Tướng Thước:“Bộ Y tế hãy lấy T.S Ozon làm bài học đắt giá"

17/11/2011 07:27
Thảo Lăng
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã bày tỏ quan điểm của mình về chuyện chữa bệnh của TS Khải và những động thái liên quan của Bộ Y tế.
Khi mà 147 trẻ em trên toàn quốc đã chết vì bệnh Tay chân miệng (TCM) thì trong nhiều ngày qua sự thật về tác dụng chữa trị căn bệnh này của dung dịch Anolyt cũng như câu chuyện giữa TS. Khải với các chuyên gia y tế đầu ngành vẫn chưa có hồi kết. Trong hoàn cảnh đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã bày tỏ quan điểm của mình với Báo Giáo dục Việt Nam về chuyện chữa bệnh của TS. Khải cũng như những động thái liên quan tới vấn đề trên của Bộ Y tế.

Nếu chỉ ngồi bàn giấy mà phán...

Tướng Thước nói rằng, tôi rất buồn khi biết người ta gọi TS. Khải là lang băm. Vì như vậy là quá nặng nề và thiếu tôn trọng. Muốn biết người ta có phải lang băm hay không thì các chuyên gia y tế hãy xuống cơ sở, tiếp xúc với dịch bệnh và xem kết quả thì sẽ rõ. Nếu cứ ngồi bàn giấy mà phán xét, đánh giá thì đó là quan liêu, thiếu trách nhiệm. 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
"Thôi được, cứ cho ông Khải là lang băm đi, nhưng lang băm mà gần dân, cứu được nhiều cháu nhỏ thì còn hơn một vạn ông giáo sư, tiến sĩ ngành y tế chưa biết làm gì để cứu 143 cháu đã chết vì dịch bệnh. Ông lang băm ấy xứng đáng làm thầy, đứng trên một hệ thống y tế bất lực. Ông này hãy về làm Bộ trưởng Bộ Y tế", tướng Thước đập mạnh tay xuống ghế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói thêm, chưa nói tới việc phương pháp chữa bệnh TCM của TS. Khải có hiệu quả thực sự hay không. Nhưng chỉ cần nhìn việc ông ấy tự nguyện xuống chữa trị ở những nơi có dịch bệnh là có thể biết đây là con người lăn xả với thực tế và có cái tâm lớn với sinh mệnh của nhân dân. Lẽ ra những chuyên gia của ngành y tế phải ngay lạp tức bắt tay cùng con người ấy, lấy tấm gương ấy mà học tập. 
Câu chuyện của ngành nông nghiệp vẫn còn đó, khi mà một loạt các viện nghiên cứu với hệ thống chuyên gia đầu ngành giỏi không thể tạo ra một cái máy để giúp ích cho nhân dân thì chính những người ngày ngày tiếp xúc với đồng ruộng, không học thuật cao siêu đã tạo ra máy cấy, máy gặp, máy bóc ngô,… Bộ Y tế nên lấy đó làm bài học đắt giá, hãy xuống cơ sở xem xét tình hình thay vì ngồi một chỗ để khẳng định về cơ sở khoa học của việc chữa bệnh bằng Anolyt, Tướng Thước nói.
Tôi hoan nghênh nghĩa cử chữa bệnh cứu người của TS. Khải. Dù có bị trù dập, khiển trách, gây áp lực thì đồng chí hãy cứ giữ tâm sáng, trí bền mà bước tiếp, thực tế sẽ chứng minh cho phương pháp chữa bệnh mà ông đưa ra.

Phải chăng hệ thống Y tế đã quá sĩ diện?

Tôi cho rằng, Bộ Y tế đã quá chậm chạp ngay từ việc công bố dịch. Khi con số trẻ em tử vong do TCM lên tới 143 cháu mà họ vẫn ngồi bàn xem phương pháp của ông Khải có cơ sở khoa học hay không thì quả là sự chậm chạp đáng buồn.

TS. Khải hướng dẫn phác đồ điều trị cho nhân viên bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận
TS. Khải hướng dẫn phác đồ điều trị cho nhân viên bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận

Sau những tuyên bố tỏ ra hoài nghi về tác dụng chữa bệnh của Anolyt cũng như độ tin cậy trong phương pháp chữa bệnh của ông già Ozon mà các chuyên gia y tế đã đưa ra trong những ngày qua, dư luận đặt ra câu hỏi: Với trách nhiệm của một Bộ chuyên trách, tại sao Bộ Y tế vẫn chưa đình chỉ công tác chữa trị bệnh TCM của TS. Khải hay đưa ra một phương pháp chữa bênh rẻ tiền, hiệu quả hơn? Về điều này, ông Thước cho rằng Bộ Y tế nên sớm có câu trả lời với người dân, nếu không trả lời được, thì chắc chắn có vấn đề.
Tôi hoài nghi vấn đề ở đây là tính sĩ diện của một hệ thống Y tế, khi mà một loạt các chuyên gia đầu ngành đang loay hoay tìm cách thì có một người ngoại đạo tìm được hướng đi khả quan.

“Bộ Y tế chưa làm tròn trách nhiệm”

Bàn về trách nhiệm của Bộ Y tế việc để dịch bệnh phát triển phức tạp, ông nói: Dịch TCM xảy ra lâu lắm rồi, nhưng ngay từ đầu dường như Bộ Y tế án binh bất động, để nghe ngóng. Chính vì thế mới có chuyện 147 cháu nhỏ qua đời vì dịch bệnh. Để các cháu nhỏ ra đi đáng tiếc như thế, nghĩa là Bộ Y tế chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân.
Bản thân Bộ Y tế, nếu như bất lực, không đưa ra được một phương pháp chữa TCM hiệu quả, thay vào đó lại để các chuyên gia của mình phản pháo phương pháp chữa bệnh đã được áp dụng và chứng minh bằng thực tiễn thì thật đáng buồn. Tôi cho rằng, đó là tính sĩ diện, quan liêu của hệ thống Y tế, ông Thước khẳng định.
Xoay quanh câu chuyện trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Y tế, ông thẳng thắn: Tôi còn nhớ, trong buổi nhậm chức Bộ trưởng, được hỏi về hiệu quả công việc trong thời gian tới của Bộ, bà Kim Tiến đã nói, hãy để cho thực tế trả lời. 
Có thể coi đó là hành động khiêm tốn và thận trọng. Nhưng nếu im lặng mà để 147 cháu bé bị chết vì dịch bệnh, thậm chí để cho các chuyên gia của mình phát ngôn như những ngày qua thì cần xem xét lại nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng mũi chịu xào cần phải quyết liệt hơn thế. 
Thảo Lăng