Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Tướng Ngọ: "Công an TPHCM phải rút kinh nghiệm từ Hà Nội"

05/12/2012 07:21
Tuệ Minh
(GDVN) - “Chúng tôi lấy kế hoạch 141 của Hà Nội để phát huy sức mạnh tổng hợp chứ không riêng một lực lượng nào tham gia và tôi cho là thực hiện đơn lẻ cũng không thể thành công”, tướng Phạm Quý Ngọ nói.
Trao đổi với báo chí ngày 4/12 về tội phạm cướp giật xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an nói: “Tội phạm hình sự từ giờ đến cuối năm sẽ có diễn biến phức tạp bởi sự biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

Dù lực lượng công an có vất vả hơn nhưng chúng tôi cũng quyết tâm trấn áp tội phạm. Chúng tôi lấy kế hoạch 141 của Hà Nội để phát huy sức mạnh tổng hợp chứ không riêng một lực lượng nào tham gia và tôi cho là thực hiện đơn lẻ cũng không thể thành công.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an thăm khu trưng bày vũ khí mà lực lượng 141 (Công an Hà Nội) thu giữ được (Ảnh: petrotimes)
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an thăm khu trưng bày vũ khí mà lực lượng 141 (Công an Hà Nội) thu giữ được (Ảnh: petrotimes)

Đối với TP. Hồ Chính Minh trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm rất nhức nhối. Đây là trách nhiệm của Bộ Công an cũng như C.A TP. Hồ Chí Minh. Chắc chắn là chúng tôi sẽ có giải pháp chặn đứng và đẩy lùi được loại tội phạm này đồng thời sẽ điều tra khám phá ra những vụ án xảy ra trong thời gian vừa qua. Kiên quyết không để cho tội phạm lộng hành từ nay đến Tết, trong và sau Tết. Và người dân phải hết sức cảnh giác với loại tội phạm này”. 

Ông Ngọ nói tiếp: “Đối với tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy rất manh động với các thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt nói riêng, chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo vào những địa bàn trọng điểm. Ví dụ như khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, các cụm cảng hàng không đặc biệt là cụm cảng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Về vấn đề này chúng tôi đang tập trung phối hợp với các lực lượng hải quan, biên phòng và an ninh cửa khẩu. Chúng tôi cũng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của các đối tượng buôn bán ma túy nhất là ma túy đá.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán ma túy là chuyên nhờ người khác xách hàng cho mình đi qua cửa khẩu và máy kiểm soát. Nhưng những hành động này cũng không qua mắt được lực lượng trinh sát công an phòng chống tội phạm ma túy”.

Trước tình trạng cướp giật và những vụ án nghiêm trọng diễn ra trong thời gian vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, tướng Ngọ cho biết: “Mỗi địa phương có một cách đánh riêng. Tới đây, C.A TP. Hồ Chí Minh cũng phải rút kinh nghiệm của Hà Nội là chúng ta phải tập trung vào các phòng nghiệp vụ ở trên Thành phố để hỗ trợ cho nhau chứ không thể phân về cho các quận, huyện để giải quyết từng địa bàn riêng rẽ.

Nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy đang điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (Ảnh: ANTĐ)
Nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy đang điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (Ảnh: ANTĐ)

CSGT, CSHS và Cảnh sát cơ động phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ thì mới có thể xử lý được tội phạm cướp giật càn quấy trên các tuyến đường. Chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp này với TP. Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Công an đang vào làm việc tại đó.

Khi được hỏi về lý do tại sao TP. Hồ Chí Minh chưa áp dụng mô hình 141 như ở Hà Nội, tướng Ngọ cho biết: Mỗi đại phương có một đặc thù khác nhau. Ở TP. Hồ Chí Minh phân cấp cho các huyện, quận thì cũng có hiệu quả nhưng hiệu quả thấp.

Thời gian tới, chúng tôi yêu cầu C.A TP. Hồ Chí Minh phải cơ cấu lại về mô hình tổ chức: củng cố cấp phòng của C.A Thành phố là chủ công. Tôi tin là tới đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ, các Tổng cục thì Công an TP. Hồ Chí Minh có thể ngăn chặn và đẩy lùi được tội phạm cướp giật.

Về một số hạn chế của mô hình hiệp sỹ đường phố, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho biết: “Dù là Công an hay là hiệp sỹ thì cũng phải chấp hành pháp luật. Nếu có hiệp sỹ mà vi pham pháp luật thì vẫn bị xử như bình thường chứ không thể lạm quyền để làm bừa”.

Trước đó, như đã đưa tin, vào tối 24/11, một vụ chặt tay nạn nhân, cướp của đã xảy ra ở khu vực gần cầu Phú Mỹ (quận 2). Cụ thể,  đang đi "rình mồi" quanh khu vực này, các đối tượng cướp giật thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1985, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM) điều khiến xe máy hiệu SH đang lưu thông hướng quận 7 về quận 2. 

Ngay lập tức một đối tượng rồ ga, vượt lên chặn đầu xe chị Thúy. Không nói không rằng, một tên liền dùng chân đạp chị Thúy, còn tên khác lạnh lùng rút mã tấu ra chém 2 nhát vào tay làm nạn nhân đứt lìa bàn tay.

Ngay sau đó, hai đối tượng chạy đến giả bộ giúp đỡ rồi nhanh tay giật túi xách chị Thúy (bên trong có hơn 4 triệu đồng) và đào tẩu. Các đối tượng này chạy đến định lấy xe SH, nhưng lần mò mãi mà không nổ máy được. 

Lúc này, người dân đi đường phát hiện nhưng không có ai dám đến can ngăn, chỉ có ông Đ.V.N (SN 1966) đến ứng cứu thì bị băng cướp dùng mã tấu đuổi theo truy sát, nhưng ông đã nhanh chân chạy thoát. Chỉ đến khi thấy người dân tụ tập đông thì các đối tượng mới lên xe bỏ chạy về hướng quận 7 cùng chiếc túi xách chị Thúy trên tay. Chị Thúy được ông N nhanh chóng chở đến bệnh viện cấp cứu và được các bác sĩ làm phẫu thuật nối lại bàn tay.

Sau khi bị bắt, các đối tượng này khai nhận đã thực hiện được 15 vụ cướp trước đó. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh