Về Đọi Sơn xem “vua” đi cày

16/02/2013 16:52
Trọng Trinh
(GDVN) -Lễ Tịch Điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Sáng nay mùng 7 tết âm lịch, lễ hội Tịch Điền đã khai mạc, ngay từ sáng sớm đông đảo bà con nhân dân trong huyện đã nô nức về xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam để cùng nhau xem “vua” đi cày. Từ năm 2009 lễ hội Tịch Điền  được khôi phục đến nay đã năm năm, kể từ ngày đó cứ vào ngày mùng 7 tết âm lịch hàng năm lễ hội được tổ chức để nhắc nhở các thế hệ về sau nhớ về những tập quán của cha ông.

Về tham dự lễ hội Tịch Điền có phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đông đảo cán bộ và nhân dân của tỉnh Hà Nam.

Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan thắp hương tại buổi lễ.
Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan thắp hương tại buổi lễ.

Những chiếc cày, con trâu là hai “gia tài” vô giá của người nông dân Việt Nam đã được huy động, những chú trâu béo tròn, trên người được trang trí các họa tiết bằng sơn những biểu tượng cho nền nông nghiệp nước nhà nổi bật lên trong lễ hội. Hàng loạt các chương trình văn hóa văn nghệ đã được tổ chức phụ vụ bà con nhân nhân xa gần. Trong đó nổi lên là dàn trống nổi tiến Đọi Sơn được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ buổi lễ.

Sau những lời phát biểu khai mạc lễ hội của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, thì phần quan trọng nhất đó là lễ nhập vai “vua” Lê Đại Hành của một vị bô lão trong làng, mở màn cho màn trình diễn “vua đi cày”. Tiếp đó đến lần lượt các đồng chí lãnh đão tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên cũng cầm cày theo trâu ra ruộng.

Đi theo sau các vị “vua” là những cô gái trẻ xinh tươi như hoa tay sách làn trong đó chứa đựng các loại hạt giống như thóc, lạc, đỗ… cày đến đâu là gieo hạt tới đó. Một không khí vô cùng vui tươi đã diễn ra khắp buổi lễ.

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Nam cho biết, Lễ hội Tịch Điền là một lễ hội vô cùng đặc biệt chỉ riêng tỉnh Hà Nam mới có, năm nay lễ hội diễn trong trong năm du lịch đồng bằng sông hồng nên thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Lễ hội Tịch Điền đề cao vai trò nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia, mong muốn mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Hình ảnh "vua" đi cày trong lễ hội.
Hình ảnh "vua" đi cày trong lễ hội.

Theo lịch sử nghi lại, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan trong chiều cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm lễ Tịch Điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Đến Triều Nguyễn lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì nhưng lễ này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định.

Lễ Tịch Điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, mỗi người dân Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trọng Trinh