Tướng Hải quân Trung Quốc xác nhận chế tạo tàu sân bay thứ hai

10/03/2015 07:25
Đông Bình
(GDVN) - Tướng Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai, càng nhiều càng tốt, công nghệ máy phóng "thậm chí tiên tiến hơn Mỹ".
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 9 tháng 3 dẫn tờ "Thương báo" Hồng Kông đưa tin, tàu sân bay 100% do Trung Quốc chế tạo sắp ra đời. Nhiều tướng lĩnh cấp cao Quân đội Trung Quốc ngày 8 tháng 3 trả lời phỏng vấn tờ "Thương báo" Hồng Kông xác nhận, Trung Quốc đã chế tạo tàu sân bay nội thứ hai, tiên tiến hơn tàu sân bay Liêu Ninh.

Phó chính ủy Hải quân Trung Quốc, trung tướng Đinh Hải Xuân cho biết, đợi sau khi ngành chế tạo công nghiệp hoàn thành chế tạo, bàn giao tàu sân bay cho hải quân sẽ triển khai huấn luyện. Chuyên gia động cơ và điện hải quân, thiếu tướng Mã Vĩ Minh nói thẳng rằng, công nghệ cất cánh máy phóng của tàu sân bay Trung Quốc hoàn toàn không thành vấn đề, thậm chí không thua kém Mỹ. Đây là lần đầu tiên Quân đội Trung Quốc công khai xác nhận thông tin tàu sân bay đang chế tạo.

Chắc chắn sẽ có cải tiến

Tin đồn Trung Quốc chế tạo tàu sân bay thứ hai đã có từ lâu, tại lưỡng hội năm 2014 của tỉnh Liêu Ninh và trên microblog chính thức của văn phòng thông tin thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào tháng 1 năm 2015 đều từng xuất hiện thông tin chiếc tàu sân bay thứ hai đang chế tạo.

Nguyên chính ủy Hải quân, Đô đốc Lưu Hiểu Giang ngày 8 tháng 3 trả lời tờ "Thương báo" Hồng Kông cho biết, công tác chế tạo tàu sân bay hiện do ngành chế tạo công nghiệp phụ trách, chắc chắn sẽ có cải tiến so với tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng công trình chế tạo cụ thể rất phức tạp, có những cải tiến cụ thể nào thì hiện cũng chỉ có ngành công nghiệp và thiết kế mới biết được.

Phó chính ủy Hải quân Trung Quốc, trung tướng Đinh Hải Xuân cho hay, sau khi ngành chế tạo công nghiệp hoàn thành chế tạo tàu sân bay, sẽ bàn giao cho hải quân, tiếp theo sẽ triển khai huấn luyện.

Có báo chí quốc tế trước đây phỏng đoán, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sớm nhất sẽ hạ thủy trong năm 2015. Lưu Hiểu Giang cho rằng, đây là tin đồn thổi, chắc chắn không chính xác. Ông tái khẳng định "quy trình sản xuất của ngành công nghiệp rất phức tạp".

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

"Càng nhiều tàu sân bay càng tốt"

Theo tuyên truyền của TQ, tàu sân bay là vũ khí hạng nặng "bảo vệ" cái gọi là "chủ quyền và lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc trong tương lai, Trung Quốc rốt cuộc cần bao nhiêu tàu sân bay để thực hiện nhiệm vụ của họ? Lưu Hiểu Giang cho biết, có người nói là 6 chiếc, cũng có người nói con số khác, rất nhiều phân tích rất chuyên nghiệp.

Căn cứ vào phán đoán của Lưu Hiểu Giang, tàu sân bay cần làm các nhiệm vụ như trực chiến đấu trên biển, sửa chữa ở nhà máy, huấn luyện - mỗi nhiệm vụ này cần 1 chiếc, đây là yêu cầu cơ bản nhất về sức chiến đấu. Ông nói thẳng rằng, mình cũng nói không chính xác hải quân cần bao nhiêu tàu sân bay, "trước đây không có, tôi nghĩ, cần càng nhiều càng tốt, quan trọng là xem có bao nhiêu tiền".

Vươn ra đại dương phải có thời gian

Tàu sân bay Liêu Ninh  bàn giao cho Hải quân Trung Quốc đã gần 2 năm, luôn duy trì ra biển với cường độ khá cao, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Còn tàu sân bay lúc nào vươn ra biển xa, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng nói rằng, tàu sân bay không thể cứ ở cảng mãi, vì vậy trong tương lai tàu sân bay chắc chắn phải đi xa. Nhưng lúc nào đi xa, đến vùng biển nào, tổ chức mấy biên đội, cần căn cứ vào tình hình các mặt để tính toán tổng hợp.

Đối với vấn đề này, Lưu Hiểu Giang cho biết, huấn luyện nghiên cứu khoa học tàu sân bay đang không ngừng thúc đẩy, vươn ra biển xa phải đợi huấn luyện tốt đã, công nghệ hoàn thiện đã, máy bay đủ đã, quan trọng là phải đào tạo được phi công tàu sân bay. Tàu Liêu Ninh có bao nhiêu máy bay thì sẽ cần số lượng phi công tương ứng. "Hiện nay chỉ có số ít", ông thừa nhận, tàu sân bay muốn đi ra biển xa và rộng cần thời gian 2 - 3 năm là quá sức.

Trung Quốc huấn luyện cất hạ cánh máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh tư liệu)
Trung Quốc huấn luyện cất hạ cánh máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh tư liệu)

“Công nghệ máy phóng không thành vấn đề”

Mặc dù tàu sân bay thứ hai đã xác nhận đang chế tạo, nhưng dư luận quan tâm đến cách thức cất cánh của máy bay trên tàu sân bay là kiểu nhảy cầu hay dùng máy phóng. Công nghệ máy phóng một khi đạt đột phá sẽ tăng rất lớn bán kính tác chiến và lượng tải đạn của máy bay chiến đấu hải quân.

Chuyên gia động cơ và điện của Quân đội Trung Quốc, thiếu tướng Mã Vĩ Minh được cho là người phát minh ra máy phóng điện từ của Trung Quốc, cho biết, công nghệ máy phóng tàu sân bay của Trung Quốc hoàn toàn không thành vấn đề, thử nghiệm nhiều lần cũng rất thuận lợi, tin tưởng sử dụng được trong thực tế. Ông nhấn mạnh, công nghệ của Trung Quốc đã không thua Mỹ, thậm chí tiên tiến hơn.

Mã Vĩ Minh được cho là nhiều lần giành giải Nhất tiến bộ khoa học công nghệ quốc gia Trung Quốc, giải Nhất tiến bộ khoa học công nghệ quân đội. Nói về công nghệ máy phóng, Mã Vĩ  Minh cho hay, ông chỉ là tướng kỹ thuật, phụ trách nghiên cứu phát triển công nghệ có thể dùng được, cụ thể sẽ áp dụng phương án nào chỉ có cấp cao quân đội có thể quyết định.

Đông Bình