Tỷ giá năm 2013: Có nên phá giá VND ở mức 4%?

13/02/2013 08:35
Nguyễn Hoài/Thời báo kinh tế Việt Nam
Một số chuyên gia dự báo biên độ điều chỉnh tỷ giá năm 2013 chỉ ở mức +/-3% nhưng họ không đồng tình như vậy do lạm phát ở Mỹ. Vì thế, “phá giá” VND thêm 4%-5% trong năm nay là điều nên làm. Nhưng, phía NHNN lại có lập luận khác.
Nếu như thời điểm này từ các năm 2011 về trước, thị trường ngoại tệ thường xuyên “sốt”, “lạnh”, giới găm giữ ngoại tệ không chịu bán ra và Ngân hàng nhà nước (NHNN) liên tục phải cung ngoại tệ để bình ổn thì năm nay, tỷ giá mang một mặt khác hẳn.
Mối lo đã không hiện ra

Ròng rã suốt năm 2012, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN chủ động giữ nguyên ở mức 20.828 VND/USD, nếu tính từ thời điểm điều chỉnh cuối cùng vào ngày 24/12/2011. Ngay cả “chỉ tiêu” điều chỉnh tỷ giá năm 2012 được xác định +/ - 3% bởi tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình hồi đầu năm thì cũng chỉ dùng hết +1% với mức biến động cho phép với cặp USD/VND ở khoảng 20.620 VND – 21.036 VND/USD.
Đi cùng với đó, tỷ giá trên thị trường chính thức ổn định quanh mức 20.850 VND/USD, mặc dù ở một số thời điểm trong năm xuất hiện vài đợt sóng ngắn ngủi, đưa tỷ giá lên mức 20.820 VND – 21.295 VND/USD cho hai chiều mua và bán.
Chi tiết hơn, nếu phân kỳ, tỷ giá trong năm 2012 được thể hiện thành 2 giai đoạn: từ tháng 1/2012 kéo dài đến hết năm lại ổn định trong biên độ cho phép của NHNN (20.825 VND - 21.036 VND/USD). Tại những thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 và cuối tháng 8 đầu tháng 9 của năm 2012, tỷ giá xuất hiện vài đợt sóng  nhưng đó là một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất là các “anh cả” nhà nước cố tình tạo sóng kiếm chút lời khi được NHNN “ngó lơ” nhưng mức mua bán nhanh chóng lùi dần về mốc 20.840 VND – 20.845 VND/USD vào cuối năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Song song, tỷ giá trên thị trường tự do cũng không tạo ra sự biến động nào đáng kể. Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2012, tỷ giá nhích lên và bỏ xa thị trường chính thức một khoảng khá lớn nhưng nhanh chóng trở lại bám sát tỷ giá chính thức. Đây chính là một điểm sáng của thị trường ngoại hối trong năm nay. Và như vậy, những lo ngại của giới phân tích đầu năm 2012 rằng, tỷ giá sẽ phải điều chỉnh rất mạnh, chỉ ít thì VND phải tăng giá khoảng 8% - 10% so với USD nhưng điều đó đã không xảy ra
“Anh hùng gặp thời”?

Năm 2012 ghi nhận một sự khác biệt trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá. Dù có một vài thời điểm NHNN điều chỉnh tăng, giảm nhưng tựu trung lại là bám sát tín hiệu thị trường và kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Điểm thứ nhất, nếu như cá năm trước, mỗi khi song tỷ giá gợn lên, NHNN thường ban hành đồn dập các văn bản uốn năm theo mong muốn của mình thì năm 2012, nhà điều hành thường quan sát thị trường rất kỹ và sử dụng các công cụ điều tiết mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
Chẳng hạn, NHNN vừa thu hẹp các đối tượng được vay ngoại tệ cũng như trạng thái ngoại tệ được phép nắm giữ của các tổ chức tín dụng, vừa giữ vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường một cách rất linh hoạt. Cá biệt, có những thời điểm tỷ giá giảm sâu, NHNN còn chỉ động nâng giá mua lên mức 20.850 VND/USD để ngăn đà tăng giá của VND.
Điểm thứ ba, NHNN kiên trì với mục tiêu quản lý thị trường vàng. Khi tham mưu cho Chính phủ ban hành hai Nghị định 95 và Nghị định 24, NHNN biết thừa sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt từ những tổ chức cá nhân sử dụng vốn vay ngân hàng để kinh doanh vàng và lũng đoạn thị trường này trong nhiều năm nhưng nhà điều hành vẫn kiên trì theo đuổi đến cùng.
Với Nghị định 95, Nhà nước được phép tịch thu hoàn toàn số vàng buôn lậu, đã khiến giới buôn vàng chùn tay, khiến thị trường tỷ giá tự do không gây nhiễu thị trường chính thức. Cùng đó, Nghị định 24 với yêu cầu TCTD tất toán số vàng đã bán của bên gửi trước 25/11/2012 (được gia hạn đến 30/6/2012 – NV), đồng thời, kinh doanh theo hệ thống mới do NHNN sắp đặt đã đem lại một diện mạo mới cho thị trường vàng: minh bạch và nhà nước không bị thất thu thuế.
Tất nhiên, một yếu tố khác cực kỳ quan tọng chính là giảm tổng cầu, góp phần làm cho tỷ giá yên ổn hơn. Trong điều kiện kim ngạch XK đạt 114,6 tỷ USD trong khi kim ngạch NK chỉ 114,3 tỷ USD, cộng với lượng kiều hối ước khoảng 10,5 tỷ USD và một số lợi thế khác, lần đầu tiên kể từ 2007, cán cân thanh toán tổng thể đã thặng dư 10 tỷ USD.
Chắc hẳn nhiều người đều thừa nhận một sự thật là tỷ giá đã ổn định suốt năm 2012 và có thể kéo dài xu hướng này hết 2013. Nhưng phía sau hình hài lạc quan trên là những khó khăn bắt đầu lấp ló từ quy luật muôn thưở trong “bộ ba bất khả thi”, tự do đáo vòng vốn, tỷ giá hối đoái cố định và chính sách tiền tệ độc lập.
Rất có thể tại một thời điểm nhất định, việc cố giữ cho tỷ giá ổn định là phù hợp nhưng ở một thời điểm khác, chưa hẳn đã phù hợp. Vấn đề ở đây là nhà điều hành phải lường trước những bất ổn đang tiềm ẩn để có sự linh hoạt uyển chuyển trong điều hành nhằm tránh một kết cụ không muốn trong tương lai.

Phá giá VND, chuyên gia : có, NHNN : không!
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền lệ Quốc gia.
“5 năm qua, bình quân lạm phát của Việt Nam là 12% năm, trong khi chỉ số này của Mỹ là 2% năm, như thế, tỷ giá thực đã bị tăng nhưng Chính phủ lại không cho mức biến động giá trị VND tương ứng như trên. Điều đó rất bất lợi cho xuất khẩu nhất là khi Chính phủ vẫn xác định chúng là một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng. Vì thế, thà mỗi năm điều chỉnh tỷ giá theo hướng phá giá VND khoảng 4% thì tỷ giá sẽ ổn định và không bị sốc.
Nói như vậy là bởi, khi tham chiếu tỷ giá song phương giữa VND và USD, chúng tôi thấy rằng, VND đang bị định giá cao hơn 23% lạm phát của Việt Nam cao cấp nhiều làn so với lạm phát Mỹ. Còn nếu tính theo tỷ giá đa phương (bao gồm 19 đồng tiền trong rổ đồng tiền tính toán trong quan hệ XNK với VND thì VND chỉ tăng giá khoảng 4% so nhiều đồng tiền khác bị giảm giá. 
Nhưng đó không phải lầ sự lạc quan trong quan hệ thanh toán thương mại quốc tế, hầu hết doanh nghiệp XNK Việt Nam đều dùng USD. Thế nên, tỷ giá song phương mới là chỉ số quan trọng”. Hãy nhớ, các quan hệ tiền tệ thế giới tự bản thân nó đều tạo ra  sự cân bằng một cách tự nhiên và nếu VND bị định giá quá cao mà không đủ chủ động tạo nên sự cân bằng tiền tệ, thâm chí, khủng hoảng tỷ giá hối đoái.
Sở dĩ như vậy là vì khi lạm phát Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với Mỹ  nhưng VND lại được định giá thật với mức độ chênh lệch giá trị giữa hai đồng tiền quá lớn mà để chúng dồn nén từ năm này qua năm khác thì tất yêu đến lúc thị trường sẽ đòi hỏi một quy luật vận hành công bằng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank
“Đã đến lúc, phải nghĩ đến chuyện phá giá thêm VND dù dùng từ “phá giá” có phần hơi nặng nề thì XK mới có lợi. Hiện tại, Mỹ đã nới lỏng tiền tệ bằng khá nhiều gói cứu trợ và chúng sẽ kích thích mạnh tiêu dùng, tác động tốt cho XK của các nước, trong đó có Việt nam. Có thể, Việt Nam vẫn còn e ngại giảm đầu tư nước ngoài nên mới duy trì tỷ giá dưới giá trị thật như vậy nhưng hãy tận dụng tốt hơn cơ hội tốt để đẩy thêm hàng vào Mỹ. Ngược lại, trâu chậm thì uống nước đục!”.
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN Việt Nam

Điều hành tỷ giá không phải cứ muốn tăng hay giảm tùy tiện mà được. Các tổ chức tài chính quốc tế, kể cả WB khi áp các công thức tính toán tỷ giá của Việt Nam đều ra các kết quả rất khác nhau. Hơn nữa, lấy năm nào làm năm gốc, số liệu XNK từng năm cũng khác nhau cùng chuỗi số liệu lịch sử, sau đó áp vào các công thức tính toán đều cho một biên độ biến động rất lớn.
Đến nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng phải thừa nhận là điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua là rất phù hợp.
Nhiều người nói trên “phá giá VND” thêm so với mức 2012 để hỗ trợ XK  là một chuyện nhưng còn một vấn đề quan trọng khác là cơ cấu hàng XK. Nói cách khác, độ co dãn cầu hành hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thu nhập thay đổi là không lớn. Ví dụ, khi thu nhập của người dân nước XK dù có tăng bao nhiêu chăng nữa thì cũng không vì thế mà họ mua gạo, cá basa, tôm, nông sản, quần áo, dày dép… của Việt Nam nhiều hơn, trong khi đây là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam.
Vì thế, không thể điều hành tỷ giá một cách chung chung, đơn giản theo cách nghĩ cứ phá giá VND là hỗ trợ XK được. Mà thực tế, phải căn cứ vào cơ cấu hàng XK Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời, phải cân đối với rất nhiều yếu tố khác đi kèm, từ vĩ mô đến vi mô.
Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”. Chưa kể, còn khuấy đảo và làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng – Một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá. Ngoài ra, khi phá giá VND, còn kích hoạt NK trở lại.
Một vấn đề khác không thể không lưu ý khi tăng tỷ giá là áp lực trả nợ vay của vay, chủ yếu là USD. Cả chục năm nay, nền kinh tế phải trả giá rất đắt mỗi khi điều chỉnh giảm giá trị VND. Ví dụ, nói riêng mặt hàng xăng dầu, họ không có nguồn thu ngoại tệ tất cả đều phải mua. Vì thế, khi điều chỉnh tỷ giá, lập tức giá xăng dầu tăng và tác động dây chuyền đến mọi hàng hóa khác.
Mỗi tháng, ước tính, Petrolimex cần tới 500 triệu USD, chỉ cần nhích tỷ giá lên một chút là họ tăng giá ngay và nếu nhà nước không cho tăng là họ lỗ. Năm tài chính 2011, Petrolimex vẫn chưa thể cân đối được lỗ lãi và quết toán thuế là vì cú điều chỉnh tỷ giá năm đó. EVN cũng trong tình trạng tương tự khi họ vay nợ và nhập khẩu điện, máy móc thiết bị và đành phải phân bổ khoản lỗ đó dần vào các năm sau.
Hiện tại, NHNN đang theo dõi cung cầu ngoại tệ trên thị trường và thấy diễn biến vẫn đang rất ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên nhập siêu triền miên, việc giữ được tỷ giá như hiện nay là một thành công lớn. Trong đó, quan trọng nhất là ổn định được tâm lý kỳ vọng thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người nắm giữ VND, từ đó khơi thông dòng chảy ngoại tệ vốn bị găm giữ từ rất lâu.
Năm 2012, đã cho thấy những ai nắm giữ ngoại tệ đều thiệt so với nắm giữ VND. Vì thế, tổ chức kinh tế, người dân đã bán ra rất nhiều ngoại tệ cho TCTD. Năm 2012, NHNN đã mua thêm một lượng ngoại tệ tương đương 15 tỷ USD. Thậm chí, chỉ trong 22 ngày đầu của tháng 1/2013, NHNN đã mua vào dự trữ ngoại hối vài tỷ USD”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Nguyễn Hoài/Thời báo kinh tế Việt Nam