Tướng Vịnh: Vùng nhận diện PK ở Hoa Đông nguy hiểm hơn đường 9 đoạn

28/01/2014 09:16
Theo Báo Nhân Dân
(GDVN) - Tướng Vịnh: Khi Trung Quốc thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, nó sát sườn tới Biển Đông. Nó là phép thử, nguy hiểm hơn.

“Thế giới giờ ít cái mới. Ðúng lại thường cũ. Mới chưa chắc đúng. Mới như cái gọi “Ðường chín khúc” thì sai quá, chả ai chấp nhận được. “Lòng tin chiến lược” là mới và đúng...” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về thời cuộc, đối ngoại quốc phòng, biển Ðông, về người cha và lớp trẻ, cùng những dự cảm tương lai.

Ðột phá: Mới và Ðúng

Đột phá trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri La trong bối cảnh quốc tế mới, theo ông là gì?

Đề cập lòng tin giữa các quốc gia không phải là chuyện mới.

Tuy nhiên, "lòng tin chiến lược" mà Thủ tướng Việt Nam trình bày tại Shangri La 2013 có ý nghĩa hoàn toàn khác.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng

Châu Á - Thái Bình Dương hơn một thế kỷ qua luôn xảy ra xung đột. Lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn và lâu dài; thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nhiều. Các nước đều hiểu, xung đột sẽ ảnh hưởng tới tất cả. Trong hơn 10 năm qua, an ninh khu vực có nhiều biến chuyển. Trung Quốc, Ấn Độ, rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... đều phát triển đồng thời với việc mở rộng phạm vi lợi ích chiến lược. Lợi ích của châu Âu, của Mỹ cũng thay đổi, rõ nhất là chiến lược xoay trục của Mỹ. Bên cạnh môi trường quốc tế thuận lợi cũng nảy sinh câu hỏi: lợi ích chiến lược và sự phát triển của các quốc gia này có làm tổn hại tới lợi ích những quốc gia khác và an ninh khu vực hay không?

Với những động thái mới và can dự mạnh mẽ đó, các nước, nhất là các nước lớn cam kết sự phát triển của họ đều là can dự hòa bình, giúp cho ổn định, hợp tác. Thực tế còn chờ. Sự nghi ngại bắt nguồn từ nhiều thứ. Nhưng, an ninh quốc phòng lại là thứ dễ thấy nhất. Mặt khác, nói tuân thủ luật pháp quốc tế, song đã xuất hiện những tuyên bố, hành động mang tính đơn phương, coi thường luật pháp quốc tế, áp đặt. Để cam kết trở thành hiện thực, nói phải đi đôi với làm. Đã làm, phải đến nơi đến chốn, đó chính là "lòng tin chiến lược".

Thế giới giờ ít cái mới. Đúng lại thường cũ. Mới chưa chắc đúng. Mới như cái gọi "Đường chín khúc" thì sai quá, chả ai chấp nhận được. "Lòng tin chiến lược" mới và đúng. Ít nhất ở cách tiếp cận. Và quan trọng hơn là tính mục đích của nó.

Thật ra, giới quan sát quốc tế vẫn nhớ thời điểm cuối 2009, khi ông trả lời phỏng vấn Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cùng thời điểm Công bố Sách trắng Quốc phòng, như một tín hiệu về xây dựng lòng tin?

Sách trắng Quốc phòng 2009 không mới so với Sách trắng Quốc phòng 2004. Năm tới, chúng ta sẽ xuất bản Sách trắng quốc phòng mới. Tôi chắc chắn, Sách trắng Quốc phòng 2014 sẽ có điểm mới in đậm khái niệm "Lòng tin chiến lược" mà lãnh đạo ta đã khẳng định, song vẫn nhất quán với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây.

Chính sách quốc gia phải minh bạch và nhất quán. Minh bạch là không nói một đằng, làm một nẻo. Nhất quán là không thể nay nói thế này, mai nói thế khác, càng không thể tạo ra tiêu chuẩn kép.

Để gìn giữ hòa bình, Việt Nam khẳng định làm tất cả, vì một Biển Đông không tiếng súng, song sẵn sàng tự vệ và minh bạch với thế giới từ Sách trắng Quốc phòng 2009 cho tới công bố việc mua tàu ngầm Kilo, hệ thống S 300, máy bay Su-30...

Theo ông, cụ thể với vấn đề Biển Đông, lòng tin đó có ý nghĩa ra sao?


Hợp tác nếu thiếu lòng tin thì không thể thành công. Để xử lý bất đồng, xung đột, thiếu lòng tin lại càng không thể. Với vấn đề Biển Đông, điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tin, cao hơn là lòng tin chiến lược. Rằng các quốc gia không định sử dụng sức mạnh quân sự, không tuyên bố và hành xử bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.

Các chiến sĩ đặc công ngụy trang tập luyện võ thuật. Ảnh: Đức Toàn
Các chiến sĩ đặc công ngụy trang tập luyện võ thuật. Ảnh: Đức Toàn

Khi đã không tin, lòng tin sẽ sứt mẻ. Đã sứt mẻ thì cứ vỡ dần, tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô mất lòng tin. Cho nên, giữa chúng ta với các quốc gia liên quan, quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin chính trị. Mà quan trọng trước hết là chúng ta thực lòng muốn có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc, muốn nhìn thấy Trung Quốc XHCN phát triển không đe dọa nước nào; tôn trọng, hợp tác với Việt Nam cùng phát triển, để trở thành những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Chỉ có độc lập tự chủ và chủ quyền lãnh thổ là không nhân nhượng.

"Ðã nói, phải thẳng thắn, minh bạch"

Ông đón nhận tinh thần Đại hội XI về đối ngoại quốc phòng như thế nào, phải chăng lúc đó đã xuất hiện những vấn đề mới trong khu vực và quốc tế?

Văn kiện Đại hội XI có câu "chủ động tăng cường hội nhập trong quan hệ đối ngoại và tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh". Lần đầu tiên Đại hội Đảng đề cập trực tiếp tới đối ngoại quốc phòng. Tiếp đó, Trung ương ra Nghị Quyết 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đánh giá đối tượng, đối tác, chính sách đối ngoại, khẳng định đối ngoại quốc phòng không chỉ là nhiệm vụ của quân đội mà là việc chung của Đảng và Nhà nước.

Quan hệ quốc phòng với các nước tốt thì giảm thiểu nguy cơ xung đột. Cam kết không sử dụng vũ lực liên quan chặt chẽ tới quốc phòng. Nhân tố mới là sự can dự quốc phòng - an ninh của các quốc gia khiến mối quan hệ quốc phòng trở nên phong phú hơn...

Từ Hội nghị Trung Giã trong chống Pháp tới Hội nghị bốn bên ở Trại David - Sài Gòn trong chống Mỹ đã cho thấy đặc thù, thế mạnh của đối ngoại quốc phòng. Trong tình hình hiện nay, theo ông, đó là gì?

Đối ngoại quốc phòng có nét riêng là trực tiếp đề cập những vấn đề nhạy cảm về quân sự, quốc phòng. Thời chiến, tiếng nói của các tướng lĩnh có vai trò làm giảm căng thẳng. Trong hòa bình, quan điểm không sử dụng vũ lực với quốc gia khác từ các nhà quân sự tạo nên sức nặng tin cậy nhất định.

Giới quốc phòng - an ninh với nhau rất thẳng. Thí dụ chúng ta có hai quan điểm cơ bản, nhất quán: Việt Nam không sử dụng vũ lực với nước khác. Và cũng không bao giờ chấp nhận một quốc gia nào sử dụng sức mạnh vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với chúng ta.

Chúng ta khẳng định không liên minh với bất kỳ ai để chống ai. Không cho ai đặt căn cứ ở nước mình. Không tham gia liên minh quân sự với tổ chức nào. Ủng hộ quan điểm không nước nào sử dụng vũ lực với nước khác. Quốc tế ủng hộ chúng ta, đó là nhân tố cực kỳ quan trọng ngăn chặn những mưu toan, ý định thiếu cân nhắc sử dụng vũ lực. Có thể nói, đối ngoại quốc phòng cụ thể hóa, trực tiếp chứng minh đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta bằng chính sự công khai minh bạch, quan hệ rộng mở và hành động thực tế.

Làm đối ngoại, ông cho điều gì là phương châm nằm lòng?

Theo tôi, quan trọng nhất là nắm vững đường lối của Đảng và Nhà nước. Tôi nhấn mạnh thêm hai yếu tố: Không nói thì thôi, đã nói phải thẳng thắn. Thứ hai là minh bạch. Bí mật quốc gia nước nào cũng phải giữ. Nhưng những gì thể hiện chính sách đối ngoại hòa bình, tự vệ thì mình phải minh bạch. Với sự thẳng thắn ấy, ta sẽ có lòng tin.

Trong mặt trận không tiếng súng, đôi khi câu chữ: "liên minh, diễn tập-tập trận", "song phương-đa phương", "cùng khai thác-cùng phát triển", có thể bị hiểu sai?

Nguyên tắc là phải diễn đạt chặt chẽ, chính xác, không thể hiểu khác, không thể hiểu sai. Bảo Việt Nam "tập trận" là sai. Tôi từng nói, Việt Nam có "tập" mà không có "trận", thí dụ chúng ta không tập trận, mà tích cực tham gia các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong khuôn khổ ASEAN chẳng hạn. Đồng thời phải cảnh giác với kiểu đánh tráo ngôn từ. Phải nói đúng, hiểu đúng, hiểu giống nhau về pháp luật quốc tế và các vấn đề khác. Cái gọi là "Đường chín khúc", làm sao phù hợp luật pháp quốc tế?

Khi chúng ta công khai, minh bạch vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa với thế giới, lắng nghe ý kiến cộng đồng quốc tế trên các diễn đàn song phương và đa phương thì không thể nói là "quốc tế hóa", "lôi kéo nước này chống nước kia được". Đó là luận điệu, hay là cách suy diễn sai lầm.

"Phải chỉ rõ những phép thử nguy hiểm"

Có lúc nào, ông cho là khoảnh khắc cân não, bởi như Bác Hồ nói "Tướng quân tại ngoại", không phải lúc nào cũng "xin ý kiến ở nhà"?

Tôi thường đối mặt tình huống kép thế này: Bảo vệ lợi ích chính đáng của Tổ quốc đồng thời phải giữ quan hệ với quốc gia có bất đồng. Không rời bỏ những vấn đề có tính nguyên tắc, song không để mâu thuẫn làm hỏng lợi ích lớn. Những lúc đó, không ai có thể dạy được mình cả. Quan trọng nhất là nắm vững quan điểm, uyển chuyển xử lý tình huống, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chính sách đối ngoại của Đảng cho ta đủ khả năng giải thích, bảo vệ lập trường, lợi ích của Việt Nam. Nếu bạn đồng hành cùng chúng ta, thừa nhận lợi ích chính đáng của chúng ta, họ sẽ có lợi. Cố đấm ăn xôi, lợi nhỏ trước mắt, hại lớn lâu dài thì chính các nước đó sẽ có hại.

Nhưng làm gì để dự đoán thỏa hiệp và ngăn chặn thỏa hiệp trên lưng ta, khi mà trong quan hệ quốc tế, đỉnh cao xung đột là thỏa hiệp?

Chúng ta thật lòng mong các nước lớn có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hợp tác cùng phát triển, không phương hại tới hòa bình và phát triển của khu vực, thế giới. Khi xung đột đến đỉnh cao, họ đều tính lợi ích riêng.

Hoặc phải hy sinh lợi ích này để tìm kiếm lợi ích khác. Hoặc hy sinh những nhân tố khác ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Toàn cầu hóa rồi, bất cứ hai quốc gia nào mà có chuyện thì thế giới cũng không yên.

Ông đánh giá sao về vai trò truyền thông trong nước với hoạt động ngoại giao nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng?


Trong khoảng ba năm qua, truyền thông đã truyền đạt chính xác những gì chúng ta muốn nói, mô tả chính xác, đúng bản chất những nét lớn diễn biến tình hình.

Ngoài sự chỉ đạo, định hướng, truyền thông đã coi trọng nghiên cứu, hấp thụ chọn lọc từ truyền thông nước ngoài. Phân tích khách quan hơn, không đơn điệu, xơ cứng. Đương nhiên còn "sạn". Không tránh được, song cũng không nên quá để ý những điều đó.

Nhưng tôi mong thông tin mang chất truyền thông nhiều hơn. Khi Trung Quốc thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, nó sát sườn tới Biển Đông. Nó là phép thử, theo tôi nó còn nguy hiểm hơn cả “đường chín khúc”, vì luật hàng không thế giới chặt hơn luật hàng hải rất nhiều.

Vào vùng biển quốc tế, anh có thể đăng ký hay không đăng ký, nhưng anh bay qua FIR của nước nào đó thì phải xin phép.

Thí dụ như bầu trời Việt Nam mà ông đặt "Vùng nhận dạng phòng không" của ông trùm lên trên, tức là máy bay từ Hà Nội đi ra Biển Đông bay vào TP Hồ Chí Minh phải xin phép ông, thì tôi chết! Nguy hiểm thế! Truyền thông phải khách quan, sắc sảo vạch ra, chỉ rõ những cái đó.

"Ông Thanh không nghĩ hết được, chính là nghe dân nói"

Năm 1947, khi mặt trận Huế bị vỡ, ta phải rút lui, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Nguyễn Chí Thanh đã phải làm một cuộc chỉnh huấn quyết liệt, khi khảng khái nói: "Chỉ sợ mất lòng tin của dân. Chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân", ông nghĩ gì về điều này?

Trong suốt dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh ông cụ, tôi không trả lời phỏng vấn báo nào cả. Nghĩ về ông cụ, trong đầu tôi nghĩ đến một giai đoạn lịch sử, đến một thế hệ, những biến chuyển vĩ đại. Mà vĩ đại nhất, bạn biết là gì không? Là làm cho dân tin Đảng!

Tin thật lòng, tới mức người mẹ không chỉ dám hy sinh thân mình mà còn tự nguyện gửi con ra mặt trận, dẫu biết rằng nó sẽ hy sinh. Lòng tin ghê gớm như thế.

Giai đoạn đó chúng ta đã làm gì để tạo nên niềm tin ấy?


Thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao lịch sử dựng nước và cứu nước của dân tộc ta. Thời đại đó dùng người quá giỏi. Xuất thân khác nhau, có bản sắc riêng, song nhiều người rất giỏi. Thời đại, dân tộc đã sinh ra người dẫn dắt là Bác Hồ vĩ đại của chúng ta. Rồi một thế hệ học trò, cộng sự, đồng chí của Bác được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng. Vận nước tạo nên một đội ngũ, một cộng đồng kiệt xuất như thế, có một niềm tin sắt son vào Đảng và vào vận mệnh dân tộc. Đấy là hồng phúc cho đất nước ta tại những thời điểm bước ngoặt.

Bình Giã, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường... là những dấu mốc củng cố quyết tâm thắng Mỹ khi thế giới còn hồ nghi. Với tổng kết đầy sáng tạo: "Nắm thắt lưng địch mà đánh" gắn với tên tuổi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, di sản lăn xả vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn ấy, có giá trị gì với ông hôm nay khi đối ngoại quốc phòng cũng khó lường không kém?

Nghiên cứu những gì ông cụ tôi nói về chống chủ nghĩa cá nhân, thí dụ bài "Huyện ủy 5 không" trên Báo Nhân Dân, rồi trên mặt trận nông nghiệp, tổng kết chiến tranh... tôi phải nói, tất cả những khẩu hiệu đó, chủ trương đó đều là của nhân dân, cán bộ chiến sĩ cả. Từ những cán bộ văn nghệ thời chống Pháp, cán bộ quân sự thời chống Mỹ, người nông dân trong hợp tác hóa... Ông cụ tôi chả nói gì của riêng ông ấy, mà đó là do tiếp thu được trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của nhân dân.

Thí dụ khẩu hiệu "năm tấn thóc" là của một nông dân Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Tây (cũ). Lúc đó ở Thái Bình có nơi đã đạt sáu, bảy tấn/ha rồi, có người băn khoăn, phong trào nên là bảy tấn hay chín tấn.

Ông nông dân bảo ông Thanh: "Ông ơi, bốn tấn thôi!" Hỏi sao, ông ấy nói: "Lên bảy tấn chúng tôi theo sao được, chỉ Thái Bình "nó" làm được thôi! Chúng tôi đang bốn tấn, cố mà vươn lên năm. Để mà phấn đấu, mà còn cả miền Bắc nữa chứ!".

Thế là ra đời "năm tấn thóc"..., vừa sức dân. Câu "nắm thắt lưng địch mà đánh" cũng vậy, là của một ông trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 9. Ai mà nghĩ hết được. Ông Thanh không nghĩ hết được mà chính là cuộc sống, người dân đã giúp ông. Ông Thanh cùng những nhà lãnh đạo khác lắng nghe, tổng kết và phát động thực hiện thôi.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi trao đổi cùng P/V Báo Nhân Dân.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi trao đổi cùng P/V Báo Nhân Dân.

Ông nói, Việt Nam không chấp nhận "hòa bình lệ thuộc", "hòa bình của chúng ta không phải là cầu hòa". Khái niệm đó cụ thể là gì, theo ông?

Khi không có được đường lối độc lập tự chủ thì hòa bình đó, nếu có, là thứ hòa bình lệ thuộc. Tôi luôn nói độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ. Vế đầu về đường lối. Vế sau về lãnh thổ. Mất độc lập tự chủ là mất luôn chủ quyền lãnh thổ. Tự quyết định vận mệnh dân tộc là một giá trị không thể so sánh, không thể đánh đổi.

Trước mùa xuân và đất nước, với bạn đọc Báo Nhân Dân, ông có dự cảm gì?

Tôi rất tin lớp trẻ. Thanh niên Việt Nam thật sự cầu tiến, từ thể chất tới tinh thần đã sẵn sàng cống hiến to lớn cho đất nước.

Chỉ có hai băn khoăn. Một là giới trẻ hiểu biết lịch sử còn ít... Không hiểu lịch sử đầy đủ, làm sao phát triển? Thứ hai là ta ít nghe lớp trẻ, kể từ gia đình là cha mẹ, ngoài xã hội là hệ thống giáo dục, quản lý... Biết đâu, đến một lúc nào đó, lớp trẻ sẽ tìm ra con đường đi riêng của chúng, vừa kế thừa truyến thống cha ông, vừa xây dựng đất nước này phát triển vượt bậc.

Tôi thấy, thế nước đang lên, vận hội đang thịnh, bất chấp những khó khăn, thách thức, đe dọa. Nói một cách biện chứng, chính va chạm, xung đột, thách thức ấy là động lực phát triển. Vấn đề là phải nhìn nhận đúng để chuẩn bị đội ngũ. Chúng ta tự hào về truyền thống dân tộc, về chính nghĩa của dân tộc.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Báo Nhân Dân