Tướng Mỹ: Chỉ F22, F35 mới có thể “xé toang” mọi lá chắn phòng không

27/01/2012 19:22
Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)
(GDVN) - F-22 và F-35 sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quân đội Mỹ để chống lại hệ thống phòng không mạnh mẽ của đối phương.

Vào ngày 24 tháng 1 vừa qua ở Washington, hội nghị bàn tròn về các vấn đề của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, Trung tướng D. Miller Christopher và Thiếu tướng Noel Tom Jones cho rằng F-22 và F-35 sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quân đội Mỹ để chống lại hệ thống phòng không mạnh mẽ của kẻ thù (cái gọi là tác chiến chống can dự/đối kháng khu vực).

"Chúng tôi sẽ có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu, ở bất cứ nơi nào trên thế giới và vào bất cứ lúc nào", Tướng Jones cho hay.

Máy bay thế hệ thứ năm đặc biệt có giá trị trong cuộc chiến chống lại các hệ thống phòng không mạnh mẽ của kẻ thù, theo chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ mà Tổng thống Barack Obama đã thông qua vào đầu tháng này.

Chiến lược mới chỉ ra một cách rõ ràng rằng lực lượng vũ trang Mỹ phải có khả năng đánh bại tất cả các đối thủ với một lực lượng phòng không - không quân mạnh mẽ.

Siêu tiêm kích F22 Raptor
Siêu tiêm kích F22 Raptor

"Đây không phải là một yêu cầu mới. Trong quá khứ, Quân đội của chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng trước các đối thủ mạnh. Nhưng các máy bay thế hệ thứ năm hiện nay cần thiết phải tiến hành các hoạt động có hiệu quả để chống lại máy bay địch và hệ thống phòng không đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn ", ông Miller nói.

Theo ông, luôn có một sự cạnh tranh liên tục giữa các quốc gia hàng đầu trên thế giới để tạo ra hệ thống phòng không mạnh mẽ và các phương tiện để khắc chế và tiêu diệt chúng. "Máy bay thế hệ thứ 5 là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến này", Miller cho biết.

“Không quân Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động thành công trong việc chống lại hệ thống phòng không tại nhiều cuộc chiến. Trong chiến tranh vùng Vịnh, không quân Mỹ cũng đã vô hiệu hóa hệ thống phòng không Iraq, và gần đây đã phá hủy hệ thống phòng không được triển khai xung quanh Tripoli”, Miller tự hào nhớ lại.

“Nhưng công nghệ tên lửa phòng không ngày càng trở nên tiên tiến và hiệu quả, đồng thời, nhu cầu hiện đại hóa Quân đội và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy ở các nước ngày càng tăng”, Tướng Jones cho hay.

Theo Jones, để có thể đối phó với điều này, yêu cầu mới đặt ra là phải cải thiện kỹ năng bay của các phi công. "Máy bay chiến đấu thế hệ 5 sẽ phải đối mặt với các hệ thống  phòng thủ mạnh hơn rất nhiều", Tướng Jones cảnh báo.

Siêu tiêm kích F35
Siêu tiêm kích F35

F-22 và F-35 có các khả năng cơ động cần thiết, khả năng sống sót cực cao, hệ thống điện tử tiên tiến và công nghệ tàng hình tiên tiến. Cả hai máy bay đều là những máy bay đa nhiệm có khả năng chiến đấu siêu việt để đối phó thành công với các lực lượng phòng không – không quân của kẻ thù. Dó đó, F-22 và F-35 được coi là “con át chủ bài” trong cuộc chiến “không khoan nhượng” này.

Tướng Miller cảnh báo rằng, trong tương lai, "không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng chiếm ưu thế trên không giống như những gì mà chúng ta đã làm trong hai thập kỷ vừa qua. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có vai trò cực kỳ quan trọng và chúng cần phải không ngừng được cải tiến", Miller nói.

“Mỹ đã quá quen thuộc với việc đào tạo ra những phi công xuất chúng và tạo cho họ khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, có thể tiêu diệt thành công bất cứ mục tiêu nào trên mặt đất, mặt biển cũng như trên không”, Miller khẳng định.

“Trong quá khứ, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra những khả năng như vậy ... và chúng ta chưa bao giờ coi đây là một điều hiển nhiên.

Chúng ta cần phải có những kỹ năng để sử dụng đồng thời hai loại máy bay chiến đấu này trong cuộc chiến tranh tương lai, nếu như chúng ta muốn đạt được thành công. Khả năng này sẽ rất quan trọng cho tất cả các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ”, Miller kết luận.

F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ thứ 4. Ban đầu nó được thiết kế, chế tạo để chiếm ưu thế trước Không quân Liên Xô, song cũng được trang bị các phương tiện tấn công mặt đất, tác chiến điện tử và trinh sát vô tuyến.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Mỹ hiện nay được trang bị hai động cơ phản lực Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp bộ phận điều chỉnh hướng phụt. Hướng điều chỉnh luồng khí chỉ theo chiều lên xuống, với tầm thay đổi ±20 độ.

Lực đẩy tối đa của động cơ vẫn chưa được tiết lộ, song đa số các nguồn tin cho rằng nó rơi vào khoảng 156 kN cho mỗi động cơ cho phép máy bay hoạt động với tốc độ tối đa 1.72 Mach khi bay ở chế độ siêu tốc và không mang vũ khí.

F-22 Raptor được trang bị tên lửa không đối không ở khoang trong để tránh gây ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của nó. Mỗi khi cần sử dụng hỏa lực, phi công chỉ cần nhấn nút mở khoang vũ khí và chỉ cần vài giây là tên lửa đã sẵn sàng phóng đi tiêu diệt mục tiêu.

Bên cạnh đó, F-22 còn được trang bị các loại bom như: bom tấn công ghép nối trực tiếp và bom bán kính nhỏ. Nó cũng có thể mang các loại vũ khí trên bốn mấu cứng bên ngoài, nhưng điều này khiến khả năng thao diễn, tàng hình, tốc độ và tầm hoạt động của nó giảm đáng kể.

Siêu tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II được phát triển từ máy bay X-35 theo dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp(JSF), là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ như: yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không.

F-35 là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài 15,37 m, sải cánh 10,65m, chiều cao 5,28 m, diện tích bề mặt cánh 42,7m², trọng lượng không tải 12.000kg và trọng lượng có tải là 20.100 kg.

Tốc độ lớn nhất của F35 là 1,8 Mach (1.930 km một giờ), tầm bay tối đa 2.200km và bán kính chiến đấu là 1.100 km.

Động cơ ban đầu của F35 là Pratt & Whitney F135, lực đẩy 128 kN, lực đẩy khi có đốt sau là 191 kN. Ngoài ra, tập đoàn Lockheed Martin còn đang phát triển động cơ thế hệ sau, là động cơ General Electric/Rolls-Royce F136 có đốt sau, lực đẩy trên 178 kN.

Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 pháo GAU-12/U 25 mm, gắn trong thân F-35A với 180 quả đạn hoặc gắn bên ngoài cánh. Phiên bản F-35B và F-35C được trang bị 220 quả đạn.

Bằng cách đánh đổi tính năng dễ phát hiện hơn bằng radar, F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

Tối đa có tất cả 4 đơn vị vũ khí cho mỗi khoang gồm: tên lửa chống tăng Brimstone, Cluster Munitions (WCMD) và High Speed Anti-Radiation Missiles (HARM). Tên lửa đối không MBDA Meteor đang được cải biến để lắp vừa bên trong và có thể trang bị cho F-35. Vũ khí đối không có thể mang (cả trong và ngoài thân) gồm 12 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9; hoặc 6 bom 900kg, 2 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9.

Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)