Tướng Trung Quốc: Việt Nam nên "bán anh em xa, mua láng giềng gần"

19/10/2014 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Nên lưu ý rằng các cuộc gặp cấp cao Việt - Trung được bố trí chỉ vài tuần sau khi Mỹ công bố nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.

Bưu điện Hoa Nam ngày 19/10 bình luận, chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt - Trung đã "bình tĩnh hơn" sau những căng thẳng liên tục trên Biển Đông. Hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục quan hệ hợp tác quân sự, giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.

Ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc khi hội kiến với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nói: "Cả Trung Quốc và Việt Nam nên kiểm soát lực lượng của mình, kiềm chế những nhận xét bất lợi và không làm gì để ảnh hưởng đến tình hình chung. Chúng ta không thể thay đổi được láng giềng. Hữu nghị với nhau và xử lý thích hợp những khác biệt là vì lợi ích của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam", Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Long cho biết.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn, hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều hôm Thứ Sáu, theo Tân Hoa Xã. Các nhà phân tích cho biết các cuộc họp cấp cao cho thấy cả hai nước đang quan tâm ngăn chặn sự bùng nổ của xung đột quân sự trên Biển Đông.

Trương Minh Lượng, một chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á đại học Kỵ Nam cho biết, Phạm Trường Long đã "nhắc nhở" người Việt không cố gắng "ve vãn" các cường quốc khác như Hoa Kỳ mà nên tập trung vào việc phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc, Việt Nam nên "bán anh em xa, mua láng giềng gần".

"Chúng ta nên lưu ý rằng các cuộc gặp cấp cao Việt - Trung được bố trí chỉ vài tuần sau khi Mỹ công bố nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hồi đầu tháng này", Trương Minh Lượng nhấn mạnh. Căng thẳng Việt - Trung trên Biển Đông đã nổ ra và nhanh chóng leo thang hồi tháng 5 năm nay, khi Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trong tháng này Trung Quốc công bố họ đã hoàn thành việc cải tạo sân bay (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1956, 1974 đến nay). Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy dự án cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), trong đó 5 đảo nhân tạo do Tập Cận Bình trực tiếp phê duyệt.

Nguồn tin tình báo Đài Loan cũng cho biết, Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã có chuyến đi "chưa từng có tiền lệ" ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) thị sát các điểm đảo Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp) và quan sát một cuộc tập trận hải - không quân ở đá Chữ Thập cuối tháng 9 vừa rồi.

Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự từ Thượng Hải, Trung Quốc bình luận: Việt Nam cần phải biết quân đội Trung Quốc "thực sự muốn duy trì hiện trạng ở Biển Đông"?! "Đối với Việt Nam, không đáng để đi đến chiến tranh với Trung Quốc"?! Nhưng với những gì Bưu điện Hoa Nam vừa tường thuật ở trên thì quân đội Trung Quốc, Trung Nam Hải chỉ muốn "thay đổi hiện trạng, đặt ra luật chơi" trên Biển Đông chứ không phải "duy trì hiện trạng" như ông Hùng nói.

Hồng Thủy