Vị đại tá quân đội kể về tuổi thơ ở Hoàng Sa trước năm 1945

18/04/2013 07:13
Tuệ Minh (ghi)
(GDVN) - “Trên đảo có 2 lá cờ, một lá cờ của nhà nước ta thời vua Bảo Đại nền vàng gạch đỏ ở giữa (máu đỏ, da vàng) và 1 cờ Pháp. Tất cả sinh hoạt trên đảo đều theo tiếng kèn của 1 người lính, kể cả chào cờ”.
Đại tá Trần Quân Bảo (SN 1934, ở Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Đảng Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng) đã kể về khoảng thời gian 2 năm (từ cuối năm 1938 đến cuối năm 1940) ông cùng gia đình mình ở Hoàng Sa.

Theo lời ông, đó là gia đình người Việt duy nhất từ đầu thế kỷ 20 sống ở đảo Hoàng Sa cho đến nay. Cha ông là ông Trần Văn Phước, chuyên gia Vô tuyến điện của Binh Chủng Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng).

Đại tá Trần Quân Bảo
Đại tá Trần Quân Bảo

Sau đây, chúng tôi xin gửi tiếp tới độc giả phần ghi chép của phóng viên theo lời kể của Đại tá Trần Quân Bảo:
Tuổi thơ đầy sóng, gió, nắng, ốc và cái Tết buồn

Ở trên đảo,không bao giờ chúng tôi được đi chơi tha thẩn một mình và đi đâu là phải có ba mẹ đi cùng. Thỉnh thoảng cả nhà mới đi chơi, ba tôi chỉ lo công việc chủ yếu là truyền tin về thời tiết cho đất liền hàng giờ. Ba tôi trong phòng làm việc đánh máy, đeo tai nghe… Tôi không bao giờ được phép vào phòng làm việc, sợ bị máy nổ giật điện.

Trò chơi của anh em tôi khi đó chỉ là tắm nắng, nghịch cát, bắt ốc hương để làm khuy áo (nhiều kích cỡ khuy). Tôi còn nhớ, khi gia đình tôi về đất liền thì mẹ tôi đã có hàng hộp khuy áo để cho bà con làm quà. Và khi đó, có một phu đảo đã tặng cho ba tôi 1 bộ đồi mồi (6-7 con) từ nhỏ đến to rất có giá trị.

Nếu có bão thì chúng tôi chỉ biết nằm trong nhà 2- 3 ngày chứ không dám ra ngoài vì nếu ra thì bị ướt, và chỉ đi lại xung quanh hành lang là chính. Lúc đó tôi chưa đến tuổi đi học nên ba tôi mong đến năm 1940 sẽ được về đất liền để tôi đi học. Mẹ tôi chỉ dạy tôi biết các chữ cái, còn thì sách báo thì chủ yếu là tiếng Pháp. Không hề có ca nhạc.

Ảnh chụp ba mẹ con ông Trần Quân Bảo trước khi ra đảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ảnh chụp ba mẹ con ông Trần Quân Bảo trước khi ra đảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ở đảo có một cái miếu gọi là Miếu Bà có tượng Phật Bà. Hàng tháng tuần rằm mùng 1 thì đến đó thắp hương. Miếu này bé và tối om, lúc đó tôi sợ ma nên không bao giờ dám đến. 

Gia đình tôi ăn 2 cái Tết ở đảo. Tất cả các thứ từ đất liền gửi ra. Tết ở đó buồn lắm, chỉ có báo Tết, có kẹo bánh, không có tiếng pháo.
Thực phẩm chủ yếu đảo

Trên đảo, gia đình tôi chủ yếu dùng đồ khô: thịt ướp muối, dăm bông mặn (ướp salpêtre – chất ướp hay được dùng để làm xúc xích hiện nay) được chuyển từ đất liền ra. Tôi sợ nhất là trứng vịt ướp muối. Ngoài ra còn cá tươi đánh từ biển hoặc bạch tuộc. Có 1 thứ thực phẩm để cải thiện cuộc sống nữa là trứng vít. Vào mùa trăng lên, vít lên đảo để đẻ rồi vùi trứng dưới cát. Muốn lấy được trứng thì phải lấy thuốn đi dò rồi đảo lên…

Còn rau thì cả 1 tuần mới có được một bữa ăn rau. Khi tàu chở từ đất liền ra thì chở chủ yếu là củ quả. Còn rau trồng ở đảo thì chủ yếu là rau cải củ. Đến giờ trong tôi vẫn còn nhớ nguyên kỷ niệm về việc dùng nước trên đảo, đến mức nước tiểu cũng phải được tận dụng để tưới rau. Trên đảo, mọi người dùng nước rất tiết kiệm.

Hàng tháng thì có tàu ở đảo Phú Lâm mang hàng sọt cá Sardine sang để đổi nước và dùng bình thuỷ tinh để đựng mang về đảo dùng dần. Với anh em chúng tôi thì dù khoảng cách rất nhỏ cũng trở lên dài, đứng ở bờ biển cũng không nhìn thấy đảo bên cạnh.
Lá cờ thể hiện chủ quyền của nhà nước vua Bảo Đại

Dân số trên đảo khoảng 80 – 90 người (khoảng 60 phu và 20 lính và khoảng 10 người làm việc) mà chưa bao giờ có dịp tập hợp tất cả lại.

Tại đó có 2 cờ, một lá cờ của nhà nước thời vua Bảo Đại nền vàng gạch đỏ ở giữa (máu đỏ, da vàng) và 1 cờ Pháp. Tất cả sinh hoạt trên đảo đều theo tiếng kèn của 1 người lính, kể cả chào cờ. Ở đó cũng không có đồng hồ, tất cả sinh hoạt nhìn theo bóng mặt trời. Nếu có mưa bão thì không có khái niệm về giờ. Trời tối thì thắp đèn bão lên.

Có một điều lạ là đêm đến chim về rất nhiều rồi sáng lại bay đi nên các phu ở đó còn có nhiệm vụ là đi nhặt phân chim rồi về phơi khô để làm phân photphat rồi chuyển vào đất liền. Ngoài ra, các phu cũng phải xếp đá để kéo dài cầu tàu, kè đá cho đảo. 

Ở đảo có mấy công chức trong đó có ba tôi là trạm trưởng vô tuyến điện,1 người phục vụ máy nổ, 1 người làm về thiên văn, 1 người coi kho thực phẩm. Ngoài ra còn có 1 y sĩ làm thầy thuốc để xử lý những đau ốm thông thường, còn lại những ca cấp cứu thì phải chuyển vào đất liền... Còn 1 người nữa là thư ký, văn thư cho lính đồn. Lính đồn trông phu làm việc chăm chỉ.

Cuối năm 1940 thì gia đình tôi mới được điều về đất liền. Kể từ đó không có gia đình nào được điều ra đảo nữa. Chúng tôi về Hà Nội được một thời gian sau ba tôi lại bị điều lên Điện Biên…
Tuệ Minh (ghi)