Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 4)

11/10/2019 06:03
Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tiếp theo phần 3 và hết.

Hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các thực thể địa lý thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đây là một nội dung có liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể địa lý (đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm, rạn san hô) ở giữa Biển Đông.

Mặc dù UNCLOS 1982 và các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài 2016, đã quy định và phân tích, xác định rất rõ về hiệu lực của chúng nhưng trong thực tế việc giải thích và áp dụng vẫn còn là vấn đề, hoặc là sai trái hoặc còn để ngỏ. Vì vậy, chúng ta cần phải lưu ý những nội dung sau đây:

Vấn đề thiết lập đường cơ sở của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông, phần IV, Điều 46, UNCLOS 1982 đã định nghĩa:

“Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.

“Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Cảnh giác trước thâm ý rút mà không rút của Trung Quốc trên Biển Đông
Cảnh giác trước thâm ý rút mà không rút của Trung Quốc trên Biển Đông

Phần IV, không có Điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo.

Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó.

Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1996 (15/5/1996), vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo.  

Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường có sở ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là quần đảo Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” 200 hải lý xung quanh các quần đảo ở giữa Biển Đông.

Đây là sự giải thích và áp dụng sai trái UNCLOS 1982. Bởi vì, theo quy định của UNCLOS 1982, tại Phần VIII, Điều 121 quy định:

- “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”.

- “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”.

- “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.

Năm 2016, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài, được thành lập theo Phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã khẳng định rằng: nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Vì vậy, cần lưu ý:

- Không coi tất cả các thực thể địa lý là những bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý là bộ phận cấu thành của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo.

Các hoạt động vi phạm của tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam lân cận khu vực bãi Tư Chính từ ngày 3/7-21/7. (Nguồn: Maritime Issues)
Các hoạt động vi phạm của tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam lân cận khu vực bãi Tư Chính từ ngày 3/7-21/7. (Nguồn: Maritime Issues)

Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Nếu trên các bãi cạn này có xây dựng các công trình nhân tạo thì chỉ có vùng an toàn bán kính 500 mét bao quanh; không thể có “vùng biển liên quan” 200 hải lý theo quan điểm của Trung Quốc.

- Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không có đường cơ sở được thiết lập theo tiêu chuẩn “quốc gia quần đảo”.

Hệ thống đường cơ sở chỉ có thể được thiết lập cho từng thực thể địa lý, được coi là là đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, UNCLOS 1982.

Vùng biển và thềm lục địa xung quanh các thực thể này phải tuân thủ đúng quy định của UNCLOS 1982.

Theo đó và theo Phán quyết của Tòa trong tài 2016, thì tất cả các thực thể địa lý này chỉ có lãnh hải tối đa 12 hải lý bao quanh.

Sử dụng tên gọi và các thuật ngữ pháp lý và vấn đề diện tích vùng biển Việt Nam

Cho đến nay, trên một số phương tiện thông tin báo chí vẫn sử dụng sai tên gọi Biển Đông mà Nhà nước ta đã chính thức công bố.

Biển Đông là danh từ riêng, viết hoa cả 2 chữ, không phải viết là biển Đông. Đặc biệt là khi dịch ra tiếng nước ngoài không dịch là “East  Sea”, “Mer de L’Est” mà phải là “BienDong Sea”.

Mới đây nhất, một hãng hàng không mới đã phát hành bản đồ bay đã sử dụng địa danh “South China Sea” thay vì “BienDong Sea” đã bị dư luận lên án, thậm chí cho rằng đơn vị này đã vô tình hoặc cố ý làm theo ý đồ của Trung Quốc…

- Các thuật ngữ “lãnh hải”, “vùng đặc quyền kinh tế”, “thềm lục địa” vẫn còn sử dụng sai, nhất là khi dịch ra tiếng nước ngoài, có thể gây sự hiểu lầm đối với lập trường đúng đắn của Việt Nam.

Chẳng hạn, tạp chí được cung cấp trên các chuyến bay một hãng hàng không của ta viết rằng: “Territoral water” (là Lãnh hải theo UNCLOS 1982) lại bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa 200 hải lý…Nếu hiểu như thế thì yêu sách biển Việt Nam không kém gì yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc….

Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

- Chưa nên công bố diện tích cụ thể của vùng biển Việt Nam như: diện tích vùng biển Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích đất liền hay một triệu km2…bởi vì:

- Việt Nam còn tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa và ở các đảo xa bờ biển Việt Nam.

- Một số vùng biển chồng lấn với một số nước kế cận và đối diện chưa hoạch định xong, cho nên chưa xác định được diện tích cụ thể ở những vùng chồng lấn đó.

- Ranh giới thềm lục địa vượt quá giới hạn 200 hải lý ở một số khu vực cho đến nay Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc chưa công nhận, mặc dù Việt Nam đã nộp hồ sơ theo đúng thủ tục.

Về khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin, trong các văn bản chính trị, pháp lý… cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác.

Điều này khiến cho nhiều người có nhân thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo mà hậu quả có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau.

Xin lưu ý rằng, trong các nội dung phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây về các vấn đề xảy ra trên biển đã sử dụng một cách chính xác các thuật ngữ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán để lên án các hành vi vi phạm của tàu thuyền Trung Quốc tại các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập theo quy định của UNCLOS 1982.

Tiến sỹ Trần Công Trục