Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi

22/01/2019 07:06
BÙI NAM
(GDVN) - Các em đều mong muốn ngày nào giáo viên cũng cố gắng giảng dạy, ứng xử như tiết dự thi hoặc chỉ bằng một nửa của tiết dự thi là các em hạnh phúc lắm rồi.

LTS: Mong rằng, những tiết dạy hàng ngày của các thầy cô cũng sẽ giống với những tiết dự thi giáo viên dạy giỏi, tác giả Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bất cập của việc “diễn” trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp là có thật, một tiết dạy mà cả hội đồng sư phạm cùng bắt tay vào hỗ trợ, chuẩn bị ở hầu hết các khâu, giáo viên chỉ còn lại việc đến lớp và “diễn” sao cho hết bài, hiệu quả mà nó mang lại thật sự quá ít ỏi so với những gì đã bỏ ra.

Sau khi thi giáo viên không dạy giỏi hơn, học sinh không học tốt hơn, chỉ tốn thời gian, công sức và tiền của để chi khen thưởng cho giáo viên đạt, chi cho ban tổ chức, ban giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm, chấm thi năng lực, chấm thực hành giảng dạy.

Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Giáo viên thi giáo viên giỏi phải trải qua 3 vòng thi gồm năng lực, sáng kiến kinh nghiệm, thi 2 tiết thực hành giảng dạy.

Tổng kết kinh phí cho việc tổ chức một kỳ thi là rất lớn, nếu bỏ bớt các hội thi vô nghĩa này cũng là một cách làm hạn chế các khoản lãng phí trong giáo dục

Một tiết dạy cho dù có tốt đi chăng nữa cũng không thể đánh giá là giáo viên giỏi cả năm học hay giáo viên giỏi suốt đời.

Có trường hợp giáo viên dạy trên lớp không quản lý nổi học sinh, tình hình học tập rất tệ, kết quả thực dạy học sinh thấp, không lôi cuốn học sinh vào học tập…nhưng khi đi thi thì được sự góp ý của đồng nghiệp của trường, thậm chí “mớm bài” cho học sinh.

Nhờ vậy, giáo viên đó đạt kết quả giáo viên giỏi cấp Huyện thậm chí cấp Tỉnh nhưng sau đó thì khi về công tác vẫn như cũ, kết quả giảng dạy vẫn không đạt tốt lên.

Đây là bất cập rất lớn mà khi thay đổi kỳ thi giáo viên giỏi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét để làm sao kỳ thi đi vào thực chất, không phô trương hình thức, giáo viên giỏi phải là giáo viên giỏi thực chất trên lớp thực dạy không phải giỏi qua kỳ thi hay qua 1, 2 tiết dạy.

Từng may mắn được phòng giáo dục triệu tập làm giám khảo chấm thi giáo viên giỏi cấp Huyện, tôi đã chứng kiến nhiều tiết dạy “diễn” thật.

Nhưng thật sự phải nói rằng, các tiết dạy đa số là các tiết đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, học sinh học tập ngoan, tích cực, giáo viên dạy tốt, do đó trong tiết học đó học sinh cũng hiểu bài tốt hơn.

Nhiều giáo viên rất cố gắng trong tiết dạy, giảng dạy phù hợp các hoạt động, học sinh chú ý lắng nghe nên hiệu quả các tiết dạy là khá cao.

Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi ảnh 2Chúng tôi đi thi giáo viên dạy giỏi

Nhiều giáo viên bình thường khi giảng dạy thì rất “dữ” và khó chịu nhưng khi dự thi thì nhỏ nhẹ, mềm mỏng, xưng cô - con.

Các học sinh khi được hỏi thì nói rằng giáo viên biến từ “phù thủy” thành mẹ hiền chỉ sau 1 đêm, các em đều mong muốn ngày nào giáo viên cũng cố gắng giảng dạy, ứng xử như tiết dự thi hoặc chỉ bằng một nửa của tiết dự thi là các em hạnh phúc lắm rồi.

Các em chỉ mong các giáo viên cười nhiều hơn, các giáo viên hãy thoải mái với các em, hãy dạy hết sức mình như khi đi thi giáo viên giỏi.

Nhưng như đã nói, sau kỳ thi xong là mọi thứ quay về điểm xuất phát, tức là không có mang lại hiệu quả gì cả.

Không cần giáo viên giỏi, chỉ cần đánh giá giáo viên thực chất

Như tôi đã trình bày ở trên việc tổ chức các hội thi giáo viên giỏi như hiện nay là rất hình thức, tốn kém…mà không mang lại hiệu quả gì cả, nên việc bỏ các hội thi như hiện nay là một tất yếu, phải mạnh dạn thay đổi.

Nhưng theo tôi, trong trường học thì cũng phải có các hình thức đánh giá, khen thưởng, động viên để tiết học nào giáo viên cũng có chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng như tiết dự thi giáo viên giỏi.

Giáo viên cũng không cần danh hiệu giáo viên giỏi mà chỉ mong được đánh giá công bằng, phù hợp, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của giáo viên, chứ việc đánh giá kiểu cào bằng như hiện nay không tìm ra được giáo viên giỏi thật sự.

Hiện nay, việc đánh giá giáo viên theo nghị định 88/NĐCP thì giáo viên chỉ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có tiêu chuẩn là sáng kiến kinh nghiệm.

Nó bộc lộ rất nhiều bất cập, nhiều giáo viên dạy rất tốt, rất cố gắng được nhà trường, gia đình và cả học sinh tín nhiệm, yêu thích nhưng vì không có sáng kiến kinh nghiệm nên phải xếp sau một số giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm.

Mà bất cập trong việc thực hiện hay chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng có rất nhiều, nên hiệu quả nó mang lại cũng gần như con số 0 tròn trĩnh.

Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi ảnh 3Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng phát biểu về điều này, hy vọng trong năm học tới, tiêu chuẩn sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí để xếp loại thi đua hay đánh giá giáo viên.

Do đó, xin hãy bỏ danh hiệu giáo viên giỏi này nọ mà chỉ cần thay đổi cách đánh giá, phân loại giáo viên cho phù hợp để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và trong cả phẩm chất đạo đức.

Để đánh giá giáo viên có 2 vấn đề quan trọng nhất là giảng dạy thật trên lớp và đạo đức.

Tôi nghĩ để đánh giá giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải đánh giá cả quá trình dạy học trên lớp, giáo viên dạy nhiệt tình bằng cả trái tim, học sinh học tập tốt, hiệu quả mang lại cao…đó là điều hướng đến, muốn như vậy không thể thông qua một tiết dạy mà là cả quá trình dạy.

Để các tiết dạy đi vào thực chất, tôi thiết nghĩ việc cần làm ngay bây giờ là lắp đặt tất cả các camera tại các phòng họp, lắp camera để giáo viên khi đến lớp sẽ luôn cố gắng, sẽ giữ mình, sẽ không bao giờ có việc 231 cái tát, vụ cô giáo không giảng bài 3 tháng, hay các vụ bạo lực học đường khác.

Bên cạnh đó, nó giúp giáo viên dạy tốt hơn, học sinh học tốt hơn…qua đó đánh giá giáo viên một cách thực chất, khi đó việc dự giờ có thể được quan sát trực tiếp trên camera và không xáo trộn tình hình dạy và học của học sinh.

Ngoài ra, việc đánh giá phẩm chất, đạo đức giáo viên có thể thông qua hội đồng sư phạm, học sinh bằng những phần khảo sát, tín nhiệm.

Thay đổi sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo quy định việc họp tổ chuyên môn sẽ diễn ra 2 lần/tháng, nhưng việc họp hiện nay đa số không hiệu quả, tốn thời gian không đi vào thực chất.

Bên cạnh đó, để tiết dạy của giáo viên trên lớp thực chất không cần nhiều ở việc dự giờ trên lớp mà cần được góp ý của tổ bộ môn để tiết dạy hoàn thiện hơn.

Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi ảnh 4Người dự, người dạy cứ tự nhiên, có phải tốt hơn không?

Qua bài viết tôi xin đề xuất việc họp tổ chuyên môn nên tập trung vào việc đóng góp xây dựng cho các bài dạy, tổ trưởng phân công mỗi giáo viên soạn và phương án bài dạy, thiết kế, cách sử dụng dụng cụ, phương tiện học tập…

Sau đó, góp ý, thống nhất và cả tổ bộ môn cùng thực hiện mà không phải mỗi người soạn, dạy một kiểu khác nhau hay như bài dạy không được góp ý trước khi đến lớp.

Thực hiện được việc như trên sẽ đỡ tốn công sức của giáo viên ví dụ có 3 giáo viên cùng dạy toán ở 1 khối lớp, đáng lẽ ra 3 giáo viên phải soạn thì nay chỉ cần 1 giáo viên soạn, các thành viên còn lại góp ý để hoàn thiện và sử dụng chung.

Làm như thế hiệu quả giảng dạy sẽ được nâng lên, hiệu quả buổi họp chuyên môn sẽ nâng cao, buổi họp sẽ có ý nghĩa hơn, giáo viên hứng thú hơn.

Nếu thực hiện sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn một cách thực chất cũng là một trong những cách nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Học sinh rất mong, mỗi ngày giáo viên hãy dạy như tiết giáo viên chuẩn bị cho tiết thi giáo viên giỏi, mỗi ngày giáo viên đến lớp cười nhiều hơn, vui vẻ hòa đồng với học sinh hay mỗi tiết dạy là một sự cố gắng, chuẩn bị cả về kiến thức và cả về phẩm chất của người thầy khi đến lớp.

BÙI NAM