Tướng Thước day dứt trong ngày giải phóng miền Nam

30/04/2014 06:15
Ngọc Quang
(GDVN) - “Ngay trước giờ giải phóng miền Nam vẫn còn một số anh em ngã xuống, đó là điều vô cùng đau xót”, Tướng Thước tâm sự.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích, sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1954, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhưng Mỹ là một trong những nước dự hội nghị Giơ-ne-vơ đã không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Từ đó, Mỹ đã lộ ý định xâm nhập vào miền Nam nước ta, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước XHCN.

Tuy bị khủng bố, đàn áp, dã man nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta liên tục đấu tranh đòi Mỹ thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, chống khủng bố, đàn áp, chống tố cộng, diệt cộng. Đồng thời, bắt tay vào việc xây dựng, củng cố và ổn định miền Bắc theo hướng XHCN làm căn cứ vững chắc cho cách mạng cả nước. Sau một giai đoạn dài trường kỳ đấu tranh thì đến ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Đáp lời kêu gọi của Người, khí thế đánh Mỹ của quân dân ta dâng cao, sục sôi trên cả hai miền, tất cả dồn cho tiền tuyến để giành chiến thắng.

Thực hiện phương hướng chiến lược trong thư chúc mừng năm mới (01/01/1969) của Hồ Chủ tịch "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" và lời kêu gọi của Người tháng 7-1969 là "Đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ hết", nhờ chuẩn bị tốt cả thế và lực, nắm đúng thời cơ, bộ đội chủ lực của ta đã tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược 1972; cùng lúc đó quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2, nhất là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi quyết định, kết hợp chặt chẽ "đánh và đàm"; buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari (ngày 27/01/1973)  rút quân Mỹ và chu hầu ra khỏi miền Nam, làm cho so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV.

Năm nay đã ở tuổi 89, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên ĐBQH các khóa VIII, IX, XI vẫn nhớ như in những giây phút quyết liệt nhất trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lúc ấy, ông đang là Thiếu tá – Tham mưu trưởng chiến dịch, thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng để nhận lệnh.

Tướng Thước chia sẻ: “Lúc bấy giờ, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong giai đoạn 1975-1976, và nhấn mạnh thời cơ là năm 1975, mà muốn thực hiện được kế hoạch ấy thì phải giải phóng được Tây Nguyên”.

Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu, thời Pháp xâm lược nước ta đã từng tuyên bố rằng nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương. Sau đó, Mỹ cũng nhận ra điều này nên chúng đã điều một lực lượng hùng hậu gồm các sư đoàn không quân, bộ binh… tinh nhuệ nhất để chiếm đóng. Lúc này, tại Tây Nguyên, quân cách mạng chỉ có sư đoàn nên việc phối hợp với lực lượng tăng cường rất khó khăn. Chúng ta đã tương kế tựu kế, lừa địch kéo quân lên phía bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai).

Tướng Thước nhớ lại: “Lúc ấy, ta tổ chức nhiều trận đánh giả để lừa địch, giữ nguyên các máy vô tuyến điện tại vị trí cũ, hàng ngày phát sóng thông tin đều đặn, giữ nguyên đường dây điện thoại để đánh lạc hướng khi chúng định vị các thiết bị liên lạc của ta”.

Chiến dịch Tây Nguyên (gọi tắt là chiến dịch 275) là sự kiện mở đầu cho cuộc tổng tấn công Mùa xuân năm 1975. Với sự tính toán khôn ngoan ấy, địch vẫn dự đoán ta đóng quân ở phía Bắc. Tuy nhiên, lúc đó thì quân ta với khoảng 3 nghìn chiến sĩ, hàng nghìn xe tô tô, hàng trăm xe pháo, xe tăng… bí mật di chuyển vào phía Nam Tây Nguyên bằng đường hậu phương, tránh xa tầm kiểm soát của địch.

Tướng Thước hồi tưởng: “Đêm 10/3, quân ta bắt đầu đánh vào Buôn Ma Thuột. Lúc này, kẻ địch vẫn kiêu ngạo cho rằng quân ta phải sớm rút ra chứ không thể trụ lại lâu ở địa bàn này, vì chúng không hề biết xe tăng và pháo binh của ta đã áp sát tất cả các vị trí. Sau 32 giờ đồng hồ, quân ta giải phóng xong Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, quân địch lúc đó vẫn còn rất mạnh với 6 vạn quân chủ lực, có cả không quân, biệt kích, bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp. Ta đã phải cử hai sư đoàn chặn đứng tất cả các con đường từ Kon Tum, Pleiku, đường từ Bình Định, đường từ Ninh Hòa, chặt đứt mọi liên lạc của địch. Chúng đưa sư đoàn 23 đổ xuống phía Đông hòng cứu vãn Buôn Ma Thuột, nhưng đã bị sư đoàn 10 của ta tiêu diệt hoàn toàn”.

Thời cơ thuận lợi của chiến dịch đã mở rộng hơn rất nhiều, khi chỉ trong mấy ngày đêm mà quân ta đã giải phóng xong Tây Nguyên, Tư lệnh chiến trường phát lệnh tiếp tục tấn công vào khu 5, giải phóng luôn Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Toàn bộ chiến trường phía Nam của địch giống như một con rắn bị chặt thành 3 khúc, địch chỉ còn lại ‘khúc đầu’ là Huế, Đà Nẵng và ‘khúc đuôi’ là Sài Gòn. Ngày 25/3, quân ta bắt đầu giải phóng Huế, Đà Nẵng.

Trong thời gian ấy, nhân dân các tỉnh ven biển miền Trung, phía Nam Tây Nguyên và một số tỉnh ở Nam Bộ, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương và của quân chủ lực, đã nổi dậy đánh địch giành quyền làm chủ. Nhận định thời cơ đã đến, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho toàn quân dồn lực lượng thành 5 quân đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ngày 26, quân ta bắt đầu đánh vòng ngoài, đến ngày 29 mới thọc sâu vào phía trong và giải phóng Sài Gòn. Lúc ấy, Tướng Thước là Tham mưu trưởng quân đoàn 3, đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng toàn bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đánh vào những cứ điểm quan trọng nhất của địch. Khi đánh vào Sài Gòn, tướng Dương Văn Minh phía địch đã lên đài phát thanh kêu gọi ngừng bắn để thỏa thuận, nhưng chúng ta không chấp nhận, nhất định phải giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đột nhiên Tướng Thước dừng lại, giọng ông trầm xuống: “Khi chúng tôi thọc sâu vào Sài Gòn, mặc dù tình hình lúc ấy còn nhiều nguy hiểm, nhưng bà con ở hai bên cứ lao ra chào đón bộ đội. Anh em như được tiếp thêm khí thế khi tiến về dinh Độc lập. Nhưng có một chi tiết mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là 7 chiếc xe tăng dẫn đường cho bộ đội tiến về phía Dinh Độc Lập thì có 3 chiếc bị súng phóng liên của địch ở trên các tòa nhà bắn xuống, 15 anh em hy sinh cả. Đau xót vô cùng!

Trước lúc hy sinh, còn có chiếc tăng bị địch bắn gãy nòng vẫn cố gắng lao thẳng vào địch quyết tử. Chiến sĩ của ta dũng cảm như vậy đấy. Mất mát đau thương thì ở chiến trường anh em chúng tôi đều đã nếm trải trong suốt 10 năm chiến dịch, nhưng cảm xúc trước giờ giải phóng chỉ còn tính bằng phút thôi mà vẫn phải chứng kiến sự hy sinh thì thật day dứt. Cả chiến dịch ngày ấy bây giờ vẫn còn rất nhiều anh em đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt”.

Ngọc Quang