Vấn nạn phá rừng đang đe dọa toàn bộ hành tinh

19/11/2011 08:54
Theo Vietnamplus
Vấn nạn phá rừng đang đe dọa toàn bộ hành tinh
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 17/11, tại Indonesia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh nạn phá rừng không những đe dọa khí hậu của hành tinh và phát triển kinh tế quốc gia, mà còn đe dọa cả các cộng đồng có nguồn thu nhập, văn hóa và lối sống dựa vào những khu rừng.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã có phát biểu trên khi ông đến thăm khu vực Kalimantan thuộc đảo Borneo, nơi Chính phủ Indonesia chọn làm địa điểm triển khai một chương trình thí điểm của Sáng kiến "Cắt giảm khí thải do Tàn phá và Thoái hóa rừng (REDD)."
Nạn phá rừng đang đe dọa khí hậu, kinh tế, văn hóa của các cộng đồng người trên hành tinh. (Nguồn: Internet)
Nạn phá rừng đang đe dọa khí hậu, kinh tế, văn hóa của các cộng đồng người trên hành tinh. (Nguồn: Internet)
Sáng kiến này được đưa ra nhằm tạo ra giá trị tài chính từ nguồn cácbon trong các khu rừng và cung cấp kinh nghiệm cho chính phủ các nước và cộng đồng địa phương nhằm bảo vệ và quản lý tốt các khu rừng.

Ông Ban Ki-moon cho biết, nạn phá rừng chiếm khoảng 17% lượng khí thải cácbon toàn cầu, nguyên nhân lớn thứ hai sau khu vực năng lượng. Mỗi hécta rừng bị biến mất hoặc thoái hóa sẽ góp phần làm tăng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Ông Ban Ki-moon nói: "Khi chúng ta thúc đẩy REDD và thực hiện thành công sáng kiến này, điều đó rất quan trọng để đạt được sự đồng thuận của các cộng đồng đang sống dựa vào các nguồn tài nguyên rừng."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết Liên hợp quốc thành lập và khai trương Văn phòng Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về REDD và Hợp tác tại Indonesia (UNORCID) vào ngày 17/11. Liên hợp quốc cũng đang tham khảo ý kiến của chính phủ và xã hội dân sự tại Indonesia để cải thiện công tác quản lý rừng, chống tham nhũng cũng như hiểu biết môi trường tự nhiên và các tác động xã hội của REDD để điều chỉnh các nỗ lực khi chúng xuất hiện.

Ông Ban Ki-moon nói: "Chúng ta sẽ tạo thuận lợi cho việc bảo vệ môi trường và xã hội, giúp thành lập các trường học xanh và phòng cháy rừng. Tóm lại, công việc của chúng ta sẽ đem lại lợi ích cho người dân khu vực, đồng thời giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu."

Trước đó, hồi tháng 9/2011, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đã công bố một bản báo cáo cho biết các khu rừng lớn được bảo tồn ở Inđônêxia theo chương trình REDD có thể tạo ra nguồn thu nhập nhiều tỷ USD, lớn hơn 3 lần so với trồng cây dầu cọ.

Báo cáo đề nghị Chính phủ Inđônêxia cho phép sử dụng một số khu rừng mới cho chương trình REDD nhằm đạt được nhiều lợi ích từ nguồn cácbon, bảo tồn nơi cư trú của loài vượn và bảo vệ các dịch vụ hệ sinh thái, đồng thời phát triển các khu vực trồng cây dầu cọ ở những địa điểm có giá trị sử dụng thấp và tránh chuyển nhượng đất để trồng gỗ hoặc nông nghiệp ở khu vực có giá trị bảo tồn cao.
Theo Vietnamplus