Tuyển sinh 2012: Thí sinh nên lưu ý đến những ngành tỷ lệ chọi thấp

06/04/2012 10:32
Theo NLD
Một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhận định đây là cơ hội lớn cho thí sinh trong lựa chọn ngành, nghề vừa sức học mà nhu cầu tuyển dụng cao.

Rất nhiều ngành học ít được thí sinh ưa chuộng nhưng lại dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Hiệu, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, do thông tin đến với thí sinh còn hạn chế nên ngành địa lý tự nhiên của khoa nhận được ít hồ sơ đăng ký dự thi trong khi ngành quản lý đất đai thì lại rất “đắt hàng”. Thí sinh thường băn khoăn về tương lai nghề nghiệp sau khi học địa lý nên thường chê ngành này nhưng thực tế cho thấy rất nhiều đơn vị quan tâm đến sinh viên tốt nghiệp ngành địa lý.
Những ngành ít được thí sinh quan tâm đa số là ngành có thu nhập ổn định.
Những ngành ít được thí sinh quan tâm đa số là ngành có thu nhập ổn định.
Nhu cầu nhân lực lớn

“Cục Bản đồ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ký hợp tác với khoa về đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Nếu sinh viên đạt kết quả học tập tốt và có nguyện vọng vào quân ngũ thì họ sẽ nhận vào quân đội. Nhiều đơn vị khác cũng đặt hàng cho khoa đào tạo nhân lực cho họ ở ngành viễn thám” - ông Hiệu nói. Ông cũng cho biết thêm là thống kê của khoa cho thấy 70% sinh viên của khoa làm việc đúng ngành sau 1-2 năm tốt nghiệp, thậm chí nếu có tiếng Anh tốt thì còn có nhiều cơ hội nhận học bổng du học.

Tương tự, nhiều ngành của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM như điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật cơ khí… có điểm trúng tuyển chỉ ở mức trên sàn và phải xét tuyển thêm nguyện vọng 2 cho đủ chỉ tiêu.
 Ông Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng nhà trường, cho biết chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro của ngành kỹ thuật công trình giao thông là chuyên ngành hoàn toàn mới ở nước ta và cần rất nhiều nhân lực nhưng trường vẫn thiếu nguồn tuyển. Đối với ngành điều khiển tàu biển, năm nào trường cũng khó tuyển dù đã có doanh nghiệp châu Âu tới tuyển dụng sinh viên thực tập và tài trợ học phí. Thậm chí những sinh viên này sau khi ra trường là được nhận luôn về doanh nghiệp làm việc.
Dễ trúng tuyển

Mùa tuyển sinh năm 2011, rất nhiều trường công bố điểm trúng tuyển chỉ ở mức từ 13-14 điểm với ngành khó tuyển nhưng dễ xin việc làm và thực tế năm nay cũng như vậy. Một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhận định đây là cơ hội rất lớn cho những thí sinh sáng suốt trong lựa chọn ngành, nghề vừa sức học mà nhu cầu tuyển dụng cao.
Tiến sĩ Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nông lâm là ngành học có rất nhiều cơ hội kiếm việc bởi Nhà nước đầu tư rất lớn vào ngành này để thúc đẩy sản xuất. Trong khi đó, nhóm ngành nông lâm năm nào cũng trong tình trạng mòn mỏi chờ thí sinh.
Tình cảnh này không chỉ diễn ra ở ĐH Quốc gia Hà Nội mà cả ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Nhiều ngành của trường này có số hồ sơ đăng ký dự thi thấp, thậm chí còn thấp hơn cả chỉ tiêu trong khi điểm trúng tuyển chỉ bằng sàn. Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng chỉ tuyển sinh các ngành ở mức từ 13-14 điểm, riêng ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên là 15 điểm, cao nhất là công nghệ sinh học cũng chỉ 17 điểm. Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho biết rất thiếu thí sinh các ngành lâm sinh, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú y.
Ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho hay các ngành liên quan đến nông nghiệp như trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ít thí sinh đăng ký thi trong khi nhiều địa phương đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho ngành này.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, để có một tương lai rộng mở, các thí sinh có sức học trung bình nên tìm hiểu kỹ ngành học, đặc biệt là những ngành có vẻ khó tuyển nhưng lại dễ đậu và nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo NLD