào lòng, sợ làm bố mẹ buồn.

Anh Tuất còn cho biết: “Dù họ có ép tôi nói sai sự thật đi chẳng nữa, nhưng xác minh bảng chấm công của anh Khoa, người nhận công trình và trực tiếp thuê tôi và Sơn lăn sơn ở ngôi nhà trên đường Văn Cao (Hải Phòng) đã nói lên tất cả”.

“Hôm đó là ngày 14/7/2007, có ghi rõ trong bảng chấm công và đó cũng là ngày du nhất tôi và Sơn làm việc tại Hải Phòng. Hôm đó trời mưa, 21h15 phút đêm hôm đó, tôi còn về che bạt cho đám dưa của vợ chờ người cân và Chưởng đến chơi. Không có chuyện tôi nhớ nhầm sang ngày khác. Dù họ có ép tôi phải khai là nhớ nhầm nhưng sự thật thì không thể thay đổi”, anh Tuất cho biết thêm.

Cũng theo anh Tuất, sau hôm đó, Công an Hải Phòng có xuống gặp anh Khoa xác minh bảng chấm công này, nên đó có thể coi là bằng chứng cho việc Chưởng không có mặt tại hiện trường nhưng không hiểu sao họ lại bỏ qua chứng cứ này.
Mỗi lần xuống thăm con trong trại giam là mỗi lần ông Nguyễn Trường Chinh đau đớn. Biết con vô tội, nhưng ông chẳng biết phải làm thế nào.
Mỗi lần xuống thăm con trong trại giam là mỗi lần ông Nguyễn Trường Chinh đau đớn. Biết con vô tội, nhưng ông chẳng biết phải làm thế nào.

“Nó có là siêu nhân đi nữa cũng không thể bay kịp xuống Hải Phòng để giết người. Không hiểu vì lý do gì mà họ cứ cố gắng để làm sai tất cả bằng chứng của vụ án giết người nguy hiểm này”, ông Chinh, bố tử tù Chưởng buồn bã cho hay.

Điều làm dư luận tại địa phương không khỏi bất bình là Công an Hải phòng lại bỏ qua tất cả những chứng xác thực này và một người dân đã bị khép vào tội tử hình./.

Theo Nguoiduatin