Tuyên bố đáng chú ý của Mã Anh Cửu về Biển Đông, Hoa Đông

22/09/2014 09:55
Đông Bình
(GDVN) - Đây là phát biểu của Mã Anh cửu khi nhận được giải thưởng từ Hiệp hội ngoại giao công dân quốc tế PTPI, ông Mã đã kể về các nỗ lực "hòa bình" của ông.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu

Tờ "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông đưa tin, tối ngày 19 tháng 9, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã nhận được giải thưởng "Hòa bình quốc tế Eisenhower" của Hiệp hội ngoại giao công dân quốc tế (PTPI).

Tại buổi lễ, ông Mã Anh Cửu đã phát biểu cho biết, từ khi nhậm chức đến nay, quan hệ eo biển Đài Loan (quan hệ Đài Loan-Trung Quốc) là thời khắc hòa bình và phồn vinh nhất trong 65 năm qua, trong tương lai sẽ còn nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đóng vai trò người kiến tạo hòa bình khu vực, đồng thời mong muốn tiếp tục tham gia viện trợ nhân đạo.

Theo bài báo, dựa vào cống hiến cho hòa bình biển Hoa Đông, cải thiện quan hệ hai bờ, ông Mã Anh Cửu đã nhận được giải thưởng trên tại Hội nghị thường niên thế giới của hiệp hội PTPI. Bài phát biểu của ông trước tiên nói rõ về thành quả cải thiện quan hệ hai bờ.

Mã Anh Cửu cho biết, sau khi nhậm chức, ông ta đã tìm hiểu sâu sắc phải lấy hòa bình giải quyết vấn đề, lập tức cải thiện quan hệ hai bờ, làm cho hai bên đạt được thời khắc hòa bình và phồn vinh nhất trong 65 năm qua.

6 năm qua, số khách du lịch qua lại của hai bờ mỗi năm đều trên 8 triệu. Khách du lịch Trung Quốc mỗi năm có gần 3 triệu người; trước khi ông lên cầm quyền, sinh viên Trung Quốc đến Đài Loan học tập chỉ có trên 800 người, hiện nay đã có 25.000 người.

Mã Anh Cửu cho biết, ông còn nhớ, Eisenhower từng nói một câu nổi tiếng, đó là: Làm thế nào có thể giải quyết vấn đề bằng phương thức hòa bình? Eisenhower nói “chỉ cần hai bên trực tiếp đối thoại thì hòa bình thế giới sẽ không còn xa”.

Mã Anh Cửu nhấn mạnh, tập trung đóng vai trò người kiến tạo hòa bình khu vực, người viện trợ nhân đạo, tập trung vào theo đuổi hòa bình khu vực, nỗ lực không chỉ là trong quan hệ hai bờ, mà còn ở biển Hoa Đông, Biển Đông cũng vậy.

Ngoài ra, từ trận động đất Vấn Xuyên Trung Quốc tháng 5 năm 2008, động đất Haiti tháng 1 năm 2010, động đất đông bắc Nhật Bản năm 2011 đến thảm họa bão Philippines năm 2013, Đài Loan đều đã tiến hành viện trợ và đóng góp kịp thời, đã thực hiện yêu cầu của người cung cấp viện trợ.

Mã Anh Cửu cho rằng, do những nỗ lực thúc đẩy hòa bình, viện trợ nhân đạo, mới có thể làm cho “sáng kiến hòa bình” đưa ra được các bên ủng hộ, cũng làm cho các bên có thể được lợi.

Mã Anh Cửu cho rằng, hòa bình là một niềm tin, thúc đẩy hòa bình cần dũng cảm và quyết tâm, ông tin khi Eisenhower nếu còn sống cũng sẽ ủng hộ những nỗ lực của ông, hết sức giữ gìn và đề xướng tư tưởng hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bản thân ông cũng sẽ đi theo nguyện vọng ban đầu, duy trì hòa bình và ổn định khu vực, mong muốn tham gia viện trợ nhân đạo, đem tình yêu và mối quan tâm truyền tới toàn thế giới.

Trang mạng Đài phát thanh Trung ương Đài Loan ngày 21 tháng 9 cũng cho biết, ngày 19 tháng 9, ông Mã Anh Cửu đã nhận được “Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Eisenhower” năm 2014 của PTPI.

Theo bài báo, Hiệp hội ngoại giao công dân quốc tế (PTPI) do cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower  sáng lập vào năm 1956 với tôn chỉ xúc tiến hiểu biết lẫn nhau của nhân loại và hòa bình Thế giới. Mỗi năm hiệp hội này bình chọn người có cống hiến to lớn cho hòa bình thế giới để trao “Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Eisenhower” (Eisenhower Medallion Award).

Ông Nelson Rolihlahla Mandela - cựu Tổng thống Nam Phi, mẹ Teresa - nữ tu Công giáo Roma, người Albania, ông Lech Walesa - cựu Tổng thống Ba Lan đều từng nhận giải thưởng này. Còn ở châu Á, pháp sư Chứng Nghiêm – Hội từ tế Đài Loan nhận giải thưởng vào năm 1994, nay đến lượt Mã Anh Cửu trở thành Tổng thống đầu tiên của Đài Loan nhận được giải thưởng này.

Được biết, cháu gái của cựu Tổng thống Eisenhower đã viết thư cho Tổng thống Mã Anh Cửu báo cho ông biết tin này, trong thư bà khen ông Mã Anh Cửu đã tích cực xúc tiến hòa bình khu vực, đồng thời cho rằng “Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông” thống nhất với tư tưởng của Hiệp hội ngoại giao công dân quốc tế (PTPI), đáng được nhân rộng ra khắp thế giới.

Đông Bình