Uẩn khúc phía sau vụ Tổng giám đốc Haprosimex vay cá nhân 12 tỷ đồng

24/11/2014 07:21
Hải Ninh
(GDVN) - Vay 12 tỷ đồng tiêu dùng cá nhân, sau nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Haprosimex bị tố chiếm đoạt tài sản.

Tiêu gì hết... 12 tỷ đồng?

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Việt (Công ty Tân Việt)  do ông Nguyễn Hữu Luyện làm Giám đốc vừa có đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Cự Tẩm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất, xuất nhập khẩu Hà Nội (Công ty Haprosimex) với số tiền cả gốc và lãi là hơn 15 tỷ đồng.

Trong đơn tố cáo, Công ty Tân Việt cho biết: Ông Tẩm đã có nhiều lần hứa hẹn để thu xếp trả công nợ sớm (có 02 lần hứa hẹn bằng văn bản). Tuy nhiên, đến nay thời gian phải trả nợ đã quá 36 tháng nhưng ông Tẩm mới trả được 2,8 tỷ đồng. Số tiền ông Tẩm còn nợ của Công ty Tân Việt tính đến thời điểm 23/10/2014, cả gốc và lãi là 15,5 tỷ đồng… Công ty Tân Việt cho rằng, ông Tẩm có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Đơn tố cáo ông Nguyễn Cự Tẩm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Haprosimex của Công ty Tân Việt gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Đơn tố cáo ông Nguyễn Cự Tẩm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Haprosimex của Công ty Tân Việt gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo hồ sơ mà phóng viên thu thập được, ngày 25/3/2011, Công ty Tân Việt và ông Nguyễn Cự Tẩm ký hợp đồng “cho vay ngắn hạn”. Tại Điều 1 của Hợp đồng nêu “Số tiền và mục đích sử dụng tiền vay”: Bên A (Công ty Tân Việt) đồng ý cho bên B (ông Tẩm) vay số tiền là 11,5 tỷ đồng; Mục đích vay: Tiêu dùng cá nhân; Thời hạn vay: 06 tháng kể từ ngày bên vay nhận nợ vay lần đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Tẩm đã không thực hiện đúng như cam kết tại điều khoản hợp đồng. Theo tính toán của Công ty Tân Việt, tính đến ngày 30/9/2014, ông Tẩm còn nợ của Công ty số tiền 15,4 tỷ đồng (cả lãi và gốc).

Vay tiền tỷ để… chạy dự án?

Làm việc riêng với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/11/2014, ông Nguyễn Cự Tẩm khẳng định bản chất “không phải như vậy”, không phải vay tiêu dùng cá nhân mà “lo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất” tại lô đất có địa chỉ ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mà Công ty Haprrosimex làm chủ nhưng “phi vụ”  này sau đó… bất thành.

Ông Tẩm cho biết: "Nói một cách hình ảnh là nếu tôi là người đi chiếm đoạt thì tôi phải trốn tránh, chứ làm gì tôi phải nhận nợ, cam kết. Trong chuyện làm ăn có những chuyện không may. Đúng là tôi làm việc đấy thật nhưng tôi làm với tư cách cá nhân, Công ty không có dính dáng gì cả. Bắn súng không nên thì phải đền đạn thôi, nói thật ra là ông ấy (ông Luyện) cũng vô trách nhiệm. Ông phủi tay đến mức khi nói với tôi: cái việc đó bác làm bác chịu, còn em không có trách nhiệm gì ở đây cả. Nói quan hệ kinh tế là có vay có trả, nếu tôi trốn làm sao tôi trả nợ được, tôi chịu trách nhiệm và tôi đang sắp xếp".

Hợp đồng vay 11,5 tỷ đồng (thực tế hơn 12 tỷ đồng) để "tiêu xài cá nhân" nhưng thực chất lại là "chạy dự án" của ông Nguyễn Cự Tẩm.
Hợp đồng vay 11,5 tỷ đồng (thực tế hơn 12 tỷ đồng) để "tiêu xài cá nhân" nhưng thực chất lại là "chạy dự án" của ông Nguyễn Cự Tẩm.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao ông vay tiêu dùng mà tới 12 tỷ đồng?”, ông Tẩm cho rằng: "Đây không phải là vay tiêu dùng thông thường. Anh em chúng tôi dự kiến làm một việc nhưng lại không thành. Tôi cũng không dấu diếm gì cả. Trước đây chúng tôi định dọn đường cho ông Luyện về đấy (mảnh đất tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm -PV), đấy là tài sản công ty, dự kiến là chuẩn bị các thủ tục để làm. Cả 02 bên có ký 1 hợp đồng với nhau nhưng sau đó hợp đồng bị… thối".

Giải thích về số tiền 12 tỷ đồng đã đi đâu, ông Tẩm cho hay: "Không phải chỉ (ý nói phân chia số tiền 12 tỷ đồng-PV) có 1 chỗ, để giàu chia nhau thì khó, không có ông nào túm được cả ngần ấy tiền. Chỗ nào tôi giữ, chỗ nào tôi thu được tôi đã chuyển cho ông ấy (ông Luyện-PV) cả rồi. Bên kia người ta chơi không đẹp. Lô đất đấy, ông Luyện đặt vấn đề không phải sản xuất mà muốn làm bất động sản, muốn chuyển mục đích sang xây chung cư nhưng… khó. Miếng đất ở đấy nó không được, mình cũng không đổi cho ông nào được. Hợp đồng đấy chỉ là hợp thức hóa thôi… Lẽ ra, chỗ tiền này, ông Luyện phải chịu một nửa, ông ấy trút hết cả cho tôi".

Lô đất tại QL 32, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm mà ông Tẩm đã nhận làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng với số tiền 12 tỷ đồng?
Lô đất tại QL 32, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm mà ông Tẩm đã nhận làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng với số tiền 12 tỷ đồng?

Theo trả lời của ông Tẩm thì ông đã "chi tiêu" hết cho "những ai đó" để chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Câu hỏi đặt ra lúc này là, những cá nhân liên quan nào đã nhận tiền từ ông Tẩm? Những ai đã phải trả lại tiền cho ông Tẩm và những ai chưa trả lại? Nếu Cơ quan điều tra vào cuộc, chắc chắn danh sách này sẽ được "lộ sáng".

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ việc và thông tin từ người vay thì ông Nguyễn Cự Tẩm có dấu hiệu của Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự

Bởi vì, theo hợp đồng ký kết thì ông Tẩm phải chứng minh được mục đích vay là tiêu dùng vào việc gì? Nếu không chứng minh được thì ông Tẩm đã có “thủ đoạn gian dối”. Còn nếu, theo cách nói của ông Tẩm là hợp đồng chỉ để hợp thức hóa việc chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất tại Phú Diễn thì ông Tẩm lại có hành vi “sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. 

Cả hai căn cứ trên, có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản – Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

… 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

 a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

 b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Hải Ninh