Về nơi cả làng gian nan đi tìm con chữ

18/03/2012 07:03
Độc giả Cao Hồng
(GDVN) - Mấy chục năm qua, hơn 50 con người làng Cả Đựa chỉ khát khao được dùng bút mực ký tên mình khi nhận gạo cứu đói thay việc dùng dấu vân tay điểm chỉ.
Nghịch cảnh từ nhiều năm qua, 13 hộ dân làng Cả Đựa, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, Thanh Hóa vẫn sống trong cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu. Hơn 50 con người luôn sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt. Nhưng có lẽ điều day dứt nhất với người dân nơi đây đó chính là thèm khát viết được tên của mình thay vì dùng tay điểm chỉ như bấy lâu nay mà họ vẫn thường dùng.

“5 không” làng Cả Đựa

Từ trung tâm văn hóa xã Phúc Đường, chúng tôi phải vượt qua hàng chục km đường rừng, đồi núi lầy lội, gồ ghề với những khe suối và dốc núi cao để tìm về làng Cả Đựa. Sự khó khăn về địa hình, giao thông khiến người dân nơi đây không thoát khỏi cái đói, cái nghèo và mù chữ. Mấy chục con người luôn sống trong cảnh “thèm”  chữ. Bởi, cả làng chỉ có một bà cụ hơn 70 tuổi là bà Quách Thị Nguyện là biết chữ, những người còn lại đều thất học.
Bao thế hệ nay, trẻ con làng Cả Đựa chỉ biết đến làm nương rẫy và chăn trâu chứ không biết đến con chữ
Bao thế hệ nay, trẻ con làng Cả Đựa chỉ biết đến làm nương rẫy và chăn trâu chứ không biết đến con chữ
Chị Lự Thị Hoan, 33 tuổi, một người dân trong làng Cả Đựa tâm sự: “Xuống xuôi thấy người ta viết chữ mà tôi thèm được viết lắm. Mỗi lần xuống UBND xã nhận gạo cứu đói, chúng tôi phải ấn dấu vân tay thay chữ kí, nghĩ mà xấu hổ lắm. Tôi cũng muốn đi học cho biết cái chữ lắm, nhưng đường xa và khó đi lắm. Hơn nửa, cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm thì sao dám đi học ”.
Nằm tách biệt với xã Phúc Đường và bị các dãy núi cao bao quanh, giao thông đi lại của làng Cả Đựa rất khó khăn, cách trở. Mọi sinh hoạt mua bán, chợ búa đều không diễn ra. Nhiều năm nay, người dân phải sống trong cảnh không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế và không nước sinh hoạt nên đời sống người dân vô cùng lạc hậu. 
Đường đến thôn Cả Đựa đầy những dốc cao ghồ ghề, khó đi. Từ trung tâm xã phải mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi

Đường đến thôn Cả Đựa đầy những dốc cao ghồ ghề, khó đi. Từ trung tâm xã phải mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi

Chị Quách Thị Thường cho biết: “Cách đây mấy tháng, thằng nhỏ nhà tôi bị cảm đột biến, lên cơn co giật. Gia đình không phương tiện đi lại nên nữa đêm gà gáy phải chạy bộ gần 10 cây số mới tới bệnh viện chợ bến Sung. Khi đến nơi, cháu được đưa vào phòng cấp cứu và suyết nữa bị nguy hiểm đến tính mạng. Mấy chục năm nay chúng tôi đều sống thế này đấy”.
Đất đai ít, lúa gạo không đủ ăn, người dân nơi đây từ già đến trẻ phải đi chặt củi, đốt thành than đem xuống chợ Vạn Thành, huyện Nông Cống (cách chợ 20 km) bán để kiếm tiền đong gạo, mua cá khô, nước mắm… dùng cho cả tháng. Một ngày may mắn cũng kiếm được 15.000 - 20.000 đồng. Gia đình nào không kiếm được tiền để xuống chợ, cả tháng phải ăn muối trắng, ăn rau rừng.
17, 18 tuổi đã tay bồng, tay bế chứ chưa bao giờ biết đến con chữ
17, 18 tuổi đã tay bồng, tay bế chứ chưa bao giờ biết đến con chữ
 “Tài sản của gia đình còn 3 lon gạo đây, tôi phải nhịn ăn trưa để tối bố con nó đi làm về ăn. Cuộc sống khổ lắm, hôm nào cũng ăn cơm xong là lên giường đi ngủ thôi, không có điện thì biết làm gì được? Quanh năm sống trong bóng tối cũng quen rồi”- chị Phạm Thị Đào một người dân trong thôn cho biết thêm.  

Xuống núi tìm chữ

Trong số 50 người dân làng Cả Đựa chỉ có 8 người biết chữ (7 trẻ em mới bắt đầu đi học tiểu học và một cụ già). Bà Quách Thị Nguyện, 70 tuổi là người lớn duy nhất biết chữ trong số người dân gốc ở làng Cả Đựa. Anh Lự Văn Thắng, sinh năm 1986, con trai bà Nguyện, tâm sự: “Mình không có cái chữ, không kiếm được việc làm nên phải vào rừng kiếm củi, đốt than, mang xuống chợ đổi lấy gạo thôi”. 
Hàng chục năm nay, các hộ dân nơi đây vẫn đeo bám cùng sự đói nghèo, lạc hậu

Hàng chục năm nay, các hộ dân nơi đây vẫn đeo bám cùng sự đói nghèo, lạc hậu

Sự hạn chế trong nhận thức, khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng và nhiều nguyên nhân chủ quan  khác đã dẫn đến cuộc sống của hơn 40 con người nơi đây luẩn quẩn trong nghèo đói, lạc hậu và thất học. Kinh tế khó khăn, đời sống người dân vô cùng lạc hậu nên sự học bị cản trở rất nhiều. Từ năm 2010, được nhà nước đầu tư, xây dựng nhà ở đến từng hộ gia đình, phá núi làm đường cho người dân đi lại thì làng Cả Đựa đã có sự phát triển, sự học được nảy mầm.
Làng Cả Đựa có 13 hộ dân nhưng đều thuộc hộ nghèo và là người dân tộc Thái. Cuộc sống phụ thuộc vào thực phẩm từ trồng nương rẫy. Đói ăn là chuyện thường xuyên xảy ra.

Nằm tách biệt với người dân trong xã bởi những cánh rừng rậm và những dốc núi cao xa xôi, bao năm qua họ vẫn chìm trong cảnh không đường giao thông, không có điện, không nước sinh hoạt, không trạm y tế, không trường học. 

Trừ những cháu nhỏ đang bắt đầu bi bô tập đọc thì trong thôn chỉ có duy nhất  một cụ già 70 tuổi biết chữ.
Có đường, có nhà ở, cần phải có chữ để mở mang kiến thức cho con em trong làng. Ban đầu, chính quyền địa phương có cử giáo viên lên làng mở lớp dạy học. Nhưng, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn lạc hậu nên tỉ lệ trẻ em đi học rất ít nên không mở được lớp. Các em nhỏ muốn tìm chữ phải cõng gạo xuống núi học. Hiện nay, cả làng Cả Đựa có 7 em học sinh đã xuống núi đi học, có những em năm đã 15 tuổi đầu nhưng mới bắt đầu học lớp 1.
Gia đình chị Hoan có 2 con nhỏ, chồng bị bệnh nên mất sớm. Từ cuối năm 2010,chị bắt đầu cho các con đi học. Cháu Lư Thị Lịch, 14 tuổi học lớp 2 và cô con gái 8 tuổi đang theo học lớp 1.
Chị Hoan tâm sự: “Mình không biết cái chữ nên lạc hậu, giờ phải cho các con đi học để mở mang kiến thức, đem cái giàu về với bản làng. Cháu nhà tôi thích học lắm, năm nào cũng được giấy khen. Tôi “thèm” được đi học giống các cháu lắm, nhưng không có ai đi làm kiếm ăn cho cả”.
Do đường đến trường xa, đi lại khó khăn nên các em học sinh phải đem theo gạo, thức ăn, quần áo và sách vở để tạm trú lại trường, một hai tuần mới về lấy gạo một lần. Có những gia đình, hai đến ba con đều đi học nên hàng tuần các phụ huynh phải cõng gạo, thức ăn vượt bộ đường rừng 8 - 9 km xuống núi thăm con. 
Cháu Lự Văn Minh đã 6 tuổi nhưng chưa được học mẫu giáo
Cháu Lự Văn Minh đã 6 tuổi nhưng chưa được học mẫu giáo
Cháu Quách Thị Lan 11 tuổi ngậm ngùi cho biết “cháu thích được tới trường, vừa có nhiều bạn, lại biết cái chữ, nhưng gia đình nghèo, đói ăn nên bố mẹ không cho đi học, bắt ở nhà lên rẫy kiếm củi”.
Ghé thăm trường Trường Tiểu học Phúc Đường, chúng tôi gặp không ít những em đã 15, 16 tuổi nhưng mới bắt đầu học lớp 1. Em Dương Thị Phương, 14 tuổi, đang  theo học lớp 1, hồn nhiên cho biết “Học cái chữ khó hơn đi vào rừng kiếm củi, nhưng em vẫn muốn được đi học để sau này làm cô giáo. Em rất muốn được đi học để sau này về làm giàu, làm đẹp cho làng, cho bản”.
Bà con nơi đây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ cầm bút tập viết chữ
Bà con nơi đây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ cầm bút tập viết chữ
Chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn của thôn Cả Đựa, ông Lê Văn Luân, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Đường bày tỏ: “Cả 13 hộ dân làng Cả Đựa đều thuộc hộ nghèo trong xã. Những năm trước đây, đời sống người dân luôn trong tình trạng nghèo, đói và lạc hậu, đến đường đi cũng không có.

Từ năm 2010, Nhà nước có quan tâm, hỗ trợ cho làm con đường lên núi, xây dựng nhà ở theo chương trình “xóa nhà tranh vách đất” nên mọi sinh hoạt đi lại, mua bán của người dân có phần dể dàng hơn, cuộc sống người dân được cải thiện, đặc biệt là mùa mưa lũ. Còn vấn đề về đường điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt thì chúng tôi phải chờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước. Bởi, giao thông đi lại giữa làng Cả Đựa với trung tâm văn hóa xã bị chia cắt bởi những ngọn núi cao, ngân sách địa phương lại hạn hẹp nên “lực bất lòng tâm”. Hiện tại, đến nước sinh hoạt người dân vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết”.

Cuộc sống của người dân bao đời nay vẫn thế. Trẻ con nơi đây từ khi sinh ra đã chịu cảnh đói nghèo, lớn lên đành theo bố mẹ đi làm nương rẫy hay vào rừng kiếm củi để có gạo ắn qua ngày. Việc được học con chữ đều với họ vẫn còn xa xôi lắm...

Độc giả Cao Hồng