Tướng Đạm: Có dấu hiệu “nội gián” cho cướp biển lộng hành ở châu Á

18/01/2015 08:04
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho biết như trên, sau khi điều tra các vụ cướp biển thời gian qua, nhất là năm 2014.

Theo thống kê mới đây của Cơ quan hàng hải quốc tế/(IMB), các vụ cướp tàu chở dầu trên toàn cầu đã tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 21 vụ vào năm 2014. Hơn nữa, trong năm 2014, 75% các vụ cướp biển được toàn thế giới thống kê đều xuất hiện ở khu vực châu Á. Xu hướng này đang gây quan ngại rất lớn với toàn bộ khu vực.

Trước thực trạng này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về báo cáo của IMB và theo ông vì sao số vụ cướp tàu chở dầu lại có xu hướng tăng lên như thế?

Thiếu tướng TS. Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: QĐND)
Thiếu tướng TS. Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: QĐND)

Số vụ cướp tàu chở dầu trên toàn cầu năm 2014 không chỉ tăng so với năm 2013 mà trong vài năm trở lại đây, con số đó cũng tăng dần.

Nguyên nhân là bởi “mục tiêu” của bọn cướp ở Eo Malacca khác với bọn cướp biển ở Somalia. Ở Eo Malacca, cướp biển chủ yếu cướp tài sản, hạn chế giết người trong khi ở Somalia, cướp biển thích bắt người rồi đòi tiền chuộc hơn. Tất nhiên, cũng có những vụ cướp biển giết người, nhưng không phổ biến.

Xăng dầu lại là loại tài sản dễ bán, dễ giấu tung tích nhất, hơn nữa lượng tiêu thụ trên biển về xăng dầu rất lớn và có nhiều loại hình tiêu thụ như tàu cá, tàu buôn, tàu giao thông vận tải…Do vậy, cướp biển hay để ý tới các tàu chở dầu hơn cả.

IMB đặc biệt nhấn mạnh thực tế là trong số gần 200 vụ cướp xảy ra ở khu vực châu Á thì chủ yếu và nghiêm trọng nhất vẫn là nhằm vào các tàu chở dầu cỡ nhỏ lưu thông trên các vùng duyên hải ở khu vực Đông Nam Á. Vì sao chúng lại hay tấn công tàu chở dầu cỡ nhỏ và lại chọn khu vực trên thưa ông?

Tướng Đạm: Có dấu hiệu “nội gián” cho cướp biển lộng hành ở châu Á ảnh 2Báo cáo đáng chú ý về nạn cướp biển tại khu vực châu Á

(GDVN) - Thực tế này theo IBM là đáng báo động bởi thống kê về các vụ cướp tàu chở dầu trên toàn cầu đã tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 21 vụ vào năm 2014.

Sở dĩ chúng chọn tàu cỡ nhỏ vì những tàu cỡ nhỏ có nhiều thuận lợi hơn khi tấn công. Phương tiện của bọn cướp biển ở Eo Malacca chủ yếu là xuồng cao tốc. Những tàu hút dầu cũng là tàu cỡ nhỏ. Việc leo trèo, lên xuống từ các xuồng cao tốc lên các tàu hút dầu cỡ nhỏ cũng dễ dàng hơn các tàu lớn vì tàu lớn có be mạn lớn hơn. Chưa kể tàu nhỏ cũng có số thuyền viên ít hơn nên khả năng chống cự cũng sẽ thấp hơn tàu lớn.

Các vùng duyên hải ở khu vực Đông Nam Á là tuyến nhiều tàu chở dầu hay đi qua. Theo thống kê có tới 70 – 90% tàu chở dầu thô đi qua khu vực này để về Nhật Bản, Hàn Quốc. Do vậy không có gì là khó hiểu khi các vụ cướp hay xảy ra ở khu vực này.

Ông Đặng Minh Thao, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Hóa dầu VP, cho rằng việc tàu VP ASPHALT 2 bị cướp một lần nữa cho thấy cướp biển giờ đây không chỉ thực hiện những vụ việc có quy mô lớn như trước mà còn sẵn sàng làm “những việc hết sức vặt vãnh”: khi không cướp được hàng trên tàu thì cướp đồ của thuyền viên. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?

Đã gọi là cướp biển thì họ cướp tài sản là chính. Bất cứ thứ gì có giá trị họ đều lấy. Theo đánh giá của chúng tôi, ở Eo Malacca, cướp biển chỉ tập trung vào việc cướp tài sản chứ không bắt người rồi yêu cầu chuộc như ở Somalia.

Làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trên trong thời gian tới thưa ông?

Cơ quan chức năng của Việt Nam chuẩn bị khám nghiệm tàu VP Asphalt 2 ngày 13/12/2014 (Ảnh: NLĐ)
Cơ quan chức năng của Việt Nam chuẩn bị khám nghiệm tàu VP Asphalt 2 ngày 13/12/2014 (Ảnh: NLĐ)

Năm 2012, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã tấn công và bắt giữ thành công một vụ cướp biển. Thời gian qua chúng ta cũng đã hỗ trợ rất nhiều để hạn chế việc này cũng như phối hợp tìm kiếm, xác định nguyên nhân của các vụ cướp.

Để hạn chế tình trạng này, có rất nhiều giải pháp, nhưng trước hết các tàu chở dầu, tàu buôn của chúng ta phải hết sức cảnh giác bằng cách tăng cường quan sát. Khi thấy các xuồng cao tốc tiếp cận, chúng ta phải nhanh chóng đánh giá được khả năng của nó để có biện pháp đối phó kịp thời vì việc tiếp cận các tàu chở dầu cỡ nhỏ cũng không phải quá thuận lợi, quá dễ dàng.

Ngoài ra, chúng ta phải lựa chọn thời điểm và vận tốc đi nhất là ở các vùng hay xảy ra các vụ cướp. Đối với các vùng khả năng bị cướp cao, chúng ta nên đi vào ban ngày. Cùng với đó ta cũng phải tính về vận tốc, hướng đi để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, ta cũng cần tăng cường hệ thống thông tin, quan sát, hệ thống báo động trên các tàu, đảm bảo khả năng liên lạc của các tàu luôn tốt.

Vì sao đã có nhiều giải pháp tốt như trên mà trong thời gian qua tàu chở dầu của Việt Nam vẫn trở thành nạn nhân của các vụ cướp biển thưa ông?

Tướng Đạm: Có dấu hiệu “nội gián” cho cướp biển lộng hành ở châu Á ảnh 4Video: Cách tàu thương mại đối phó với cướp biển

(GDVN) - Đoạn clip quay thật ghi lại cảnh các nhân viên an ninh riêng do tàu thương mại thuê đấu súng với cướp biển Somali.

Đó quả là điều đáng lo ngại. Việc các tàu chở dầu của ta cũng thuộc diện bị tấn công do có nhiều nguyên nhân. Mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp hay, nhưng không phải ai cũng làm như vậy. Hơn nữa bọn cướp biển cũng luôn có những phương thức mới hết sức tinh vi, xảo quyệt để tiếp cận tàu chở dầu.

Thêm vào đó, số lượng tàu chở dầu của ta đi qua khu vực đó rất nhiều với tần suất cao nên dù ta đã cảnh giác cũng chỉ có thể giảm thiểu được rủi ro chứ không thể ngăn chặn tuyệt đối được nhất là khi sự tấn công của bọn cướp biển ngày càng tăng, càng mạnh.

Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có phát hiện ra thủ đoạn nào mới của bọn cướp biển không?

Theo đánh giá của chúng tôi, bọn cướp biển giờ theo dõi mục tiêu ngay từ cảng. Cùng với đó, chúng tìm hiểu hướng di chuyển, hành trinh của mục tiêu từ trước. Ngoài việc theo dõi sát mục tiêu, chúng hay chọn thời điểm đêm tối để dễ tấn công hơn.

Các vụ cướp cũng hay xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa nước nọ, nước kia bởi như thế khả năng tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng hạn chế hơn nên bọn cướp biển dễ tấn công hơn. Chúng cũng thường chọn thời cơ khi các tàu chở dầu mất cảnh giác để tấn công bởi đó là thời điểm đảm bảo an toàn cao nhất cho bọn cướp biển.

Nói như vậy tức là tình trạng này sẽ có xu hướng lan rộng, xuất hiện nhiều hơn trong tương lai?

Cũng khó nói trước điều này. Sau hàng loạt vụ cướp biển ở Somalia, các quốc gia láng giềng đã liên kết với nhau để cùng đối phó. Cùng với đó, các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc cũng tập trung lực lượng đối phó quyết liệt, mạnh mẽ với chúng. Nhờ vậy, số vụ cướp biển ở khu vực này cũng giảm đi rất nhiều.

Còn ở Eo Malacca, trước tình trạng số vụ cướp biển ngày càng tăng, các tổ chức quốc tế trong đó có lực lượng cảnh sát biển châu Á đã họp bàn, đưa ra giải pháp xác định, phối hợp đấu tranh với bọn cướp biển. Tuy nhiên, tôi nghĩ các quốc gia ven biển cũng cần nêu cao trách nhiệm hơn trong việc này.

Theo ông, có ai “chống lưng” để cướp biển lộng hành trong thời gian qua không?

Hiện chưa thể khẳng định được có hay không lực lượng đứng sau hỗ trợ, ủng hộ một cách trực tiếp hay gián tiếp cho bọn cướp biển hay không. Nhưng có những dấu hiệu ở một số tàu bị cướp, sau khi xem lại, chúng tôi đánh giá có hiện tượng nội gián. Tức là khi công ty hoặc thuyền trưởng của tàu chở dầu đó đi thuê người đã không tính toán, tìm hiểu kỹ lịch sử, lai lịch của người được thuê nên đã thuê phải những người có mối quan hệ với cướp biển. Chính những người đó đã cung cấp hành trình, tạo điều kiện để cướp biển tấn công tàu chở dầu.

Đó có phải là khó khăn lớn nhất của cảnh sát biển trong việc chống lại bọn cướp biển không?

Đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Khó khăn lớn nhất hiện nay theo tôi là phải làm sao để các quốc gia láng giềng có trách nhiệm cao hơn, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong việc chống cướp biển. Ở Eo Malacca, theo tôi được biết đối tượng cướp biển chủ yếu là người gốc Indonesia, Malaysia… Do vậy, các quốc gia trên phải có trách nhiệm cao hơn, đấu tranh trên bờ tốt hơn và phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác hơn thì khả năng đẩy lùi, ngăn chặn nạn cướp biển sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN